Giá vàng trên đà 'lấn tới', nên mua hay bán?
Thống kê cho biết chỉ trong vòng tuần cuối cùng của tháng 7 giá vàng đã tăng khoảng 3 triệu đồng/ lượng.
Còn tính từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 7, giá vàng đã có mức tăng khoảng 10 triệu đồng lượng, từ 49 triệu đồng/lượng lên sát 58 triệu đồng/lượng.
Chênh lệch giá mua - bán vẫn được các doanh nghiệp giữ ở mức cao, lên tới 1,3 triệu đồng/lượng khi biến động của thị trường vàng quốc tế chưa có dấu hiệu ổn định.
Giới chuyên gia khuyến cáo người dân nên cân nhắc thận trọng trước khi giao dịch và thường xuyên theo dõi giá vàng trên các kênh chính thống để có quyết định đúng đắn nhất.
Theo giới đầu tư kim loại quý, giá vàng bật tăng do những lo ngại về làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai và bất ổn địa chính trị gia tăng. Giá vàng còn được hỗ trợ bởi đồng USD suy yếu.
Trên thế giới, giá vàng vẫn đang ở mức tăng cao, 1.968 USD/oz. Theo nhận định của giới đầu tư vàng quốc tế, nhiều khả năng giá vàng đang có xu hướng điều chỉnh nhẹ do nghe ngóng các thông tin có ảnh hưởng lớn đến tâm lý thị trường, chẳng hạn như quyết sách từ kỳ họp chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Tuy nhiên Fed đã không thay đổi chính sách tiền tệ, đồng thời tái khẳng định duy trì lập trường chính sách này tới lúc nền kinh tế phục hồi. Đây là quyết định có ảnh hưởng khá lớn, khiến giá của kim loại quý tiếp tục ổn định ở vùng đỉnh cao
Cùng với đó rất nhiều dự báo lạc quan về giá vàng được đưa ra. Mới đây, Quỹ Đầu tư WingCapital Investments (Mỹ) dự báo, vàng có thể lên tới 3.000 USD/ounce. Một số chuyên gia khác còn cho rằng, giá vàng có thể lên tới gần 4.000 USD/ounce.
Hiện các quỹ đầu tư và ngân hàng trung ương các quốc gia đang tăng cường nắm giữ vàng. Xu hướng này bắt đầu hình thành từ năm 2016, tăng mạnh trong năm 2018 - 2019. Riêng năm 2019, các ngân hàng trung ương đã mua vào 700 tấn vàng - mức cao nhất trong vòng 60 năm trước đó. Theo Hội đồng Vàng thế giới, các quỹ đầu tư, đặc biệt các quỹ ETF, đang nắm giữ lượng vàng cao nhất lịch sử, lên tới 30.000 tấn.
Tuy nhiên điều đáng bàn là giá vàng có tác động tới các mặt hàng khác?
Có thể nhận thấy, đang có một dòng tiền đổ vào thị trường này khi mà lượng giao dịch mua vàng đang “lấn” lượng giao dịch bán vàng. Chẳng hạn, thống kê của Công ty Vàng bạc đá quý Bảo tín Minh Châu, 60% lượng khách mua vào, 40% lượng khách bán ra.
Giá vàng liên tục tăng và neo cao đã làm xáo trộn trật tự ưu tiên của các kênh đầu tư trên thị trường tài chính. Bất động sản từng được nhìn nhận là kênh đầu tư hợp lý thì nay cũng phải chia lửa với thị trường vàng.
Ở một diễn biến khác, sự tăng giá của vàng đang được đưa ra làm tương quan so sánh với giá một số mặt hàng tiêu dùng khác. Chủ một cửa hàng kinh doanh đồ nội thất tân cổ điển nói, vàng tăng giá chục lần nhưng mà các mặt hàng khác không dám tăng giá vì tăng không có ai mua.
Tuy giá vàng tăng rất mạnh như hiện nay nhưng các chuyên gia vẫn cho rằng, người mua vàng nên cẩn trọng trước diễn biến thất thường của giá vàng. Bởi đây là thời điểm nhạy cảm, rất dễ xảy ra rủi ro nếu đầu tư “lướt sóng” vàng. Vì thế, người dân nên cẩn trọng và theo dõi sát tình hình nếu có nhu cầu giao dịch vàng.
Còn một lời khuyên “cổ điển” vẫn là chỉ nên mua vào khi thị trường điều chỉnh giảm và không nên “bỏ trứng một giỏ”, chỉ nên dành một phần trong số vốn nhàn rỗi của mình để mua vào mà thôi.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/gia-vang-tren-da-lan-toi-nen-mua-hay-ban-503011.html