Giá trị của những dòng sông

Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có hàng chục dòng sông lớn, nhỏ như: sông Đồng Nai, La Ngà, Thị Vải, Đồng Tranh, Buông, Thao, Ray… chảy qua các huyện, thành phố trong tỉnh rồi hợp vào hệ thống sông Đồng Nai. Mỗi dòng sông ở Đồng Nai đều mang những giá trị lớn về văn hóa, lịch sử, kinh tế, môi trường.

Sông Đồng Nai đoạn qua H.Vĩnh Cửu có tiềm năng lớn về kinh tế

Sông Đồng Nai đoạn qua H.Vĩnh Cửu có tiềm năng lớn về kinh tế

Các con sông ở Đồng Nai phân bố không đều, tập trung ở phía Bắc và dọc theo sông Đồng Nai về hướng Tây Nam. Tổng lượng nước của các dòng sông trong tỉnh khoảng 24 tỷ m3/năm, trong đó mùa mưa chiếm 80%, mùa khô chiếm 20%.

Lưu giữ dấu ấn văn hóa, lịch sử

Những dòng sông này đều gắn liền với rất nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử trải qua hàng trăm năm. Từ xa xưa, người dân tại Đồng Nai cũng như những địa phương khác thường chọn sinh sống gần hai bên bờ sông để thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, lưu thông bằng đường thủy. Do đó, dọc theo các dòng sông hình thành rất nhiều nền văn hóa gắn với các dân tộc như: S’tiêng, Mạ, Hoa ở xã Tà Lài (H.Tân Phú), xã Thanh Sơn (H.Định Quán) và xã Phú Lý, Mã Đà (H.Vĩnh Cửu)…

Lưu vực sông Đồng Nai là hệ thống sông lớn đứng thứ 3 của Việt Nam chỉ sau lưu vực sông Cửu Long và lưu vực sông Hồng - Thái Bình. Lưu vực hệ thống sông Đồng Nai bao gồm 9 tỉnh, thành.

Các di tích lịch sử nằm gần các dòng sông là ngục Tà Lài ở xã Tà Lài, nơi thực dân Pháp giam giữ các bậc tiền bối cách mạng Tô Ký, Trần Văn Giàu, Dương Quang Đông...; Khu di tích Chiến khu Đ ở Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (H.Vĩnh Cửu). Những di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia là đình Tân Lân thờ Trần Thượng Xuyên ở P.Hòa Bình, chùa Ông (ngôi chùa hơn 300 năm), đình Bình Kính thờ Nguyễn Hữu Cảnh ở P.Hiệp Hòa, đình Mỹ Khánh thờ Nguyễn Tri Phương thuộc P.Bửu Hòa (TP.Biên Hòa)…

Dọc sông Đồng Nai còn rất nhiều di tích cổ khác là miếu Bà Cô ở xã Thiện Tân (H.Vĩnh Cửu); chùa Bửu Phong, chùa Long Ẩn, miếu Thiên Hậu, chùa Sắc Tứ Hộ Quốc Quan (TP.Biên Hòa). Làng cổ Bến Gỗ; cù lao Phố nay là P.Hiệp Hòa từng là thương cảng sầm uất vào thế kỷ XVII-XVIII và đây cũng là nơi có quần thể di tích dày đặc với gần 20 ngôi đình, miếu, chùa.

ThS Nguyễn Trần Kiệt, Phó giám đốc Bảo tàng Đồng Nai cho biết: “Các dòng sông thường gắn với những giá trị về văn hóa, lịch sử. Hiện Bảo tàng Đồng Nai đang lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị được trục vớt từ sông Đồng Nai như là gốm, thuyền, tượng thần… Trong đó, có những hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia”.

Bên các dòng sông Đồng Nai, La Ngà, Đồng Tranh, Thị Vải… là nơi chứng kiến nhiều cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ giành độc lập.

