Giá trị Cách mạng tháng Mười Nga qua tâm hồn thi sĩ Việt

Kỷ niệm 105 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917 – 7/11/2022)

BHG - Hơn một thế kỷ trước, trong lúc cách mạng nước ta đang rơi vào bế tắc như “không có đường ra” thì “Kìa mặt trời Nga bừng chói ở phương Đông” (Chế Lan Viên) - Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra và giành thắng lợi, dưới sự lãnh đạo thiên tài của lãnh tụ Lê-nin và Đảng Bôn-sê-vích, không chỉ làm rung chuyển cả thế giới đương đại mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến thế và đà “cất cánh” của cách mạng Việt Nam. Cảm nhận về sự kiện lớn lao có một không hai này, nhà thơ Tố Hữu đã bật lên những câu tuyệt thi: “Cách mạng Tháng Mười/ Đảng Cộng sản Liên Xô từ đó/ Với Lê-nin, làm lại loài người/ Với Lê-nin, làm thế kỷ hai mươi/ Trong đêm tối, mở chân trời hừng hực”.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Mang theo “trái tim cháy đỏ” cùng đôi “bàn tay trắng” suốt hành trình dứt ruột tạm xa đất nước, Nguyễn Ái Quốc đã bôn ba khắp bốn bể, năm châu “tìm đường đi cho dân tộc theo đi”. Bằng cách riêng của mình, khác hẳn nhiều bậc tiền bối từng thất bại, cảm quan chính trị của Nguyễn Ái Quốc ngày một “chín” theo hướng tiếp cận, rồi gửi trọn niềm tin nơi Cách mạng Tháng Mười Nga và Chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Bước ngoặt về chất mang tính lý luận của cách mạng Việt Nam cứ thế đến như một lẽ tất nhiên thần kỳ khi Người đọc và nghiên cứu Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa, đúng thời khắc thiêng liêng “Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lê-nin” (Chế Lan Viên). Những câu chữ đong đầy tư tưởng tiến bộ về quyền bình đẳng giữa các dân tộc và giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa kết tinh trong Luận cương khiến “Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc:“Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi”(Chế Lan Viên). Quê nghèo xứ Nghệ của đất nước đã sinh ra Người và chính Người lại bắt đầu hồi sinh đất nước!

Từ ánh sáng mẫu mực của “mặt trời Nga”, bằng trải nghiệm thực tiễn phong phú cũng như đào sâu tổng kết lý luận, Nguyễn Ái Quốc đi đến khẳng định quan trọng: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc, tự do, bình đẳng thật”(1). Đau đáu khát vọng vận dụng sáng tạo bài học quý báu Cách mạng Tháng Mười Nga mang lại vào thực tiễn nước nhà, với Nguyễn Ái Quốc giờ đây “đường đến với Lê-nin là đường về Tổ quốc”, là thành quả ngọt ngào sau bao năm viễn dương đầy hy sinh, gian khổ, để được “hôn lên hòn đất” cha ông nơi biên ải mà rưng rưng “Lắng nghe trong màu hồng, hình đất nước phôi thai (Chế Lan Viên). Nhưng chông gai phía trước còn đó, thấm nhuần quan điểm cách mạng không ngừng và phát triển Học thuyết Mác – Lê-nin lên tầm cao mới, thông qua quyết tâm sắt đá biến “hình đất nước” còn “phôi thai” thành “nước Việt nhân dân trong mát suối” hiện hữu trên dải đất hình chữ S thân yêu, nên “Lê-nin mất rồi! Nhưng Bác chẳng dừng chân” (Chế Lan Viên).

Thế là từ đây, Luận cương của Lê-nin tiếp tục được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng linh hoạt vào thực tiễn hình thái kinh tế - xã hội nước nhà thuộc địa nửa phong kiến lúc đó, làm nên Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, đưa dân tộc và con người Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, trong phơi phới “Sao vàng bay theo liềm búa công nông” (Chế Lan Viên). Khẳng định giá trị Cách mạng Tháng Mười Nga đối với Cách mạng Tháng Tám, nhà thơ Tố Hữu đã nói thay cả dân tộc bằng lối so sánh thật bất ngờ, hồn nhiên mà sâu sắc, gần gũi mà nâng tầm, tràn đầy lòng biết ơn và kính trọng: “Ơi người anh dũng cảm/ Lũy thép sáng ngời ngời/ Đây Việt Nam Tháng Tám/ Em Liên Xô Tháng Mười!”. Với nhà thơ Nguyễn Đình Thi, đó là chân lý không cần tô vẽ: “Từ ánh sáng Tháng Mười soi rọi – Tổ quốc ta đã có bây giờ…”.

Đúng vậy, tuy cách nhau 28 năm và xa nhau ngàn trùng, nhưng trong tâm khảm mỗi con Lạc – cháu Hồng, hai cuộc cách mạng ấy như hai mốc son chói lọi, luôn sừng sững tự hào! Đó là Cách mạng Tháng Mười Nga chưa từng có trong lịch sử loài người, xóa bỏ chế độ người bóc lột người, lập nên nhà nước công - nông đầu tiên trên thế giới, cổ vũ toàn nhân loại bị áp bức đứng lên đấu tranh giành tự do, bác ái: “Từ khi anh đứng dậy/ Trái đất bắt đầu cười/ Và loài người từ đấy/ Ca bài ca Tháng Mười” (Tố Hữu). Đó là Cách mạng Tháng Tám phát động toàn dân đứng dậy tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền thành công, lập nên nhà nước công - nông đầu tiên ở Đông – Nam Á, để hồn thiêng nước nước Việt mới kiêu hãnh tung bay theo lá cờ đỏ sao vàng, khiến “Chúng ta đã say ngọn Quốc kỳ độc lập tự do như say men rượu” (Xuân Diệu).

Gắn chặt máu thịt và là linh hồn của hai cuộc cách mạng vĩ đại ấy là hai lãnh tụ kiệt xuất Lê-nin – Hồ Chí Minh cùng hai Đảng Bôn-sê-vích và Đảng Cộng sản Việt Nam chân chính. Nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa ngay từ tuổi thiếu nhi đã viết bài thơ “Ông Lê Nin ở nước Nga” thật ngây thơ trong sáng mà lan tỏa mãnh liệt niềm kính yêu vô bờ: “Ông Lê Nin ở nước Nga/ Mà em lại thấy như là Việt Nam/ Cũng vầng trán rộng thênh thang/ Y như trán Bác mênh mang đất trời/ Cũng đôi mắt đẹp sáng ngời/ Y như mắt Bác đang cười với em”.

Cách mạng Tháng Mười Nga và Cách mạng Tháng Tám không chỉ “đổi đời” mỗi dân tộc, mà còn đóng góp vô giá vào kho tàng lý luận cũng như thực tiễn cách mạng thế giới và khu vực. Đồng thời là mạch nguồn cảm hứng không bao giờ cạn, làm nên những áng thi ca bất tử!

ĐỖ MINH TUẤN

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.2, tr. 296, 292, 304.

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202211/ky-niem-105-nam-cach-mang-thang-muoi-nga-7111917-7112022-gia-tri-cach-mang-thang-muoi-nga-qua-tam-hon-thi-si-viet-af84ae3/