Giải Báo chí Vì sự nghiệp Giáo dục giúp các tác phẩm tiếp tục lan tỏa
Dự giải báo chí Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam, các tác phẩm báo chí có cơ hội lan tỏa, tạo hiệu ứng mạnh mẽ để thu hút bạn đọc.
Bám sát thực tiễn giáo dục
Năm 2023, nhóm tác giả báo Đại Đoàn Kết tiếp tục tham dự giải báo chí Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam với loạt bài “Trí tuệ nhân tạo có thay thế được con người?”, được Ban giám khảo đánh giá cao và nằm trong danh sách trao giải.
Nhà báo Lê Thị Thu Hương - Trưởng Ban Khoa giáo Báo Đại Đoàn kết, đại diện nhóm tác giả chia sẻ: Năm 2023 cũng là năm thứ 4 liên tiếp nhóm phóng viên của báo Đại Đoàn Kết dự giải báo chí Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam.
Điểm thuận lợi, chúng tôi đều là những phóng viên chuyên trách theo dõi lĩnh vực giáo dục; đồng hành với ngành giáo dục ở cả hai vai: vừa là nhà báo, vừa là phụ huynh nên sự quan tâm đến các vấn đề của ngành cũng sâu sát hơn.
Theo đó, tác phẩm báo chí phản ánh trên các ấn phẩm của Báo Đại Đoàn Kết ở lĩnh vực giáo dục cũng đa chiều, đa lĩnh vực, ở mọi cấp học. Từ vấn đề về đổi mới chương trình, SGK, việc triển khai chương trình GDPT 2018; Đổi mới dạy và học ở bậc học phổ thông; Đào tạo giáo viên, lương và mức sống của giáo viên sao cho thỏa đáng; Tự chủ đại học; Cởi bỏ nút thắt về đào tạo văn hóa trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp…
Nhóm tác giả đã cố gắng chuyển tải trong các tác phẩm của mình những chuyển động của ngành giáo dục; những vấn đề ngành đã nỗ lực, cố gắng cũng như vấn đề còn khó khăn, vướng mắc, hạn chế… với mong muốn từ đó xã hội hiểu hơn về ngành để cùng chia sẻ, đồng hành với ngành giáo dục trong quá trình đổi mới còn nhiều khó khăn, thử thách.
Trở lại với loạt bài 5 kỳ “Trí tuệ nhân tạo có thay thế được con người”, nhà báo Lê Thị Thu Hương cho biết, đây là một vấn đề mà chị và đồng nghiệp rất tâm đắc. Vì thế, ngay khi được sự định hướng từ Ban Biên tập, Ban Thư ký Tòa soạn, chỉ trong một thời gian rất ngắn, nhóm tác giả đã hoàn thiện ý tưởng để bắt tay vào việc.
Tính đến thời điểm triển khai mạch đề tài, có nghĩa là chỉ khoảng sau hơn 2 tháng ra mắt, công cụ ChatGPT đã cán mốc 100 triệu người dùng - điều mà Tiktok mất 9 tháng và Instagram phải mất tới 2 năm để đạt được.
Cũng ở thời điểm triển khai loạt bài, cơn sốt ChatGPT - một công cụ AI (trí tuệ nhân tạo) được quan tâm tại Việt Nam, được bàn luận sôi nổi ở mọi lúc, mọi nơi. Với nhiều bạn trẻ, nhất là giới học sinh, sinh viên thì đây thực sự là một trải nghiệm đầy mới mẻ và hấp dẫn.
Nhưng làm thế nào để trí tuệ nhân tạo được sử dụng, khai thác một cách hiệu quả, để phục vụ chính con người? 5 bài báo trong mạch bài nói trên đã ít nhiều giải đáp cho những băn khoăn đó.
Giải đáp băn khoăn về ChatGPT
Nhà báo Lê Thị Thu Hương cho biết, các vấn đề được đặt ra bao gồm: Cơ hội và thách thức song hành cùng trí tuệ nhân tạo; Lợi ích và thách thức đối với ngành giáo dục; Yêu cầu về đào tạo nhân lực ngành công nghệ thông tin cho phù hợp với xu thế ra sao?
Tiếp đó là phỏng vấn các chuyên gia về công nghệ thông tin, nhà quản lý để làm thế nào để tăng cường sự hợp tác giữa các chuyên gia, giáo viên và nhà quản lý tìm ra các giải pháp cho những vấn đề về giáo dục và xây dựng kế hoạch tương lai sử dụng và ứng dụng AI.
Nhìn rộng ra, với nhân lực ở các lĩnh vực giáo dục, du lịch, nông nghiệp, kinh tế xã hội khác… cần chiến lược đào tạo nguồn nhân lực thế nào để thích ứng và bắt kịp xu thế?
Loạt bài nói trên đã nhận được những phản hồi tích cực từ bạn đọc, từ các chuyên gia. Đây thực sự là niềm vui với những người làm nghề. Dự thi giải Báo chí Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam năm 2023 với loạt bài Trí tuệ nhân tạo có thay thế được con người, Báo Đại Đoàn Kết mong muốn đóng góp tiếng nói tham vấn phản biện về những vấn đề đang được dư luận quan tâm.
Thông qua sự ghi nhận thực tế cũng như phân tích, đánh giá của các chuyên gia về vấn đề cụ thể nói trên, rất mong những bài báo sẽ giúp cho bạn đọc có cái nhìn rõ hơn rằng tại Việt Nam, AI đang mở ra nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức.
Đặc biệt là cơ hội và thách thức đặt ra của Chat GPT và AI đối với giáo dục; Những nghiên cứu và hành động thế nào để giảm thiểu tác động tiêu cực, phát huy hiệu quả tác động tích cực của AI nói chung và ChatGPT nói riêng trong giáo dục. Nhưng điều lạc quan hơn cả là ChatGPT sẽ tạo ra một “cú hích” cho trào lưu việc làm và nhiều ứng dụng mới ra đời- nếu con người sử dụng một cách thông minh những ứng dụng thông minh.
Đại diện nhóm tác giả của Báo Đại Đoàn Kết, nhà báo Lê Thị Thu Hương bày tỏ lời cảm ơn đến Bộ GD&ĐT đã tổ chức một sân chơi ý nghĩa cho các nhà báo trong cả nước, chúc giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" càng ngày càng thu hút được sự quan tâm của công chúng; ngày càng có nhiều tác phẩm có chất lượng tham gia. Thông qua giải thưởng, một lần nữa giá trị các tác phẩm báo chí dự giải lại có cơ hội lan tỏa, tạo hiệu ứng mạnh mẽ để thu hút bạn đọc.