Giá vàng lên hoặc xuống khi nào?
Giá trị của vàng là giá trị nội tại và nó không chỉ là một hàm số đơn thuần của các giá trị tiền tệ toàn cầu. Chính những đồng tiền đó mới dễ biến động và thiếu giá trị nội tại.
Vấn đề về đơn vị tính toán này cũng có thể được minh họa bằng một ví dụ liên quan đến tiền tệ sau đây. Giả sử rằng trong một ngày giao dịch nhất định, giá vàng thay đổi từ 1.500 USD/ounce xuống còn 1.495 USD/ounce, giảm 0,3%.
Cùng ngày, tỷ giá hối đoái của đồng yên so với một USD thay đổi từ 100 yên lên 101 yên. Chuyển đổi từ USD sang yên, giá vàng đã tăng từ 150.000 yên (1.500 USD x 100) lên 150.995 yên (1.495 đô-la x 101), tăng0,6%. Trong cùng một ngày giao dịch, vàng đã giảm 0,3% tính theo USD nhưng tăng 0,6% tính theo yên. Vậy vàng lên hay xuống?
Nếu một người xem đồng USD là hình thức duy nhất của tiền trên thế giới thì vàng đã xuống, nhưng nếu một người xem vàng là đơn vị tính toán hay tiêu chuẩn tiền tệ, sẽ chính xác hơn khi nói rằng vàng không đổi, đồng USD tăng giá so với vàng và đồng yên giảm giá so với vàng.
Kết luận này giải quyết được mâu thuẫn của việc vàng lên hay xuống. Nó không tăng cũng không giảm. Thay vào đó, các loại tiền tệ biến động. Điều này cũng minh họa thực tế rằng giá trị của vàng là giá trị nội tại và nó không chỉ là một hàm số đơn thuần của các giá trị tiền tệ toàn cầu. Chính những đồng tiền đó mới dễ biến động và thiếu giá trị nội tại.

Vàng chỉ có giá khi quy ước bởi tiền tệ. Ảnh: KITCO.
Nếu vàng không phải một phái sinh, một hàng hóa hay một khoản đầu tư, vàng là gì? Chủ ngân hàng huyền thoại J. P. Morgan đã trả lời câu hỏi này xác đáng hơn cả: “Tiền là vàng và không gì khác.”
Mặc dù tiền là vàng đối với J. P. Morgan - và tất cả những người khác - trong 4.000 năm, nhưng tiền đột ngột không còn là vàng vào năm 1974, ít nhất là theo IMF. Tổng thống Richard Nixon đã chấm dứt khả năng chuyển đổi USD thành vàng của các ngân hàng trung ương nước ngoài vào năm 1971. Nhưng mãi tới năm 1974, một ủy ban cải cách đặc biệt của IMF, với sự đồng thuận của Mỹ, mới chính thức đề xuất xóa bỏ tư cách tiền tệ của vàng và nâng vị trí của SDR trong hoạt động của hệ thống tiền tệ quốc.
Từ năm 1975 đến năm 1980, Mỹ đã nỗ lực không mệt mỏi để hạn chế vai trò tiền tệ của vàng, thực hiện những cuộc bán đấu giá vàng khổng lồ từ các kho vàng chính thức của Mỹ. Cuối năm 1979, Mỹ đã bán phá giá 412 tấn vàng trên thị trường trong nỗ lực kìm hãm giá và làm lu mờ tầm quan trọng của vàng. Những nỗ lực này cuối cùng đã thất bại. Giá thị trường của vàng đã tăng vọt lên 800 USD/ounce trong tháng 1/980. Kể từ đó đến nay, Mỹ không thực hiện đợt bán vàng chính thức nào quan trọng nữa.
