Giá tiêu tăng nhưng người trồng không được hưởng lợi nhiều
Nhiều nông dân ở các vùng trồng tiêu cho biết, mặc dù giá tăng nhưng người trồng được hưởng lợi không nhiều vì ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Băn khoăn việc có nên bán hay tiếp tục trữ hàng
Trung bình tháng 7, giá tiêu nội địa đạt 150.000 đồng/kg, tăng 82,9% so với thời điểm tháng 1 và tăng 120,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính trung bình giá tiêu đen 7 tháng 2024 tăng 66,5% so với năm 2023. Nguồn cung thiếu hụt do sản lượng thu hoạch giảm ở Việt Nam và Brazil là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc giá tiêu tăng từ đầu năm.
Sự biến động của giá tiêu đã đặt nhiều nông dân vào tình thế khó khăn, họ phải đưa ra quyết định giữa việc có nên bán hay tiếp tục trữ hàng. Dù hồ tiêu trong dân vẫn còn nhưng hiện họ không bán ra ồ ạt mà bán nhỏ giọt để nghe ngóng giá.
Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho biết, dù giá hạt tiêu đang ở mức cao nhưng trong đợt khảo sát tại 3 tỉnh Tây Nguyên vào tháng 7 thì thực tế nông dân không còn mặn mà với cây hồ tiêu. Nguyên nhân do giá sầu riêng và cà phê đang ở mức rất cao và cho lợi ích kinh tế lớn. Vì thế, diện tích trồng mới cây hồ tiêu không nhiều, chủ yếu trồng xen vào vườn cà phê với tỷ lệ 6 cà phê và 2 hồ tiêu.
Giá tăng nhưng người trồng lại không được hưởng lợi nhiều
Sản lượng thu hoạch hạt tiêu năm nay của nước ta ước đạt khoảng 170.000 tấn, cộng với tồn kho từ niên vụ trước chuyển sang thì tổng sản lượng còn lại trong năm nay chỉ từ 40.000 - 45.000 tấn. Trong khi vụ thu hoạch tiếp theo phải đợi đến tháng 3/2025.
VPSA dự báo, giá hồ tiêu sẽ có những đợt biến động bất thường như đầu tháng 6. Đặc biệt, ngày 11/6 giá biến động rất mạnh, buổi sáng giá tăng 20.000 đồng/kg đến buổi chiều lại giảm mạnh.
Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) dự báo sản lượng tiêu trong nước vụ tới có thể tương đương hoặc tăng nhẹ. Lượng hàng tồn trong dân không còn nhiều, tình trạng sâu bệnh hại vẫn còn nhưng không đáng kể.
Trong khi đó, sản lượng hồ tiêu toàn cầu năm 2024 dự kiến đạt 465.000 tấn, còn nhu cầu tiêu thụ dự kiến đạt 529.000 tấn.
Dựa trên các số liệu và dự đoán, có thể thấy dù giá hồ tiêu hiện tại không ổn định, nhưng triển vọng dài hạn vẫn tương đối khả quan. Với sự giảm sút trong sản lượng và nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng, có cơ sở để tin rằng giá hồ tiêu sẽ còn tiếp tục có những biến động tích cực trong tương lai.
Quyết định của nhiều nông dân tiếp tục trữ hàng và chờ giá tăng trở lại có thể là một chiến lược hợp lý. Tuy vậy, họ cũng cần theo dõi sát sao các yếu tố ảnh hưởng đến giá cả trên thị trường thế giới để đưa ra những quyết định kịp thời và đúng đắn.
Theo nhận định của chuyên gia, giá hồ tiêu sẽ còn tăng, mặc dù trong ngắn hạn có thể sẽ có những đợt điều chỉnh giảm, nhưng sẽ không quá sâu và thị trường đã hình thành mặt bằng giá mới.
Dù vậy, theo nhiều nông dân ở các vùng trồng tiêu, mặc dù giá tăng nhưng người trồng được hưởng lợi không nhiều, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên năng suất tiêu giảm mạnh trong những năm gần đây, trung bình từ 20 - 30%.
Sản lượng giảm, tồn kho thấp, tâm lý giữ hàng tăng cao khiến ngay lúc giá đang tăng cao như hiện nay nhưng nông dân vẫn chọn cách bán ra "nhỏ giọt" để thăm dò thị trường.
Theo đánh giá của một số chuyên gia ngành hàng và đại diện các doanh nghiệp xuất khẩu, dù giá tiêu đang ở vùng giá cao nhất nhiều năm trở lại đây nhưng giao dịch thực tế khá ảm đạm.
Ông Lê Việt Anh - Tổng Thư ký của VPSA cho hay, hồ tiêu ngày càng bị cạnh tranh bởi cây sầu riêng và cà phê. Mặc dù diện tích trồng mới có nhưng không nhiều, chủ yếu trồng xen hồ tiêu với cà phê với tỷ lệ 6-2.
Theo bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPSA, nguồn cung thiếu hụt do sản lượng thu hoạch giảm ở Việt Nam và Brazil là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc giá tiêu tăng. Với giá cả hiện tại, sinh kế người nông dân được đảm bảo nhưng ngược lại các DN xuất khẩu như đang “ngồi trên lửa”. Tại nước ta có khoảng 30 DN xuất khẩu mặt hàng hồ tiêu. Dù ngành hàng có nhiều điểm sáng tích cực, nhưng giá cả có thể sáng tăng- chiều giảm mạnh, biến động bất thường ngay trong ngày.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ NN&PTNT cho biết, thời điểm này, Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong việc định hướng ngành hàng, đặc biệt là vấn đề điều hành, cân đối quy mô sản xuất và thương mại.
Việt Nam đang chiếm lĩnh thị trường hồ tiêu và gia vị thế giới. Để định hướng được ngành hàng này, Bộ NN&PTNT đang cùng với Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam xây dựng đa dạng quy chuẩn và thực hiện chứng nhận cho sản phẩm liên quan đến hồ tiêu. Qua đó, giúp ngành hàng này tiếp tục phát triển ổn định.