Giải bài toán quản lý tài nguyên khoáng sản

Bài cuối:
CẦN QUYẾT LIỆT VÀO CUỘC

BPO - Việc khai thác khoáng sản trái phép không chỉ đe dọa đến nguồn tài nguyên thiên nhiên mà còn để lại những hệ lụy vô cùng lớn, đó là hủy hoại, biến dạng địa hình, gây sạt lở đất và nhiều hậu quả khác khó có thể khắc phục. Cùng với đó, Nhà nước mất một khoản thu lớn từ việc cấp quyền khai thác khoáng sản. Chính vì vậy, để quản lý hiệu quả tài nguyên khoáng sản cần sự chung tay quyết liệt vào cuộc của các cấp chính quyền, ngành chức năng, trong đó có người dân.

Không đủ sức răn đe

Trao đổi về những khó khăn trong việc quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Lương (thị xã Bình Long) Nguyễn Mạnh Thái cho biết, do địa bàn rộng, khu vực khai thác xa trung tâm, thời gian khai thác không cố định, chủ yếu vào ngày nghỉ, lễ nên lực lượng chức năng rất bị động. Đặc biệt, các đối tượng luôn bố trí người canh tại các ngã ba, ngã tư, khi thấy lực lượng chức năng đi kiểm tra thì lập tức cảnh báo thu hồi phương tiện, máy móc và nhanh chóng tẩu tán khỏi hiện trường. Mặt khác, nhu cầu về san lấp mặt bằng, xây dựng nhà ở nhiều, trong khi địa phương chưa quy hoạch được khu khai thác đất tập trung, chỉ có 1 doanh nghiệp được cấp phép khai thác đất sét gạch ngói cung cấp cho 9 lò gạch lân cận, tuy vậy, một số lò gạch vẫn lén lút mua bên ngoài với giá rẻ hơn.

Một khu vực địa bàn xã Thanh Lương, thị xã Bình Long bị đối tượng khai thác đất nham nhở

Một khu vực địa bàn xã Thanh Lương, thị xã Bình Long bị đối tượng khai thác đất nham nhở

Theo ông Thái, để ngăn chặn tình trạng này, chính quyền địa phương đã triển khai quyết liệt các giải pháp, cụ thể từ đầu năm 2024 đến nay đã ban hành 3 văn bản cấp bách về tình trạng khai thác đất trái phép. Về lâu dài, UBND xã giao từng khu dân cư, nếu có hành động khai thác đất phải báo ngay cho xã để xử lý và xem đây là chỉ tiêu thi đua hằng năm. Cùng với đó, UBND xã bố trí lực lượng túc trực, tuần tra, khi phát hiện thì chụp hình biển số phương tiện, hiện trạng khu đất bị khai thác, sau đó mời lên làm việc xác định chủ đất, chủ phương tiện để có giải pháp ngăn chặn, xử lý.

Dù thực hiện quyết liệt nhưng cái khó hiện nay là mức xử phạt vi phạm hành chính đối với cấp xã tối đa chỉ 5 triệu đồng, trong khi lợi nhuận từ khai thác đất trái phép nhiều nên không đủ sức răn đe. Về lâu dài, kiến nghị UBND tỉnh quy hoạch trên địa bàn khu vực khai thác đất tập trung để đưa doanh nghiệp vào khai thác từng bước ổn định.

Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Lương, thị xã Bình Long NGUYỄN MẠNH THÁI

Thực trạng khai thác đất trái phép tại xã Thanh Lương cũng là khó khăn chung của nhiều địa phương trong tỉnh. Chủ tịch UBND xã An Khương, (huyện Hớn Quản) Dương Kim Đương cho biết, địa phương cử lực lượng thường xuyên tuần tra, kiểm tra thực địa để kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm. Kết hợp các đoàn thể, khu dân cư tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các quy định pháp luật về khai thác sỏi phún, đặc biệt là khuyến khích người dân tố giác các vi phạm để kịp thời ngăn chặn, xử lý.

Chủ tịch UBND xã An Khương Dương Kim Đương kiến nghị: “Về lâu dài, các cơ quan chức năng của tỉnh cần xem xét, tham mưu cấp phép cho nhiều đơn vị có chức năng khai thác sỏi phún, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như san lấp mặt bằng, làm đường giao thông, xây dựng nhà ở. Từ đó người dân, doanh nghiệp thực hiện theo đúng các quy định pháp luật, mua được sỏi phún có hóa đơn chứng từ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Ngoài sự chủ động của địa phương thì lực lượng chức năng của huyện, tỉnh cũng tăng cường kiểm tra, xử lý các đối tượng khai thác lén lút”.

Xử lý nghiêm các vi phạm

Trước tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn biến phức tạp được người dân, cơ quan báo chí phản ánh, ngày 19-2-2024, UBND huyện Lộc Ninh đã thành lập đoàn kiểm tra công tác quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản và hoạt động san lấp mặt bằng trái phép trên địa bàn, do Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh Hồ Quang Khánh làm trưởng đoàn.