Việc Mỹ và IMF “giáng chức” vàng khỏi vị thế tài sản tiền tệ vào cuối những năm 1970 có nghĩa chương trình kinh tế của các trường đại học hàng đầu đã không nghiên cứu nghiêm túc về vàng trong gần hai thế hệ. Có thể người ta dạy về vàng trong các lớp lịch sử nhất định, và có nhiều chuyên gia về vàng tự học, nhưng bất kỳ nhà kinh tế học nào sinh từ năm 1952 cũng gần như chắc chắn không được đào tạo chính quy về công dụng tiền tệ của vàng. Kết quả là những truyền thuyết về vàng cứ nối tiếp nhau xuất hiện thay cho những công trình phân tích nghiêm túc.
Truyền thuyết đầu tiên là vàng không thể hình thành nền tảng của một hệ thống tiền tệ hiện đại vì không có đủ vàng để hỗ trợ các yêu cầu của ngành thương mại và tài chính thế giới. Truyền thuyết này rõ ràng là sai lầm, nhưng nó được viện dẫn quá thường xuyên đến mức sự sai lệch của nó xứng đáng bị bóc trần.
Tổng lượng cung vàng trên thế giới hiện nay, chưa kể trữ lượng trong lòng đất, xấp xỉ 163.000 tấn. Trong số này, 31.868,8 tấn đang được sở hữu bởi các định chế chính thức như ngân hàng trung ương, kho bạc quốc gia và IMF. Với mức giá 1.500 USD/ounce, số vàng chính thức trên thế giới có giá trị thị trường là 1.700 tỷ USD. Giá trị này nhỏ hơn rất nhiều so với tổng cung tiền của các cường quốc thương mại và tài chính lớn trên thế giới.
Chẳng hạn, chỉ riêng cung tiền của Mỹ, gọi là M1, do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cung ứng, là 2.500 tỷ đô-la vào cuối tháng 6 năm 2013. Nguồn cung M2 của FED lớn hơn, 10,6 nghìn tỷ USD trong cùng kỳ. Kết hợp M1 và M2 với nguồn cung tiền của ECB, Ngân hàng Nhật Bản và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, ta có lượng cung tiền toàn cầu cho 4 khu vực kinh tế lớn lên đến 20 nghìn tỷ USD cho M1 và 48 nghìn tỷ USD cho M2. Nếu nguồn cung tiền toàn cầu được giới hạn ở mức 1.700 tỷ USD vàng thay vì 48 nghìn tỷ USD tiền giấy M2, thì kết quả sẽ gây ra giảm phát thảm khốc và dẫn đến cuộc suy thoái trầm trọng.
Vấn đề trong kịch bản này không phải là lượng vàng mà là giá cả. Nếu tính đúng giá thì lượng vàng rất dồi dào. Giả sử giá vàng là 17.500 USD/ounce, cung vàng chính thức sẽ gần bằng cung tiền M1 của khu vực Eurozone, Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ cộng lại. Điểm chính ở đây không phải là để dự báo giá vàng hay dự đoán một bản vị vàng, mà chỉ để minh họa rằng số lượng vàng không bao giờ là một trở ngại đối với một bản vị vàng, miễn sao giá cả tương thích với cung tiền mục tiêu.
Thuyền thuyết thứ hai là vàng không thể được sử dụng trong một hệ thống tiền tệ vì vàng đã gây ra Đại suy thoái trong những năm 1930, góp phần vào thời gian dai dẳng và mức độ nghiêm trọng của nó. Câu chuyện này có một nửa sự thật, nhưng trong nửa dối trá lại chứa nhiều điều gây nhầm lẫn.
Đại suy thoái, thường được ghi nhận là xảy ra từ năm 1929 đến năm 1940, được dạo trước bởi việc áp dụng bản vị hối đoái vàng (gold exchange standard), nổi lên theo từng giai đoạn từ năm 1922 đến năm 1925 và hoạt động rất khó khăn cho đến năm 1939. Bản vị hối đoái vàng đã được thống nhất về nguyên tắc tại Hội nghị Genoa năm 1922, nhưng các bước triển khai chính xác thuộc trách nhiệm của các nước tham gia những năm tiếp theo.
Nguồn Znews: https://znews.vn/gia-vang-len-hoac-xuong-khi-nao-post1543160.html