Giá vé máy bay nội địa giảm nhưng chưa đáng kể
Vé máy bay nhiều chặng tới các điểm du lịch đã có dấu hiệu 'hạ nhiệt' và còn rất nhiều nhưng thực tế vẫn chưa thực sự tạo sức hút để tăng mạnh lượng khách du lịch.
Theo Cục Hàng không, năm 2024 Việt Nam sẽ đón xấp xỉ 78,3 triệu khách và vận tải hàng không là 1,21 triệu tấn hàng hóa, tăng 7,7% về hành khách và 13,4% về hàng hóa so với năm 2023.
Giá vé máy bay nội địa tăng cao thời gian qua đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến ngành hàng không, dịch vụ,... tác động trực tiếp đến nhu cầu du lịch nội địa. Nhiều giải pháp đã được Chính phủ xem xét điều chỉnh, như giảm thuế nhập khẩu nhiên liệu xăng dầu, trợ giá vé máy bay và trợ giá phòng lưu trú, theo nguyên tắc không vượt quá 40% giá trị của vé và phòng; quy định về giá trần vé máy bay nội địa đang áp dụng tại Việt Nam.
Cục Hàng không trước đó đã yêu cầu các hãng xây dựng các dải giá vé linh hoạt; hiện tại, giá vé bình quân dao động từ 35 - 65% mức tối đa đang niêm yết. Cá biệt Vietravel Airline có loạt giá chỉ từ gần 300.000 đồng/chiều, bằng 12% mức tối đa (khởi hành sau 17 giờ từ ngày 5 - 13/8).
Tuy nhiên đến nửa cuối tháng 8, giá vé máy bay lại tăng nhẹ, từ 500.000 đến 1,5 triệu đồng/vé ở một số chặng đặc thù và vẫn nằm trong khung giá trần quy định. Nhiều công ty lữ hành đã có những chương trình hỗ trợ lưu trú cho hành khách bay khung giờ đêm, giảm chi phí cho cả chuyến đi, giảm áp lực về vận tải cho các hãng trong các khung giờ ban ngày.
Nhu cầu du lịch vào cuối mùa hè năm vẫn tăng cao. Giá vé máy bay nội địa nhìn chung có giảm nhưng không đáng kể, tuyến cao tốc Bắc - Nam đang dần hoàn thiện. Đó là lí do mà nhiều người vẫn chọn phương tiện di chuyển bằng ô tô và tàu hỏa.
Để phát triển bền vững, các điểm đến và hãng hàng không đều cần cam kết giữ vững và nâng cao chất lượng dịch vụ, giữ ổn định giá vé, tránh những biến động lớn. Hành khách khi lựa chọn dịch vụ vận chuyển bằng đường hàng không nên có kế hoạch di chuyển và đặt mua vé từ sớm qua các kênh bán vé chính thức, mua được vé có giá phù hợp nhất.