Giải bài toán về cát

Bao năm qua, ĐBSCL bị 'đói' đường cao tốc. Giai đoạn 2021 - 2030, khi hàng loạt dự án được triển khai, lại xuất hiện mâu thuẫn về cát. Nếu không có cát, công trình chậm tiến độ. Mà khai thác cát sông quá mức, hậu quả sạt lở rất khó lường. Thay vì chỉ tập trung cát sông, cần cơ chế mở để tận dụng thêm nguồn tài nguyên cát núi, cát biển.

Công trình giao thông có thể sử dụng cát núi thay thế cho cát sông

Công trình giao thông có thể sử dụng cát núi thay thế cho cát sông

Khó khăn xã hội hóa

UBND huyện Tri Tôn đang nâng cấp sức chứa hồ Soài Chek (xã Núi Tô) và hồ Ô Thum (xã Ô Lâm) theo hình thức xã hội hóa. Doanh nghiệp (DN) đầu tư máy móc, thiết bị nạo vét đáy hồ, được sử dụng lượng khoáng sản thu hồi để bù chi phí. Lợi ích của phương án này là nhà nước không phải bỏ chi phí đầu tư nạo vét, nhưng vẫn nâng được sức chứa nước của hồ, phục vụ đa mục tiêu (ứng phó biến đổi khí hậu, chữa cháy rừng, nhu cầu nước tưới và sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer…); đồng thời tạo ra lượng cát, cao lanh rất lớn phục vụ công trình xây dựng. Tuy nhiên, vướng cơ chế, quy định cùng một số nguyên nhân, tiến độ triển khai còn chậm.

Đối với dự án nâng cấp sức chứa hồ Soài Chek, khu vực nạo vét thu hồi khoáng sản 22,4ha, tổng mức đầu tư hơn 13,2 tỷ đồng. Tổng khối lượng nạo vét khoáng sản thu hồi 400.283m3, công suất được phép thu hồi 220.000m3/năm. Ghi nhận từ ngày 2/3/2019 - 26/9/2021, Công ty TNHH Thương mại XNK Hải Đến mới nạo vét được 220.480m3 (gần 56% so tổng khối lượng được cấp phép). Hiện, 38.798m3 cát và 6.500m3 cao lanh khai thác xong, nhưng còn tập kết tại bãi công trình, chưa vận chuyển đi tiêu thụ.

Đối với dự án nâng cấp sức chứa hồ Ô Thum, khu vực nạo vét thu hồi khoáng sản gần 11ha; tổng mức đầu tư hơn 13,5 tỷ đồng. Tổng khối lượng khoáng sản thu hồi 371.692m3, công suất được phép thu hồi 200.000m3/năm. Từ tháng 2/2019 đến ngày 26/9/2021, Công ty TNHH TM-DV Khai thác khoáng sản An Bình nạo vét được 300.000m3 (gần 81%). Tại bãi tập kết của công trình, hiện vẫn còn 6.000m3 cát, 40.000m3 đất lẫn cao lanh đã khai thác xong, nhưng chưa vận chuyển đi.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Đỗ Minh Trí cho biết, đến nay, tiến độ nạo vét 2 dự án chậm so kế hoạch được duyệt. Giấy phép chấp thuận cho thi công đã hết hạn, 2 nhà thầu được yêu cầu tạm ngưng thi công từ tháng 7/2021. Đồng thời, chỉnh sửa lại phương án nạo vét hồ, hồ sơ xin giấy phép môi trường phù hợp với phương án nạo vét. Tuy nhiên, thủ tục xin cấp giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền phê duyệt của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT). Đến nay, 2 DN vẫn chưa nộp được hồ sơ (do chưa có ý kiến gia hạn của UBND tỉnh).

Trong chuyến khảo sát, làm việc gần đây tại huyện Tri Tôn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư đề nghị UBND huyện làm việc với 2 nhà thầu, tạm dừng nạo vét hồ Soài Chek và hồ Ô Thum để tích trữ nước khi mùa mưa đến, đảm bảo mục tiêu đa chức năng của hồ. Đối với khối lượng cát, cao lanh còn tồn tại bãi tập kết, tạo điều kiện để DN cung ứng cho dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh.

Giảm gánh nặng cát sông

Theo các DN tham gia nạo vét hồ chứa nước vùng cao, không phải DN không đủ năng lực đẩy nhanh tiến độ nạo vét, mà do khó khăn về thủ tục cấp phép vận chuyển, bán lượng khoáng sản thu hồi được. Nếu có nghiên cứu, đánh giá về chất lượng cao lanh dùng cho san lấp công trình đường bộ; có cơ chế cho DN cung ứng cát, cao lanh nạo vét từ hồ cho công trình đầu tư công, DN sẽ đẩy nhanh tiến độ nạo vét, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu san lấp hiện nay.

Theo tính toán, tổng nguồn cát cần cung cấp cho toàn bộ dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng khoảng 11 triệu m3. Theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, ngoài cung ứng cho Dự án thành 1 (đoạn qua địa phận An Giang), tỉnh còn hỗ trợ khoảng 7,5 triệu m3 cát cho dự án thành phần 2, thành phần 3 (đoạn qua TP. Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang). Ngoài ra, An Giang cung ứng 1,1 triệu m3 cát cho đoạn cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; 0,8 triệu m3 cát cho đoạn cao tốc Mỹ Thuận - Cao Lãnh. Tính chung, An Giang hỗ trợ các dự án ngoài tỉnh gần 10 triệu m3 cát. Trong khi đó, các công trình trong tỉnh đang cần khoảng 11 triệu m3 cát.

Qua khảo sát của Sở TN&MT, nguồn cát trên địa bàn tỉnh có thể huy động cung cấp cho Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng gần 3,2 triệu m3, trong khi nguồn cát từ dự án chỉnh trị dòng chảy cung cấp khoảng 5,4 triệu m3. Sở TN&MT đang tiếp tục rà soát nguồn cung, đảm bảo khối lượng cát ban đầu cho dự án. Riêng tổng khối lượng đá trên địa bàn tỉnh có thể cung cấp 1,5 triệu m3, đáp ứng đủ cho toàn bộ dự án cao tốc.

Theo các chuyên gia, đối với vùng Bảy Núi, ngoài khai thác đá, lượng cát tích trữ trong hồ chứa nước cặp chân núi và mỏ cát núi rất lớn, lên đến hàng triệu m3. Nếu có cơ chế mở, cung ứng lượng cát này cho công trình đầu tư công, sẽ giảm áp lực rất lớn cho cát sông. Riêng công trình cao tốc gần biển, nên nghiên cứu sử dụng cát biển, thay vì cứ trông chờ vào cát sông.

“Khi hàng loạt đập thủy điện được xây dựng ở thượng nguồn Mekong, cát bị giữ lại, khả năng bù đắp cho lượng cát sau khai thác ở ĐBSCL rất thấp. Nếu khai thác cát sông vô tội vạ, về lâu dài, nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng dân sinh rất lớn. Do vậy, cần tính toán giải pháp thiết kế công trình theo hướng trên cao, hạn chế sử dụng cát san lấp, đồng thời nghiên cứu nguồn vật liệu thay thế cát sông cho tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông” - một chuyên gia trong ngành xây dựng đề xuất.

NGÔ CHUẨN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/giai-bai-toan-ve-cat-a364865.html