Giải 'bài toán' nguồn nhân lực khai thác than hầm lò
Hằng năm, các đơn vị khai thác than hầm lò của Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) cần tuyển dụng hơn 4.000 lao động, chủ yếu là thợ lò để phục vụ sản xuất, bổ sung cho số công nhân nghỉ hưu và nghỉ việc. Nhu cầu nhân lực rất lớn, nhưng trên thực tế, TKV vẫn luôn phải cạnh tranh nguồn lao động các ngành, nghề ở khu công nghiệp.

Học sinh Trường cao đẳng Than-Khoáng sản Việt Nam tham quan thực tế hiện trường sản xuất tại Công ty Than Mạo Khê-TKV.
Trước yêu cầu sản xuất than cung ứng cho nền kinh tế ngày một lớn, TKV đang nỗ lực bảo đảm, duy trì chỉ tiêu tuyển dụng hằng năm và đào tạo nghề, đồng thời có những giải pháp đãi ngộ tốt nhất để giữ chân người lao động.
Khó khăn trong tuyển dụng
Những năm gần đây, các đơn vị khai thác than hầm lò thuộc TKV đều khó tuyển dụng lao động, phải mở rộng diện tuyển đến vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, dẫn đến những thách thức về đào tạo cũng như định hướng nghề nghiệp. Bên cạnh đó, công nhân có nhiều lựa chọn công việc phù hợp nhu cầu, không mặn mà với nghề mỏ vất vả, độc hại, rủi ro cao.
Giám đốc Công ty than Thống Nhất-TKV Nguyễn Mạnh Toán chia sẻ: “Thợ lò đa phần phải sống xa gia đình, vợ con, vì vậy sau khi làm 5-10 năm, tích lũy được số vốn đáng kể, hầu hết đều có xu hướng về quê, làm các công việc tuy thu nhập thấp hơn, nhưng gần gia đình. Bên cạnh đó, lớp thợ bậc cao đến tuổi nghỉ hưu dẫn tới nguy cơ thiếu hụt nguồn lao động đáp ứng yêu cầu sản xuất của công ty”.
Trước thực trạng nêu trên, TKV đã nhanh chóng chuyển hướng tập trung khai thác nguồn lao động trong tỉnh Quảng Ninh, ưu tiên tuyển dụng nhân lực ở khu vực miền đông của tỉnh và hướng đi này đã góp phần đem lại hiệu quả, từng bước duy trì nguồn lao động bổ sung của các đơn vị trong Tập đoàn. Những năm gần đây, các vùng Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Bình Liêu đã cung cấp cho ngành than hàng nghìn lao động hầm lò với mức thu nhập bình quân gần 20 triệu đồng/người/tháng, cao hơn so với lao động thời vụ tại địa phương.
Chủ tịch Công đoàn Công ty Than Khe Chàm-TKV, ông Nguyễn Duy Thái cho biết: “Công ty đã có nhiều chính sách đãi ngộ, giữ chân người lao động như: Xây dựng hình ảnh, thương hiệu đơn vị, cải thiện điều kiện làm việc, thực hiện cơ giới hóa trong khai thác để nâng cao năng suất và thu nhập, chăm lo tốt hơn về đời sống, văn hóa tinh thần, khen thưởng kịp thời những nhân tố điển hình trong lao động, sản xuất”.
Đến hết quý I /2025, Công ty Than Khe Chàm đã tuyển được gần 200 lao động, chủ yếu ở các huyện miền đông tỉnh Quảng Ninh. Thời gian tới, công ty tiếp tục phối hợp với Trường Cao đẳng Than-Khoáng sản Việt Nam, các địa phương trong và ngoài tỉnh tổ chức tuyển dụng, bổ sung nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất.
Những năm qua, Công ty cổ phần Than Mông Dương đã đưa ra nhiều chính sách đãi ngộ đặc thù, chăm lo đời sống, sinh hoạt cho thợ lò. Chủ tịch Công đoàn Công ty Than Mông Dương Vũ Tiến Quang chia sẻ: “Ngoài tiền lương, người lao động còn được chăm sóc sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp, nghỉ điều dưỡng phục hồi chức năng với chi phí hỗ trợ từ công ty; điều kiện ăn ở, đi lại ngày càng được cải thiện. Bên cạnh đó, công ty còn có nhiều hình thức khen thưởng linh hoạt, động viên kịp thời người lao động”.