Tại Lộc Ninh, viện cớ hạ độ cao để lấy mặt bằng xây dựng, các đối tượng đã khai thác đất lậu đưa đi nơi khác tiêu thụ

Tại Lộc Ninh, viện cớ hạ độ cao để lấy mặt bằng xây dựng, các đối tượng đã khai thác đất lậu đưa đi nơi khác tiêu thụ

Ông Hồ Quang Khánh cho biết, ngay sau khi thành lập, đoàn đã ban hành kế hoạch kiểm tra công tác quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản và hoạt động san lấp mặt bằng trái phép tại tất cả xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Đây là giải pháp nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý triệt để đối với các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản thông thường trái phép trên địa bàn. Qua đó, làm rõ trách nhiệm của địa phương trong công tác quản lý nhà nước về khai thác, san lấp mặt bằng trái phép. Qua công tác kiểm tra sẽ phát hiện, ghi nhận những khó khăn, vướng mắc và đề ra giải pháp phù hợp nhằm chấn chỉnh, ngăn chặn các hành vi hủy hoại đất và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tài nguyên khoáng sản đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Quan điểm của huyện là kiên quyết xử lý các vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản thông thường trái phép theo quy định; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân nếu phát hiện vi phạm. Đồng thời kiên quyết xử lý đối với phương tiện, máy móc của các đối tượng sử dụng để khai thác khoáng sản trái phép.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh HỒ QUANG KHÁNH

Thời gian qua, UBND huyện Lộc Ninh đã ban hành nhiều văn bản gửi các xã, thị trấn và đơn vị liên quan phối hợp kiểm tra, rà soát, nhất là vào các ngày nghỉ, lễ để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp khai thác đất, khoáng sản trái phép trên địa bàn. Nếu vẫn để xảy ra tình trạng nêu trên thuộc địa bàn quản lý thì chủ tịch UBND các xã, thị trấn liên quan chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Chủ tịch UBND huyện.

Trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương

Những năm qua, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thường xuyên nắm tình hình, tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân để kịp thời kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định đối với trường hợp khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn. Tuy nhiên, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép (chủ yếu là vật liệu san lấp) vẫn còn diễn ra ở một số địa phương, làm thất thu ngân sách nhà nước. Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu cấp thiết của người dân về đất để san lấp mặt bằng, xây dựng nhà ở, công trình; trong khi việc xin cấp phép khai thác khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản tốn rất nhiều thời gian, chi phí, từ đó nhiều trường hợp tự ý khai thác trái phép. Các trường hợp khai thác trái phép phát sinh manh mún, nhỏ lẻ, thời gian khai thác không cố định, chủ yếu diễn ra vào ngày nghỉ, lễ, ban đêm nên gây khó khăn cho công tác quản lý và thanh, kiểm tra. Trong khi đó, việc thanh, kiểm tra chủ yếu dựa vào phản ánh của người dân, khi đoàn thanh tra Sở TN&MT đến kiểm tra thì đối tượng, phương tiện khai thác trái phép đã rời khỏi hiện trường.

Sạt lở đất - hệ quả của khai thác đất trái phép tại thôn 3, xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng

Sạt lở đất - hệ quả của khai thác đất trái phép tại thôn 3, xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng

Để tăng cường trách nhiệm phối hợp trong việc bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác; xử lý việc khai thác, chế biến, tàng trữ, vận chuyển khoáng sản trái phép, năm 2022, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 05/2022/QĐ-UBND ngày 31-3-2022 quy định về quản lý, bảo vệ và hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Quy định nêu rõ: “Khi phát hiện khai thác, chế biến, tàng trữ, vận chuyển khoáng sản trái phép xảy ra trên địa bàn, UBND cấp xã phải chỉ đạo lực lượng chức năng đến hiện trường kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các hành vi trái phép; báo cáo UBND cấp huyện trực tiếp quản lý và Sở TN&MT, thông tin báo cáo phải đảm bảo chính xác. Nếu vụ việc vượt quá thẩm quyền giải quyết thì phải có phương án đề xuất, kiến nghị. Khi nhận được thông tin từ UBND cấp xã, thì UBND cấp huyện phải chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp với UBND cấp xã bằng mọi biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời theo đúng thẩm quyền, trách nhiệm được giao; báo cáo kết quả thực hiện về Sở TN&MT, UBND tỉnh. Trường hợp các hành vi vi phạm vượt quá thẩm quyền giải quyết, kèm theo báo cáo phải có phương án đề xuất, kiến nghị”.

Hy vọng, với quy định này, việc kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi khai thác khoáng sản trái phép sẽ sớm được thực hiện triệt để vì trách nhiệm đã được giao cho UBND cấp xã và huyện.

V.T

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/159259/giai-bai-toan-quan-ly-tai-nguyen-khoang-san