Giá xăng dầu ngày 29/1: Ghi nhận tuần biến động với xu hướng giảm mạnh

Chốt tuần giao dịch, giá dầu có xu hướng giảm mạnh do đồng USD và triển vọng cung cầu trên thị trường chi phối.

Khép tuần giao dịch, hôm nay, trên sàn New York Mercantile Exchanghe ghi nhận giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 3/2023 đứng ở mức 79,38 USD/thùng, giảm 1,63 USD trong phiên. Trong khi giá dầu Brent giao tháng 3/2023 đứng ở mức 86,39 USD/thùng, giảm 1,08 USD trong phiên.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Các chuyên gia nhận định, trong phiên giao dịch đầu tuần, ngày 23/1, giá dầu thô giảm mạnh từ mức đỉnh 2 tháng khi nhận nguồn cung dầu từ Nga vẫn chảy mạnh vào thị trường, và lo ngại lạm phát “nóng” trở lại làm gia tăng nguy cơ suy thoái kinh tế.

Chuyên gia Viktor Katona - nhà phân tích tại Kpler cho biết, các biện pháp trừng phạt không có tác dụng vì Nga đã dự liệu trước. Theo đó, Nga kinh doanh nhiên liệu và tính phí cho các dịch vụ liên quan, bao gồm vận tải và bảo hiểm. Do đó, thu nhập cuối cùng từ các giao dịch hóa ra lại cao hơn giới hạn (60 USD mỗi thùng) do Liên minh châu Âu đưa ra.

Quyết định mở cửa trở lại nền kinh tế đã tạo tâm lý kỳ vọng lớn đối với thị trường dầu thô về mức độ cải thiện nhu cầu tiêu thụ dầu trong năm 2023, nhưng ở chiều hướng ngược lại, nó cũng tạo áp lực không nhỏ đối với lạm phát. Theo giới chuyên gia, điều này sẽ làm gia tăng đáng kể nguy cơ suy thoái khi chi phí sản xuất, giá cả hàng hóa… sẽ leo thang, nhu cầu tiêu dùng giảm sút.

Nhưng, giá dầu cũng được hỗ trợ mạnh bởi dự báo tích cực về nhu cầu trong năm 2023. Trong báo cáo được công bố hôm 18/1, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu dầu tăng 1,9 triệu thùng/ngày lên 101,7 triệu thùng/ngày trong năm 2023, và có tới 50% phần tăng trưởng đến từ Trung Quốc.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trước đó, OPEC cũng dự báo nhu cầu dầu toàn cầu tăng 2,22 triệu thùng/ngày, tương đương 2,2% cho năm 2023.

Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 23/1 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 3/2023 đứng ở mức 81,26 USD/thùng; trong khi giá dầu Brent giao tháng 3/2023 đứng ở mức 87,17 USD/thùng.

Tuy nhiên, ngay trong phiên giao dịch sau đó, khi triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc được củng cố, giá dầu đã quay đầu đi lên.

Theo dữ liệu từ ngân hàng ANZ, mức độ tắc nghẽn giao thông tại 15 thành phố trọng điểm của Trung Quốc trong tháng này đã tăng 22% so với năm trước. Động lực tăng giá đối với dầu thô còn được kỳ vọng gia tăng mạnh mẽ nếu như Trung Quốc tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng trong thời gian tới.

Ngoài ra, những lo ngại về nguồn cung dầu thô bị thắt chặt hơn khi quyết định áp trần giá đối với các sản phẩm tinh chế của Nga bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/2; OPEC+ được cho vẫn giữ quan điểm về việc cắt giảm sản lượng cũng là nhân tố hỗ trợ giá dầu đi lên.

Mặc dù vậy, đà tăng của giá dầu không ổn định khi trong phiên giao dịch sau đó, lo ngại về một đợt suy thoái kinh tế trước khả năng Fed tiếp tục tăng nhẹ lãi suất điều hành được dấy lên, giá dầu đã quay đầu giảm mạnh. Quyết định mở cửa nền kinh tế của Trung Quốc cũng được nhận định là “con dao hai lưỡi” có thể xóa tan mọi nỗ lực hạ nhiệt lạm phát của các nước thời gian qua, đặc biệt là Fed.

Đồng USD suy yếu và dự trữ dầu thô Mỹ tăng ít hơn dự báo chỉ tạm giúp giá dầu thoát đà lao dốc trong ngắn hạn, khi trong phiên giao dịch cuối tuần những yếu tố này bị lấn át bởi thông tin nguồn cung dầu thô từ Nga tăng mạnh và dự trữ dầu thô tăng.

Cụ thể, nguồn cung dầu thô của Nga từ các cảng Baltic dự kiến tăng tới 50% trong tháng 1/2023 so với tháng 12/2022. Theo giới phân tích, sự gia tăng này là do những nhà cung cấp cố gắng đáp ứng các nhu cầu phục hồi mạnh mẽ từ châu Á và tìm kiếm cơ hội khi giá dầu tăng cao.

Trước đó, thị trường dầu thô cũng ghi nhận thông tin nguồn cung dầu của Nga vẫn chảy vào Anh qua Ấn Độ.

Nguyên Dương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/gia-xang-dau-ngay-29-1-ghi-nhan-tuan-bien-dong-voi-xu-huong-giam-manh.html