Mang những giá trị lớn về kinh tế

Các con sông của Đồng Nai là nơi có nguồn nước mặt dồi dào cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thủy điện, vận tải đường thủy và đem đến nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh học. Hai bên bờ sông là những khu làng mạc phát triển trù phú, với thổ nhưỡng và nguồn nước ngọt từ các sông đã tạo ra những vườn cây trái nổi tiếng chỉ Đồng Nai mới có được như: dâu, mận An Phước ở xã An Phước (H.Long Thành); bưởi Tân Triều, trái ngâu (H.Vĩnh Cửu); quýt đường ở H.Định Quán và H.Tân Phú…

Sông Đồng Tranh (H.Nhơn Trạch)

Sông Đồng Tranh (H.Nhơn Trạch)

Hiện nay, sông Đồng Nai đang cung cấp nước sinh hoạt cho hàng triệu người dân trong và ngoài tỉnh. Trên hệ thống sông Đồng Nai có nhiều thủy điện cung cấp cho lưới điện quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.

Hệ thống sông Đồng Nai gồm dòng chính Đồng Nai và 4 phụ lưu lớn là sông La Ngà, sông Bé, sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ. Tổng lượng dòng chảy trung bình năm của lưu vực sông Đồng Nai khoảng 37 tỷ m3 nước.

Ông Võ Tấn Nhẫn, Giám đốc Công ty Thủy điện Trị An cho hay: “Sông Đồng Nai rất quan trọng trong phát triển thủy điện. Hiện trên hệ thống sông Đồng Nai có gần 10 thủy điện lớn và nhiều thủy điện nhỏ, đóng góp lượng lớn điện cho quốc gia, đảm bảo cho phát triển kinh tế - xã hội. Riêng Nhà máy Thủy điện Trị An mỗi năm sản xuất hơn 1,4 tỷ kWh”.

Với nguồn nước ngọt dồi dào, các sông cung cấp lượng lớn nước cho sản xuất công nghiệp ở hàng chục khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Về tương lai tầm quan trọng của các sông ngày càng lớn hơn đối với Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam bộ. Bởi tới đây, Đồng Nai sẽ mở mới và mở rộng gần 10 khu công nghiệp, thêm Cảng hàng không quốc tế Long Thành đưa vào khai thác vào năm 2025 và gần 300 khu dân cư, khu đô thị đang được triển khai. Theo đó lượng nước cần cho sinh hoạt, sản xuất công nghiệp sẽ tăng cao và các dòng sông là nguồn cung cấp nước chính cho sản xuất và sinh hoạt.

Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Nguyễn Phước Huy cho biết: “Một số sông, hồ như: sông Đồng Nai, các tiểu lưu vực của sông Bé, sông La Ngà, sông Thị Vải và hồ Trị An có vai trò đặc biệt quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng Đông Nam bộ. Đây là điều kiện thuận lợi trong phát triển cảng, giao thông vận tải thủy, nuôi trồng thủy sản, du lịch...”.

Dọc theo sông Đồng Nai và các sông, suối khác trên địa bàn tỉnh có rất nhiều tiềm năng để phát triển thành những điểm du lịch nổi tiếng như: thác Trời, thác Ba Giọt, thác Thượng, thác Reo, thác Mai...

Đồng Nai cũng quy hoạch nhiều khu vực ven sông để phát triển hệ thống cảng, bến thủy nội địa, bến khách, bến du lịch khai thác vận tải đường thủy trong vận chuyển hàng hóa, hành khách để phát triển du lịch và giảm bớt các chi phí về logistics, giảm kẹt xe cho đường bộ.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, tỉnh đã có quy hoạch để phát triển mới, mở rộng một số cảng, bến thủy nội địa, bến du lịch để phát triển vận tải đường thủy và du lịch. Trong những năm tới, Đồng Nai sẽ mở rộng, mở mới nhiều khu công nghiệp nên rất cần phát triển đường thủy để vận chuyển hàng hóa lưu thông trong nước và xuất khẩu.

Hệ thống sông Đồng Nai có khá nhiều phụ lưu. Số phụ lưu có chiều dài dòng sông trên 10km tới hơn 200 con sông.

Uyển Nhi

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202307/gia-tri-cua-nhung-dong-song-3172394/