Giá trị nhân văn trong thơ ca người Tày

Người Tày có nền văn hóa, văn nghệ cổ truyền phong phú, thể hiện chủ yếu qua thơ ca, truyện cổ... mang nét độc đáo riêng về văn hóa tín ngưỡng. Những vần thơ, câu hát của người Tày góp phần làm giàu đẹp thêm kho tàng văn hóa, văn học, ngôn ngữ của dân tộc, để lại cho các thế hệ người Việt nhiều bài học về giá trị nhân văn tốt đẹp trong cuộc sống.

Hiện nay, hát Then tiếp tục được duy trì và phát triển. Việc thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) ghi nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào tháng 12/2019. Đây là minh chứng cho thấy những giá trị to lớn của di sản này đối với đời sống tinh thần người Việt, đồng thời khẳng định bản sắc văn hóa Việt Nam, góp phần làm giàu thêm kho tàng văn hóa chung của nhân loại.

Cũng như nhiều dân tộc anh em khác, dân tộc Tày có đời sống văn hóa phong phú với những câu tục ngữ, thành ngữ phản ánh nhận thức và quan niệm của nhân dân về lao động, về các hiện tượng thiên nhiên, về ứng xử, đạo đức mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc như: quằng lếch le noòng, quằng thoòng le lẹng (vòng vầng trăng màu xám sắt là mưa, vòng vầng trăng màu sáng đồng là nắng); nà bười đuổi chả/lục mả đuổi nồm (lúa tốt vì mạ/con lớn vì sữa mẹ); hết ngày kin bấu lẹo, khột khẻo kin bấu đo (thật thà ăn không hết, gian giảo ăn đâu no)… Đặc biệt, có những câu mang nội dung khẳng định tư tưởng tốt đẹp, thể hiện sự kính trọng, lòng biết ơn của nhân dân đối với lãnh tụ: “Kin mác nhằng chứ cốc, chứ co/Nhân dân chứ Bảc Hồ mại mại” (ăn quả còn nhớ gốc, nhớ cây, nhân dân nhớ Bác Hồ mãi mãi).

Vốn dân ca, dân vũ của người Tày rất đa dạng, mang đậm dấu ấn, bản sắc văn hóa của dân tộc. Dân ca của người Tày gồm nhiều thể loại, trong đó nổi bật là hát giao duyên. Hát giao duyên của thanh niên nam nữ Tày có lượn và cọi, các điệu lượn thường thấy là lượn mời trầu, mời nước, mừng nhà mới, mừng hoa, mừng bản… Cọi có cọi cây đa, cọi đối đáp, cọi ví…; trong đám cưới có hát quan làng (còn gọi là lượn đám cưới).

Những câu hát lượn thường được người Tày cất lên vào những dịp quan trọng, mang ý nghĩa thiêng liêng nhất đối với đời sống lao động sản xuất và văn hóa, tinh thần của cả cộng đồng xóm, bản. Nam, nữ thanh niên mượn lời lượn với những câu hát đối ý nhị, đậm chất trữ tình để vui chơi, giải trí, tả cảnh, thăm hỏi, làm quen và tỏ tình với nhau. “Cần tâừ phjải quá lỏ này sli/Đát khảu tằng slim ky cáy tắc” (Ai kia qua đường hát tiếng sli/Xao xuyến cả tâm hồn gà nhép) hay “Slương căn pẳn khẩu coóc nhằng thư/Bấu slương căn pẳn khẩu nua nhằng slán” (Thương nhau vắt thóc trở thành viên/Chẳng thương vắt xôi mền vữa nát).

Tùy vào đặc điểm của từng địa phương mà mỗi loại lượn lại có những nét đặc sắc riêng. Lượn cọi có sự phong phú các thể loại hát giao duyên; lượn nàng ới thể hiện nghệ thuật sử dụng ngôn từ giàu chất thơ, giàu hình ảnh so sánh ví von ẩn dụ để thể hiện tình cảm con người; lượn Hà Lều được thể hiện song ca, tạo hai bè cao thấp… Ở Cao Bằng, lượn cọi thường phổ biến ở huyện Hà Quảng, Bảo Lạc; Thạch An, Quảng Hòa có lượn slương, lượn nàng Hai; vùng Quảng Hòa, Trùng Khánh, Hạ Lang có lượn slương. Những câu hát lượn tha thiết, ngọt ngào với nét đẹp ứng xử trong quan hệ gia đình, xã hội, mong ước về cuộc sống bình yên, hạnh phúc... góp phần tạo nên nét đặc sắc, phong phú trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Tày.

Nghệ thuật hát Then tính của người Tày được bảo tồn và phát huy.

Nghệ thuật hát Then tính của người Tày được bảo tồn và phát huy.

