Giấc mơ tan vỡ của ngành dạy thêm ở Trung Quốc

Khi chính phủ Trung Quốc ráo riết xóa bỏ tình trạng dạy thêm, các bậc phụ huynh đã cho con tham gia các lớp online, trung tâm không có chứng chỉ để đảm bảo tiến độ học tập.

Khi trúng tuyển vị trí trợ giảng tiếng Anh tại tập đoàn giáo dục New Oriental chi nhánh Trung Quốc, Xu Lingling (25 tuổi) nghĩ rằng mình đã có tương lai ổn định.

Nhưng tháng 7 qua, kế hoạch của cô sụp đổ khi chính phủ quyết định cấm việc dạy thêm do cho rằng ngành công nghiệp này đang thúc đẩy cuộc chạy đua giáo dục không lành mạnh.

Điều này nhanh chóng đẩy tập đoàn Xu làm việc đến bờ vực thẳm. Cô bị cắt giảm giờ dạy từ 11 buổi/tuần xuống 3 buổi. 1/2 giáo viên tiếng Anh rời công ty, những người khác bị giảm thu nhập xuống còn 2.300 yuan (360 USD)/tháng.

 Hàng triệu lao động làm việc trong ngành dạy thêm ở Trung Quốc chịu ảnh hưởng, thậm chí mất việc vì chính sách "giảm kép" của chính phủ. Ảnh: Quartz.

Hàng triệu lao động làm việc trong ngành dạy thêm ở Trung Quốc chịu ảnh hưởng, thậm chí mất việc vì chính sách "giảm kép" của chính phủ. Ảnh: Quartz.

Cuối cùng, vào cuối tháng 9, Xu nhận thông báo sa thải. Giờ đây, cô rơi vào cảnh thất nghiệp khi thị trường khó khăn.

"Những ngày này, tôi thậm chí không muốn nhìn thấy logo công ty. Họ không hề tôn trọng tôi, chứ đừng nói đến việc quan tâm", Xu nói với Sixth Tone.

Bị đối xử bất công

Tương tự như Xu, hàng triệu người khác ở xứ tỷ dân chịu ảnh hưởng nặng nề từ chính sách "giảm kép" của chính phủ.

Chiến dịch này nhằm cắt giảm lượng bài tập về nhà và tiền học thêm mà học sinh và cha mẹ các em phải chi trả.

Các cuộc khảo sát chính thức cho thấy chính sách này nhận được người dân ủng hộ rộng rãi, song cũng gây ra ảnh hưởng lớn tới ngành công nghiệp dạy thêm trị giá 2 nghìn tỷ yuan cùng khoảng 10 triệu lao động.

 Nhiều sinh viên mới ra trường ở Trung Quốc gặp khó khi đột ngột bị các trung tâm dạy thêm sa thải. Ảnh: Unsplash.

Nhiều sinh viên mới ra trường ở Trung Quốc gặp khó khi đột ngột bị các trung tâm dạy thêm sa thải. Ảnh: Unsplash.

Khi tình hình thu nhập sụt giảm mạnh, hoạt động bị hạn chế, các trung tâm dạy thêm bắt đầu cắt giảm số lượng nhân viên. Theo Sixth Tone, hàng trăm nghìn người làm việc trong ngành này đã mất việc vào đầu tháng 8.

Nhiều lao động trong số đó là sinh viên trẻ mới tốt nghiệp, nhóm đối tượng vốn phải đối diện với thị trường việc làm ít cơ hội ở Trung Quốc.

Xu Lingling cho biết nhiều công ty đã "chơi chiêu" để loại bớt nhân viên, cắt giảm chi phí vận hành. Họ giảm lương, đặt ra nhiều quy định hà khắc để sa thải giảng viên, ép họ phải xin bỏ việc.

Theo quy định của chính phủ, các trung tâm dạy thêm phải chuyển sang thành hình thức phi lợi nhuận trước cuối năm nay, nếu muốn tiếp tục hoạt động.

Xiao Mei, chủ sở hữu 2 trung tâm dạy thêm ở tỉnh Quảng Đông, quyết định đăng ký lại công ty với tư cách tổ chức phi lợi nhuận. Song, Xiao chưa rõ điều này sẽ ảnh hưởng thế nào với đội ngũ nhân viên.

Tới nay, Xiao luôn cố gắng duy trì hoạt động của công ty, không cắt giảm lương. Nhưng đến tháng 1 năm sau, công ty sẽ phải đặt mức giá cho dịch vụ dạy thêm theo quy định của chính phủ.

"Nếu mức giá dạy kèm ấy quá thấp, chúng tôi sẽ khó có thể tồn tại, không thể duy trì mức thù lao ổn định cho giáo viên", Xiao nói.

Phụ huynh mất trắng hàng nghìn yuan

Hơn nữa, khi nhiều công ty đột ngột đóng cửa, các bậc cha mẹ bỗng mất trắng hàng tỷ yuan tiền học phí trả trước.

Đầu tháng 10, hàng nghìn bậc cha mẹ đã xuất hiện bên ngoài các cơ sở của công ty giáo dục OneSmart để đòi lại học phí, sau khi đơn vị này đột ngột đóng cửa chỉ sau một đêm.

Hàng nghìn người khác đã tham gia các hội nhóm trên WeChat và QQ, cố gắng phối hợp, tìm cách đòi bồi thường.

