Giá trị to lớn của Luận cương chính trị đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam

Luận cương chính trị do đồng chí Trần Phú - người con ưu tú của quê hương Hà Tĩnh khởi thảo đã để lại những giá trị to lớn cả về lý luận và thực tiễn đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam từ những năm ba mươi xuyên suốt đến hôm nay.

Về giá trị lý luận: Cùng với Cương lĩnh do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng, Luận cương Chính trị (Luận cương) là cương lĩnh có ý nghĩa lớn, định hướng lâu dài cho cách mạng Việt Nam. Nội dung Luận cương cơ bản thống nhất và khẳng định lại nhiều vấn đề cốt yếu thuộc về chiến lược cách mạng nước ta mà Chánh cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt đã nêu lên, như: tính chất của cách mạng Đông Dương là cách mạng tư sản dân quyền có 2 nhiệm vụ: chống đế quốc giành độc lập dân tộc và đánh đổ phong kiến đem lại ruộng đất cho nông dân.

 Chân dung cố Tổng Bí thư Trần Phú. Ảnh tư liệu.

Chân dung cố Tổng Bí thư Trần Phú. Ảnh tư liệu.

Luận cương khẳng định 2 động lực chính của cách mạng là giai cấp vô sản và giai cấp nông dân, nhưng giai cấp vô sản là động lực rất mạnh, là giai cấp lãnh đạo cách mạng. Điều kiện cốt yếu cho thắng lợi của cách mạng ở Đông Dương là phải có một Đảng Cộng sản lãnh đạo với một đường lối chính trị đúng đắn, có kỷ luật tập trung, mật thiết liên lạc với quần chúng. Đảng là đội tiền phong của vô sản giai cấp, lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin làm nền tảng. Cách mạng Đông Dương là một bộ phận khăng khít của cách mạng thế giới

Đáng chú ý là trong Luận cương có một số điểm được cụ thể hóa hơn, xác định thêm một cách đúng đắn như phương pháp cách mạng, thời cơ khởi nghĩa, cách mạng tư sản dân quyền là thời kỳ dự bị tiến lên làm cách mạng XHCN, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Luận cương bàn tới mối quan hệ khăng khít, mật thiết giữa mục đích trước mắt và mục đích lâu dài của cách mạng. Không chú ý mục đích hằng ngày là rất sai lầm, nhưng nếu chỉ chú ý mục đích hằng ngày mà không chú ý mục đích lớn, cuối cùng cũng là rất sai lầm. Luận cương nói tới khi có tình thế trực tiếp cách mạng thì Đảng phải lập tức lãnh đạo quần chúng để khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền về tay công nông.

 Những đường lối cơ bản của Luận cương chính trị cho đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.

Những đường lối cơ bản của Luận cương chính trị cho đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.

Luận cương cho thấy, đồng chí Trần Phú là một chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi đầy nhiệt huyết, thể hiện sự nỗ lực cao độ của một trí tuệ lớn, bản lĩnh, năng động, kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tiếp thu, vận dụng đường lối cách mạng thuộc địa và nửa thuộc địa của Quốc tế Cộng sản vào hoàn cảnh Việt Nam, luôn luôn suy nghĩ đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc và cách mạng lên trên hết.

Đánh giá thành công của Đảng thời kỳ 1930-1931, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Đảng đã đề ra đường lối cách mạng đúng đắn. Trong bản Cương lĩnh cách mạng tư sản dân quyền năm 1930, Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, thực hiện dân tộc độc lập, người cày có ruộng. Cương lĩnh ấy rất phù hợp với nguyện vọng thiết tha của đại đa số Nhân dân ta là nông dân. Vì vậy, Đảng đã đoàn kết được những lực lượng cách mạng to lớn chung quanh giai cấp mình”.

Cũng như nhiều tác phẩm lý luận hay Cương lĩnh khác, Luận cương ra đời trong một hoàn cảnh nhất định và là sản phẩm nhận thức của một thời kỳ lịch sử cụ thể, chủ yếu để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng của những năm ba mươi của thế kỷ XX. Đối chiếu với các văn kiện được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng, đặc biệt so với ngày nay, Luận cương có những điểm đã bị thực tiễn vượt qua. Đó là điều dễ hiểu, là biện chứng của sự phát triển.

Điều cần nhấn mạnh là Luận cương đã thể hiện rõ ràng, nhất quán những quan điểm cơ bản, tư tưởng xuyên suốt, nội dung cốt lõi trong các cương lĩnh chính trị tiếp theo của Đảng như: Chính cương Đảng Lao động Việt Nam được thông qua tại Đại hội II (tháng 2/1951), Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH được Đại hội VII (tháng 6/1991) thông qua…, trở thành ngọn cờ tư tưởng chỉ đạo sự nghiệp cách mạng của chúng ta đến ngày nay. Đó là cách mạng phải có Đảng trong sạch, vững mạnh lãnh đạo, dựa trên nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác -Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

 Di tích cách mạng số 90, phố Hàng Bông, Thợ Nhuộm (Hà Nội), nơi đồng chí Trần Phú viết dự thảo Luận cương chính trị. Ảnh tư liệu, chụp năm 1960.

Di tích cách mạng số 90, phố Hàng Bông, Thợ Nhuộm (Hà Nội), nơi đồng chí Trần Phú viết dự thảo Luận cương chính trị. Ảnh tư liệu, chụp năm 1960.

Cùng với việc chăm lo đời sống hằng ngày của Nhân dân, Đảng phải nắm vững và kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình cách mạng nước ta. Phải luôn xác định cách mạng Việt Nam là một bộ phận khăng khít của cách mạng thế giới, đoàn kết dân tộc gắn với đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Phải “Bônsêvích hóa” Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên tuyệt đối trung thành với Đảng, luôn đặt lợi ích của cách mạng, của Nhân dân và Tổ quốc lên trên hết.

