Giải Báo chí Quốc gia: VietnamPlus đạt Giải A với loạt bài về sạt lở đất

Nhóm phóng viên đã đi thực tế tại hàng loạt điểm nóng về sạt lở đất để tìm hiểu, ghi nhận thực trạng, từ đó đưa ra hồi chuông cảnh báo, góp phần hạn chế hậu quả của tình trạng này trong tương lai.

Với loạt bài về hậu quả khốc liệt từ thiên tai và sạt lở đất, Báo Điện tử VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam) đã được trao Giải A ở thể loại Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, tọa đàm, giao lưu trực tuyến (Báo điện tử) tại Giải Báo chí Quốc gia lần thứ 18-năm 2023.

Lễ trao giải diễn ra trọng thể tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội vào tối 21/6, nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024).

Báo chí: Tiếng nói của Đảng, của Nhân dân

Tại Lễ trao giải, Chủ tịch nước biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao những thành tích, kết quả của báo chí và đội ngũ những người làm báo đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước trong suốt 99 năm qua.

Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Vượt qua mọi khó khăn thử thách, không nề gian khó, hy sinh, sẵn sàng xông pha nơi đầu sóng, ngọn gió, các thế hệ nhà báo đã chung sức, đồng lòng xây dựng nên nền báo chí thực sự là tiếng nói của Đảng, của Nhân dân; là cầu nối tin cậy của Nhân dân với Đảng và Nhà nước; giữa Đảng, Nhà nước, Nhân dân ta với bạn bè quốc tế.”

 Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ 18 năm 2023. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ 18 năm 2023. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Nhiệt liệt chúc mừng các tác giả, nhóm tác giả được trao giải, Chủ tịch nước khẳng định các tác phẩm đoạt giải đã phản ánh bức tranh lao động sôi động của báo giới cả nước trong năm qua đồng thời đại diện cho thành tựu to lớn của đội ngũ những người làm báo hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Chủ tịch nước Tô Lâm chỉ rõ, năm 2025 là một năm bản lề, đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ to lớn, đồng thời cũng hết sức vẻ vang đối với báo chí và đội ngũ những người làm báo trong tuyên truyền, tạo sự đồng thuận xã hội và sức mạnh tổng hợp nhằm thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng; cũng như xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Chính vì vậy, Chủ tịch nước đề nghị cần tập trung xây dụng đội ngũ những người làm báo thực sự là những người lính trên mặt trận văn hóa tư tưởng, có "tâm sáng, lòng trong, bút sắc," "vừa hồng, vừa chuyên," phải kiên định lý tưởng, giá trị cao đẹp của nghề báo, tuân thủ nguyên tắc, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, có tinh thần tiến công, đấu tranh loại bỏ cái xấu, cái sai, bảo vệ cái đúng, cái tốt, luôn hết lòng, hết sức vì sự nghiệp chung.

 Các tác phẩm tham dự đã bám sát các chủ đề lớn từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng và các mặt của đời sống trong năm 2023. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Các tác phẩm tham dự đã bám sát các chủ đề lớn từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng và các mặt của đời sống trong năm 2023. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Về nhiệm vụ của báo chí, Chủ tịch nước cho rằng cần phát huy cao độ vai trò của báo chí - công cụ đấu tranh xã hội, đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp, thực sự là vũ khí sắc bén, công cụ đắc lực của Đảng trên mặt trận tư tưởng, có nhiều hơn nữa các tác phẩm báo chí có tính lý luận và chính luận cao.

“Tập trung tuyên truyền, cổ động, tập hợp quần chúng thực hiện đường lối lãnh đạo của Đảng; giáo dục, hướng dẫn các giai tầng trong xã hội hành động theo chuẩn mực, đạo đức xã hội chủ nghĩa; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; tham gia tích cực trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; khắc phục tình trạng thông tin thuần túy, công cụ giải trí đơn thuần; không ngừng khơi dậy, khích lệ khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí vượt qua khó khăn, thử thách và niềm lạc quan, ý thức tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, xây đắp và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực vươn lên cho sự phát triển của đất nước,” Chủ tịch nước nêu rõ.