Để bảo đảm tính bền vững của việc tuyển dụng lao động, ngoài việc duy trì đãi ngộ về điều kiện làm việc và đời sống, thời gian tới, TKV sẽ cân đối chi phí, nghiên cứu phương án tăng lương; thúc đẩy đầu tư xây dựng các khu nhà ở gia đình cho thợ mỏ, để họ đưa vợ con ở quê ra sinh sống cùng, giúp người lao động yên tâm “an cư, lạc nghiệp” .
Nâng cao thu nhập, giữ chân thợ lò
Công việc khai thác than trong hầm lò vất vả và tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhưng công ty đã quan tâm đầu tư đổi mới công nghệ, đưa vào sử dụng các thiết bị hiện đại, cải thiện điều kiện làm việc, hệ số an toàn và tăng năng suất lao động. Thêm vào đó, thu nhập của anh em tăng, đời sống ngày càng tốt hơn, giúp thợ lò yên tâm làm việc và gắn bó với nghề mỏ.
Thợ lò Nguyễn Văn Chinh, Phân xưởng Cơ giới hóa 1 Công ty Than Dương Huy
Hơn 10 năm gắn bó với công việc khai thác than, thợ lò Nguyễn Văn Chinh, Phân xưởng Cơ giới hóa 1 Công ty Than Dương Huy có mức thu nhập hơn 600 triệu đồng/năm. Anh Chinh chia sẻ: “Công việc khai thác than trong hầm lò vất vả và tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhưng công ty đã quan tâm đầu tư đổi mới công nghệ, đưa vào sử dụng các thiết bị hiện đại, cải thiện điều kiện làm việc, hệ số an toàn và tăng năng suất lao động. Thêm vào đó, thu nhập của anh em tăng, đời sống ngày càng tốt hơn, giúp thợ lò yên tâm làm việc và gắn bó với nghề mỏ”.
Năm 2024, thu nhập bình quân hằng tháng của thợ lò Công ty Than Dương Huy đạt hơn 26 triệu đồng/tháng. Trong quý I/2025, thu nhập bình quân người lao động toàn công ty đạt gần 25 triệu đồng/tháng, trong đó thợ lò đạt hơn 28 triệu đồng/tháng. Hiện số lao động có thu nhập từ 300 triệu đồng/năm trở lên của Công ty đạt gần 1.850 người, trong đó 64 người có thu nhập từ 500 đến 600 triệu đồng/năm và 10 người có mức thu nhập hơn 600 triệu đồng/năm.
Giám đốc Công ty Than Dương Huy Trần Mạnh Cường cho biết: “Việc quan tâm chăm lo, động viên kịp thời đã tạo nên một môi trường làm việc lý tưởng cho người lao động, tăng thu nhập cho thợ lò, tạo động lực để họ gắn bó lâu dài”.
Năm 2024, toàn Tập đoàn TKV có 7 công nhân đạt thu nhập hơn 700 triệu đồng/năm; gần 11.600 thợ lò thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm. Chủ tịch Hội đồng thành viên TKV Ngô Hoàng Ngân cho biết: “Năm 2025, TKV phấn đấu nâng mức tiền lương, thu nhập cho người lao động cao hơn so với năm trước và tiếp tục cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động; nghiên cứu các chính sách thu hút và giữ chân người lao động không chỉ riêng đối với công nhân trong hầm lò, mà cả cán bộ kỹ thuật, nghiệp vụ có trình độ đại học chuyên ngành mỏ. Tập đoàn cũng triển khai các dự án xây dựng nhà ở công nhân hầm lò, độc thân phù hợp đối tượng thợ mỏ; triển khai hiệu quả Đề án cơ cấu lại Tập đoàn với mục tiêu tinh gọn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động”.