Về giá trị thực tiễn: Sau khi Luận cương được Hội nghị Trung ương lần thứ nhất thông qua, Tổng Bí thư Trần Phú và BTV Trung ương đã kịp thời lãnh đạo cách mạng theo tinh thần của Luận cương, tập trung vào 2 nhiệm vụ cần kíp phải giải quyết, đó là củng cố tổ chức đảng và duy trì phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng chống khủng bố trắng của kẻ thù.

 Nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904 - 1/5/2024), chiều 16/4, tại Hà Tĩnh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Hà Tĩnh phối hợp tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: “Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sỹ cộng sản kiên trung, bất khuất, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam”.

Nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904 - 1/5/2024), chiều 16/4, tại Hà Tĩnh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Hà Tĩnh phối hợp tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: “Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sỹ cộng sản kiên trung, bất khuất, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam”.

Trong những tháng cuối năm 1930, hệ thống tổ chức đảng từ Trung ương đến địa phương cơ bản được xây dựng xong. Các kỳ ủy lâm thời ở 3 kỳ tổ chức hội nghị để bầu xứ ủy, thiết lập các ban chuyên môn. Trong khoảng từ tháng 12/1930 - 1/1931, các Xứ ủy Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ đã chính thức được thành lập và từng bước được củng cố. Phong trào đấu tranh chống các chiến dịch tàn sát, cưỡng bức của thực dân Pháp bắt Nhân dân ta nhận thẻ “quy thuận”, “rước cờ vàng” diễn ra khắp nơi. Gắn với các cuộc tranh đấu trực diện để chặn tay tàn ác của đế quốc, cuộc đấu tranh tư tưởng, công tác tuyên truyền cũng sôi nổi. BTV Trung ương xuất bản báo Cờ vô sản và báo Cộng sản. Đây là những vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh chống lại sự khủng bố của kẻ thù.

Ngày 18/11/1930, BTV Trung ương ra Chỉ thị về vấn đề thành lập “Hội phản đế đồng minh”, nhấn mạnh tầm quan trọng của “liên minh công nông là 2 động lực chính cùng với lực lượng toàn dân tổ chức thành một “bức thành dân tộc phản đế bao la” dưới sự lãnh đạo của giai cấp vô sản”. Từ đó, các tổ chức của hội như: Cộng sản Thanh niên đoàn, Ban Công vận Trung ương được thành lập; tổ chức Công hội, Nông hội Đỏ được chỉnh đốn lại.

Chỉ trong 6 tháng từ Hội nghị Trung ương lần thứ nhất (tháng 10/1930) đến trước Hội nghị Trung ương lần thứ hai (tháng 3/1931), trong hoàn cảnh muôn vàn khó khăn khi Đảng vừa ra đời, kẻ thù khủng bố trắng, cùng các thủ đoạn cưỡng bức, mua chuộc; tư tưởng “tả”, hữu khuynh, hoang mang, do dự trong một bộ phận cán bộ, đảng viên đã ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ đến phong trào cách mạng của quần chúng - nhưng nhờ kiên định vững vàng với tư tưởng soi đường của Luận cương, Tổng Bí thư Trần Phú và BTV Trung ương đã nhanh chóng xây dựng hệ thống lãnh đạo thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến cơ sở, đấu tranh chống khủng bố, bảo vệ lực lượng, duy trì phong trào cách mạng, xây dựng Đảng và các đoàn thể cách mạng… Điều đó tỏ rõ sức dự bị và năng lực lãnh đạo của Đảng trong tổ chức, tập hợp quần chúng đấu tranh chống khủng bố.

Tổng kết giai đoạn cách mạng những năm sau khi Đảng ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Từ ngày mới ra đời, Đảng ta liền giương cao ngọn cờ cách mạng, đoàn kết và lãnh đạo toàn dân ta tiến lên đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Màu cờ đỏ của Đảng chói lọi như mặt trời mới mọc, xé tan cái màn đen tối, soi đường dẫn lối cho Nhân dân vững bước tiến lên con đường thắng lợi trong cuộc cách mạng phản đế, phản phong”.

 Đại biểu tham quan gian trưng bày các tư liệu, tài liệu về Tổng Bí thư Trần Phú bên lề Hội thảo khoa học với chủ đề: “Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sỹ cộng sản kiên trung, bất khuất, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam” (diễn ra chiều 16/4/2024, tại Hà Tĩnh).

Đại biểu tham quan gian trưng bày các tư liệu, tài liệu về Tổng Bí thư Trần Phú bên lề Hội thảo khoa học với chủ đề: “Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sỹ cộng sản kiên trung, bất khuất, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam” (diễn ra chiều 16/4/2024, tại Hà Tĩnh).

Trong suốt hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân ta đấu tranh kiên cường giành được nhiều thắng lợi vĩ đại. Đó là thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do; thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược, giải phóng dân tộc, bảo vệ đất nước; thắng lợi của công cuộc đổi mới, đưa nước ta từng bước quá độ lên CNXH với cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế ngày càng cao. Điều đó chứng tỏ đường lối của Đảng qua các cương lĩnh chính trị - trong đó có Luận cương năm 1930 - là đúng đắn, sáng tạo, có giá trị to lớn, sức sống mãnh liệt, phù hợp với quy luật khách quan, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân.

PGS.TS. Bùi Đình Phong

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/gia-tri-to-lon-cua-luan-cuong-chinh-tri-doi-voi-su-nghiep-cach-mang-viet-nam-post264970.html