Theo Chủ tịch nước, cần phải tăng cường giá trị văn hóa trong các tác phẩm báo chí. Mỗi tác phẩm báo chí phải là một sản phẩm văn hóa tinh thần có giá trị và giá trị sử dụng cao, chuẩn mực về nội dung, tươi mới và hấp dẫn về hình thức, hiện đại trong phương pháp thể hiện và phương thức phát hành. Các tác phẩm báo chí phải không ngừng giữ gìn, phát huy giá trị đạo đức, bản sắc văn hóa Việt Nam; định hình và lan tỏa chuẩn mực văn hóa ứng xử trong xã hội, góp phần xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Mùa Giải Báo chí Quốc gia lần thứ 18, Hội đồng Giải đánh giá các tác phẩm tham dự đã bám sát các chủ đề lớn từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng và các mặt của đời sống trong năm 2023.

Trong số 165 tác phẩm vào chung khảo, Hội đồng Giải đã thảo luận, thẩm định và bỏ phiếu lựa chọn được 10 giải A, 26 giải B, 45 giải C và 41 giải Khuyến khích để trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ 18-năm 2023.

Theo đánh giá của ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia, nhiều tác phẩm được đầu tư nghiêm túc, công phu, nội dung có tính phát hiện vấn đề mới, phản biện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước; đề xuất nhiều giải pháp kiến tạo, cách làm hay, có sức lan tỏa, ảnh hưởng lớn trong xã hội. Nhiều tác phẩm thể hiện được tính chuyên nghiệp, hấp dẫn, mang hơi thở của báo chí hiện đại.

Điểm nổi bật năm nay chính là các sản phẩm báo chí đa phương tiện được đầu tư công phu, hấp dẫn. Nhiều cơ quan báo chí đã đổi mới, tiếp cận công nghệ làm báo hiện đại, phát triển báo chí đa nền tảng, đa phương tiện và các hình thức báo chí sáng tạo nhằm tăng sức hấp dẫn, tăng khả năng tiếp cận của công chúng.

 Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia phát biểu. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia phát biểu. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Theo ông Lê Quốc Minh, báo chí vẫn luôn là lực lượng xung kích tuyên truyền hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, luôn gắn bó và đồng hành trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Báo chí phát hiện các mô hình phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đề cập tới những vấn đề, điểm nghẽn của nền kinh tế như: Đầu tư công, thu hút đầu tư nước ngoài, thị trường vàng, điện, xăng dầu, chứng khoán, bất động sản, tín dụng...

Trong số các tác phẩm đoạt giải A có phóng sự “Nỗi đau của sông mẹ” của nhóm tác giả Nguyễn Anh Tuấn (Anh Tuấn), Chu Sỹ Thanh (Chu Thanh), Liên chi hội Nhà báo Đài Truyền hình Việt Nam.

Sông Hồng, hay còn gọi là sông Mẹ, từ hàng ngàn năm qua, được coi là con sông lớn nhất ở miền bắc, có vai trò đặc biệt quan trọng. Thế nhưng, sông Hồng ngày càng biến đổi với những dấu hiệu bất thường theo chiều hướng tiêu cực. Hiện tượng này vốn dĩ là quy luật của dòng chảy tự nhiên? Hay là sự nổi giận của một dòng sông, sau những tác động quá mức và tàn phá trực tiếp của con người?

Đó là trăn trở của nhóm tác giả khi thực hiện phóng sự này. Họ đã lên kế hoạch, triển khai thu thập thông tin, thâm nhập thực tế trong một thời gian dài, gần 500 ngày ghi hình tại nhiều địa phương ở miền Bắc nơi có con sông Hồng chảy qua để thu thập bằng chứng về “nỗi đau” mà con sông Mẹ đang phải hứng chịu từ những tác động trực tiếp của con người.

Theo biên tập viên Anh Tuấn, trong quá trình tác nghiệp, dấu hiệu dễ nhận thấy nhất là hiện tượng đổ phế thải, trạc thải để lấn và lấp sông Hồng ở một số địa bàn ven sông, nhất là khu vực nội thành đang diễn ra phức tạp với nhiều chiêu thức và thủ đoạn tinh vi khiến một số vị trí lòng sông bị lấn chiếm và thu hẹp đáng kể.

Nạn đổ phế thải lấn chiếm bãi sông Hồng đã xảy ra từ lâu, tuy nhiên vấn đề này chưa được cảnh báo đúng mức. Đằng sau mỗi chuyến xe đổ phế thải là một câu chuyện phức tạp với cả một ổ nhóm thực hiện hành vi này, họ không phải người dân bình thường, đó là những đối tượng xã hội, có hiện tượng bảo kê.

Để ghi lại những hình ảnh này, không hề dễ dàng vì việc này chỉ diễn ra ở một số thời điểm, không thường xuyên, địa điểm ở khu vực xa xôi, quây rào tôn kín, các đối tượng nuôi nhiều chó dữ, tiếp cận hiện trường là vô cùng khó khăn.