"Tôi biết việc cố gắng lấy lại tiền gần như là vô vọng, nhưng mong các nhà chức trách sẽ đưa ra biện pháp xử phạt công ty này", Xu Danfang, một bà mẹ ở Thượng Hải, nói với Sixth Tone.

 Các bậc cha mẹ mất trắng hàng chục nghìn, trăm nghìn yuan khi đăng ký các lớp dạy thêm tại trung tâm. Ảnh: People Visual.

Các bậc cha mẹ mất trắng hàng chục nghìn, trăm nghìn yuan khi đăng ký các lớp dạy thêm tại trung tâm. Ảnh: People Visual.

Trước khi công ty này đóng cửa, bà đã trả gần 60.000 yuan đặt trước cho 100 buổi học tiếng Trung của con trai. Tuy nhiên, con bà chỉ tham gia được 3 buổi học.

Meng Weiying, một bà mẹ khác ở Thượng Hải, cũng trả gần 200.000 yuan cho trung tâm dạy thêm nói trên hồi tháng 8. Công ty này thuyết phục bà lệnh cấm dạy thêm không áp dụng cho hình thức gia sư 1-1 nên cô quyết định chi tiền.

Tuy nhiên, vài tuần sau, công ty này "biến mất".

"Năm nay con tôi lên lớp 9 nên gia đình lo lắng, cố gắng tìm dịch vụ dạy kèm chất lượng cao. Thế nhưng, họ lại tận dụng điều đó để lừa gạt chúng tôi", Meng nói.

Bà Xu Danfeng nhấn mạnh hầu hết nạn nhân đều có hoàn cảnh kinh tế bình thường. "Chúng tôi chẳng giàu có gì, chỉ là những ông bố, bà mẹ sẵn sàng dành tất cả cho việc giáo dục con cái".

Tìm gia sư cho con ở "chợ đen"

Không yên tâm về tình hình học tập của con, nhiều bậc cha mẹ quyết định tìm người dạy kèm qua thị trường "chợ đen".

Ngày càng nhiều trung tâm không có giấy phép mọc lên dưới hình thức online, hoặc tổ chức lớp học ẩn trong các tòa nhà văn phòng, khu dân cư.

Bà Xu Danfeng đã đăng ký cho con trai mình học tại một trung tâm "ngầm" như vậy. Bà không muốn tiết lộ tên đơn vị dạy thêm với Sixth Tone vì sợ nó sẽ bị đóng cửa.

 Nhiều trung tâm dạy thêm không chứng chỉ ở Trung Quốc "lách luật" bằng cách dạy online hoặc tổ chức lớp học trong các tòa nhà văn phòng, khu dân cư. Ảnh: Getty.

Nhiều trung tâm dạy thêm không chứng chỉ ở Trung Quốc "lách luật" bằng cách dạy online hoặc tổ chức lớp học trong các tòa nhà văn phòng, khu dân cư. Ảnh: Getty.

Thực tế, thành phố Bắc Kinh tuyên bố họ đã đóng cửa hơn 90% các trung tâm dạy thêm bất hợp pháp. Trong khi đó, thành phố Hàng Châu đang treo thưởng 50.000 yuan cho bất kỳ ai cung cấp thông tin về hoạt động dạy thêm bất hợp pháp.

Tuy nhiên, nhiều trung tâm đã trốn được cuộc đàn áp này. Ding Qi, một bà mẹ đến từ Thượng Hải, bắt đầu cho con gái học tiếng Anh qua một nền tảng không có giấy phép, sau khi công ty gia sư ban đầu đóng cửa hồi tháng 8.

Với khoản phí 600 yuan, phụ huynh có thể tham gia nhóm chat của nền tảng này trong vòng 3 tháng, nhận tài liệu học tập do công ty đăng tải mỗi ngày.

Ding khuyên Sixth Tone không nên công bố tên của nền tảng này. "Nếu làm vậy, tôi có thể sẽ mất đi nguồn lực cuối cùng để giúp con gái mình giỏi tiếng Anh".

Một bà mẹ họ Zhang cùng với vài người bạn đã cho con tham gia lớp học của một gia sư, tổ chức trong một văn phòng cho thuê. Cả nhóm thống nhất sẽ giữ bí mật tuyệt đối, không mời thêm người khác.

"Chúng tôi phải làm vậy để bảo đảm an toàn. Giờ đây, nhiều giáo viên ở Hàng Châu thấy nản lòng, không muốn tiếp tục công việc nữa", bà nói.

Chu Zhaohui, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Giáo dục Quốc gia, nói với Sixth Tone rằng không thể xóa sổ nạn dạy thêm bất hợp pháp thông qua các biện pháp cấm đoán.

"Mục tiêu 'giảm kép' sẽ được hiện thực hóa bằng việc đóng cửa trung tâm dạy thêm. Họ sẽ nghĩ ra nhiều phương pháp khác để tiếp tục hoạt động mà không bị phát hiện", Chu giải thích.

Cô cho biết chìa khóa để thực hiện mục tiêu này là cải cách hệ thống giáo dục, giảm nhu cầu cơ bản về học thêm.

Người mẹ họ Zhang cũng có cùng quan điểm với Chu. "Nhu cầu học thêm, dạy thêm vẫn sẽ tồn tại nếu hệ thống tuyển sinh vào các trường ở Trung Quốc còn cạnh tranh cao như hiện tại".

Ngọc Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/giac-mo-tan-vo-cua-nganh-day-them-o-trung-quoc-post1274616.html