Nhắc đến thơ ca người Tày không thể không nói đến hát Then (thơ ca nghi lễ). Nghi lễ hát Then không chỉ thể hiện đời sống tâm linh, mang đậm màu sắc tín ngưỡng mà còn là sinh hoạt văn hóa, văn nghệ độc đáo của người Tày, Nùng phía Bắc Việt Nam nói chung và tỉnh Cao Bằng nói riêng. Hát Then thường xuất hiện trong các dịp lễ lớn như cầu mùa, cầu yên, cấp sắc… Khi tiến hành nghi lễ, người hát Then sử dụng các nhạc cụ đàn tính, chùm xóc nhạc, quạt, thẻ âm dương, kiếm…

Trong lễ cấp sắc của người Tày, lễ cầu an đầu năm mới, lễ chúc thọ cha mẹ…, Then được sử dụng để thể hiện khát vọng của người dân miền núi với đất trời, thiên nhiên, vạn vật như mùa màng bội thu, cha mẹ già trường thọ, gia đình hòa thuận, con cái hiếu thảo,… Bên cạnh đó, Then có nhiều nội dung phê phán thói hư, tật xấu trong xã hội, đề cao phẩm chất tốt đẹp của con người, ca ngợi tình nghĩa vợ chồng thủy chung, thể hiện lòng cảm thông sâu sắc với những số phận kém may mắn trong xã hội… Ngoài ra, có một số làn điệu cổ như Then cấp sắc công nhận một người đủ điều kiện làm thầy cúng, lo việc tâm linh của bản làng. Lời hát Then chứa đựng những kinh nghiệm, lời khuyên răn về đối nhân xử thế, những bài học quý về cuộc sống, về cách ứng xử với thiên nhiên và mọi người xung quanh.

Bên cạnh thơ ca nghi lễ thì thơ ca dân gian, truyện thơ Nôm Tày cũng mang giá trị, nhiều tầng ý nghĩa nhất định, thể hiện nét đẹp của văn hóa ứng xử, mang ý nghĩa giáo dục, nhân văn sâu sắc.

Trong truyện thơ Khảm hải (Vượt biển), hình ảnh những con người nghèo khổ, đói rách thảm thương, bị hắt hủi, không nơi nương tựa khi còn sống trên trần gian, khi chết cũng chưa hết khổ, ở cõi âm lại bị quan bắt về làm “sa dạ, sa đồng” (nô lệ chèo thuyền) cùng đoàn người vượt biển cõi âm, mang lễ vật đi cống nạp hiện lên một cách chân thực. Các tác giả dân gian đã xây dựng những nhân vật sa dạ, sa đồng là những con người nghèo khổ nhất, có thể nói là thuộc lớp người dưới đáy của xã hội: “Mỉnh ngò khỏ pền thai/Tâử lảng bấu mặt nhù/Pác tu bấu mặt kép”, dịch nghĩa: “Thân tôi khổ đến chết/Dưới sàn chẳng sợi rơm/Cửa nhà chẳng vỏ trấu”.

Trong thực tế, dưới thời phong kiến, đồng bào các dân tộc Việt Nam nói chung và đồng bào Tày, Nùng nói riêng phải thường xuyên chịu gánh nặng của nạn phu phen, tạp dịch của bộ máy phong kiến và thống trị thực dân. Trong Khảm hải, hình ảnh rùng rợn của tai họa đó hiện lên ngay từ khi người sa dạ, sa đồng nhận lệnh báo đi phu của quan trên: “Khôm lai lố khôm lai/Vằn thai ngợ cạ soác mỉnh thân/Tẻo tâừ quan pắt mà hắt tở/Vằn vằn pây khảm hải hâử quan”, dịch nghĩa: “Cay đắng lắm, cực nhục thay/Ngỡ chết đi là đời được yên/Lại bị quan bắt về làm tớ/Ngày ngày đi chèo thuyền qua biển cho quan”. Người sa dạ, sa đồng còn cố tìm cách từ chối khéo, nấn ná để mong được hoãn nhưng sống trong vòng kìm kẹp của bọn thống trị, họ không có con đường thoát, cho nên buộc lòng họ phải từ biệt vợ con lên đường: “Vằn pây chắc đảy tẻo rụ đai”, dịch nghĩa: “Hôm nay đi có còn trở lại hay không?”. Người ra đi quằn quại trong nỗi lo âu, đau khổ bao nhiêu thì những người ở lại - vợ con yếu ớt cũng chịu nỗi đau khổ, lo âu bấy nhiêu: “Mừ rại ủm lục ỷ thả rà/Mừ sla ủm lục va thả ngò”, dịch nghĩa: “Tay trái bế con nhỏ đợi chồng/Tay phải ôm con thơ còn dại”...

Khảm hải đã vẽ lên thân phận bị đày ải cùng cực và bị rẻ rúng như bèo bọt của người phu thuyền, tượng trưng cho lớp người nghèo khổ nhất trong xã hội cũ. Những nhân vật sa dạ, sa đồng về cơ bản được xây dựng với nhiều chi tiết chân thực, rút ra từ cuộc sống thực. Nhưng vượt qua màn sương của hương khói, vượt ra ngoài khuôn khổ của lễ tiết cúng bái, hình tượng đó càng có tính chân thực sống động, do đó câu chuyện càng có giá trị nhân văn sâu xa.

Trải qua biết bao thế hệ, người Tày đã đúc kết và xây dựng cho mình một kho tàng văn học, nghệ thuật dân gian phong phú, đa dạng. Những tác phẩm, hình thức nghệ thuật của người Tày mang nội dung, giá trị tinh thần sâu sắc, hướng con người đến lẽ phải, lối sống đẹp, tích cực, nhân văn.

Thùy Linh

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/gia-tri-nhan-van-trong-tho-ca-nguoi-tay-3169571.html