“Chúng tôi phải theo dõi sát sao, mất nhiều thời gian nằm vùng. Quay phim Sỹ Thanh bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, không ngại hiểm nguy, vượt qua nhiều khó khăn đã vào vai và đi theo xe chở phế thải để ghi lại những hình ảnh chân thực nhất về nạn đổ trạc thải trái phép lấn sông Hồng,” nhà báo Anh Tuấn kể lại.

“Nỗi đau của sông mẹ” là một hồi chuông cảnh báo để các cơ quan chức năng và cơ quan quản lý, các bộ ngành và địa phượng cần có đánh giá, nhìn nhận và quan tâm vấn đề Sông Hồng một cách đúng mức và sát sao hơn. Tác phẩm được Hội đồng Giải đánh giá cao và nhất trí trao giải A.

Thông tấn xã Việt Nam giành 8 giải thưởng

Tại lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ 18-năm 2023, loạt 5 bài “Thảm họa khốc liệt từ thiên tai, sạt lở đất đá: Còn phá, còn đau!” của nhóm tác giả Võ Mạnh Hùng, Nguyễn Hoài Nam,” Báo Điện tử VietnamPlus, Liên chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam đã được trao Giải A.

 Nhóm phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus trên hành trình tác nghiệp. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhóm phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus trên hành trình tác nghiệp. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Với nhiều kinh nghiệm theo dõi mảng môi trường, nhà báo Võ Mạnh Hùng đã nhận thấy sạt lở đất đá là vấn đề rất "nóng," kéo theo biết bao hệ lụy, không chỉ thiệt hại về kinh tế, mà còn khiến rất nhiều người dân, cán bộ thiệt mạng ngay cả khi đang làm nhiệm vụ.

Theo nhà báo Võ Mạnh Hùng, điều đáng nói là trong cuộc đua “phát triển trước-chạy chữa sau,” cùng với sự tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, “nhân tai” đã trở thành một trong những nguyên nhân chính châm ngòi cho những “phát súng” dồn dập từ thiên tai.

Vậy là suốt gần 5 tháng trời, nhóm phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã đi thực tế tại hàng chục “điểm nóng” về thiên tai, sạt lở ở gần 30 tỉnh, thành phố trên cả nước. Họ đã leo rừng, lội suối, vượt hành trình gần 5.000km, tác nghiệp tại nhiều khu vực đã và đang bị sạt lở, có nguy cơ sạt lở để dóng lên tiếng chuông cảnh tỉnh: Muốn hạn chế thiệt hại bởi thiên tai, sạt lở, có rất nhiều việc phải làm, rất nhiều bộ, ban, ngành, các cấp chính quyền và mọi người dân cần phải tham gia.

 Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trao giải A cho tác giả Võ Mạnh Hùng. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trao giải A cho tác giả Võ Mạnh Hùng. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Loạt bài đã phản ánh toàn diện các vấn đề liên quan đến tác động của thiên tai lũ quét, sạt lở đất ở Việt Nam trong thời gian qua, phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan, trực tiếp, gián tiếp, qua đó đề cập tới lời “khẩn cầu” trách nhiệm vì tương lai, cũng như đưa ra những giải pháp căn cơ, hiệu quả và an toàn bền lâu nhất, để góp phần giảm thiểu tối đa những rủi ro do thiên tai, sạt lở có thể xảy ra.

Loạt bài được thể hiện theo hình thức longform - một kiểu báo chí chất lượng về cả nội dung và hình thức được trình bày cầu kỳ (bao gồm text, hình ảnh, dữ liệu, đồ họa), không chỉ giúp độc giả tiếp cận những bài báo tử tế, sang trọng; mà còn mang đến cho người đọc nội dụng chuyên sâu với “mâm thông tin” đầy đủ và giá trị nhất, chính xác nhất.

Nhà báo Võ Mạnh Hùng chia sẻ rằng đây là loạt bài khiến anh rơi nước mắt nhiều nhất; trải qua nhiều pha suýt chết khi tác nghiệp nơi địa hình hiểm trở.

“Sau mỗi chuyến đi, đối diện hiểm nguy ở hiện trường, ghi nhận những vụ việc thương tâm, tôi luôn trăn trở và mong muốn loạt bài sẽ ‘thức tỉnh’ được mọi người. Và tôi đã dành suốt một tháng trời, có nhiều đêm trắng nghiên cứu để hoàn thành tác phẩm tâm huyết,” nhà báo Võ Mạnh Hùng chia sẻ.

Ngoài loạt bài nói trên, Liên chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam cũng đã giành được 6 giải thưởng khác ở các thể loại. Cụ thể:

Giải C có các tác phẩm: “Khẳng định vị thế mới của gạo Việt Nam” của nhóm tác giả Nguyễn Thị Bích Hồng, Phạm Thị Hồng Nhung, Đoàn Đức Minh, Nguyễn Thị Thùy Linh - Ban Biên tập tin Kinh tế; tác phẩm “Bánh vẽ” sâm Ngọc Linh” của nhóm tác giả Hoàng Cao Nguyên, Nguyễn Văn Thắng – Liên chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam; tác phẩm: “Kinh hoàng vụ cháy chung cư mini trong đêm” của tác giả Phạm Trung Kiên (Phạm Kiên) – Ban Biên tập Ảnh; tác phẩm: “Khơi nguồn tài lực” của nhóm tác giả Hoàng Giang, Hoàng Đức Long, Nguyễn Thị Thùy Ngân, Hà Văn Quỳnh, Đỗ Thị Luyến – Trung tâm Truyền hình Thông tấn.

Giải Khuyến khích có các tác phẩm: “Vững vàng nơi tiền đồn Tây Nam Tổ quốc” của nhóm tác giả Huỳnh Thế Anh (Huỳnh Anh), Nguyễn Vũ Thành Đạt – Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam; tác phẩm: “Việt Nam-Khát vọng hòa bình” (Vietnam’s aspiration for peace) của nhóm tác giả Lê Thị Bảo Ngọc, Nguyễn Văn Bình, Phạm Phương Anh, Đào Kiên Trung, Trần Vũ Quang – Trung tâm Truyền hình Thông tấn./.

Các tác phẩm đoạt giải A Giải Báo chí Quốc gia lần thứ 18-năm 2023

1. “Thu hút đầu tư nước ngoài: Bước ngoặt 35 năm và cơ hội lịch sử” của tác giả: Lê Thị Thanh Hà ( Nguyên Đức) – Chi hội Nhà báo Báo Đầu tư.

2. “Nhận thức và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn trong quá trình đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của tác giả Lê Hải – Chi hội Nhà báo Tạp chí Cộng sản.

3. “Công viên Địa chất Toàn cầu bị “xẻ thịt” của nhóm tác giả Bùi Thanh Hải, Nguyễn Thanh Sơn – Báo Nông thôn ngày nay, Liên chi hội Nhà báo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

4. “Trở về” của nhóm tác giả Nguyễn Vũ Duy, Nguyễn Thị Thu Hòa, Nguyễn Phạm Huân, Nguyễn Quỳnh Hoa – Ban Thời sự, Liên chi hội Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam.

5. “Vì sao tiền dành cho đồng bào nghèo dân tộc thiểu số “bị nhốt” trong kho bạc?” của nhóm tác giả Trịnh Đình Thiệu (Đình Thiệu), Nguyễn Long Phi (Long Phi) – Cơ quan thường trú khu vực miền Trung, Liên chi hội Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam.

6. “Nỗi đau của sông mẹ” của nhóm tác giả Nguyễn Anh Tuấn (Anh Tuấn), Chu Sỹ Thanh (Chu Thanh) – Liên chi hội Nhà báo Đài Truyền hình Việt Nam.

7. “Hiệp định Paris - Khát vọng hòa bình” của nhóm tác giả Nguyễn Thu Yến, Phan Thị Hoài, Đặng Thị Hải Bằng, Nguyễn Việt Anh, Nguyễn Đức Dân – Liên chi hội Nhà báo Đài Truyền hình Việt Nam.

8. “Hồ Chí Minh-Con đường phía trước” của nhóm tác giả Ngô Quang Thịnh, Vũ Quang Lãm, Phạm Ngọc Lan, Trương Ngọc Dũng, Vũ Nguyễn Thành Khôi – Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh.

9. “Thảm họa khốc liệt từ thiên tai, sạt lở đất đá: Còn phá, còn đau!” của nhóm tác giả Võ Mạnh Hùng, Nguyễn Hoài Nam – Báo Điện tử VietnamPlus, Liên chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam.

10. “Đường đi của gỗ lậu qua xe chuyển phát nhanh” của nhóm tác giả Hoàng Văn Chiên, Đỗ Doãn Hoàng, Phạm Sỹ Công, Nguyễn Đức Minh – Báo điện tử Dân Việt, Liên chi hội Nhà báo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/giai-bao-chi-quoc-gia-vietnamplus-dat-giai-a-voi-loat-bai-ve-sat-lo-dat-post960453.vnp