Giải cứu chuối hay giải cứu tư duy cho nông dân?

Từ cuối năm 2023 đến nay, nông dân trồng chuối ở H.Trảng Bom liên tiếp nhận tin kém vui về mã số vùng trồng, phân bón và hiện tại là giá chuối chỉ còn 1-2,5 ngàn đồng/kg. Đã có nhà vườn chấp nhận băm chuối ủ làm phân vì giá quá thấp, không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

“Thủ phủ” chuối Trảng Bom bắt đầu vào vụ thu hoạch chính. Ảnh: H.Lộc

“Thủ phủ” chuối Trảng Bom bắt đầu vào vụ thu hoạch chính. Ảnh: H.Lộc

Đây không phải lần đầu tiên nông dân ở đây bán chuối thấp hơn chi phí sản xuất. Điều đó chứng tỏ công tác dự báo, dự đoán thị trường của nông cho sản xuất và xuất khẩu còn “lỗ hổng” lớn.

* Bán hàng theo kiểu “ký gửi”

H.Trảng Bom là “thủ phủ” chuối của tỉnh với hơn 6 ngàn ha. Trong đó, 80-90% sản lượng chuối xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Thế nhưng, từ cuối năm 2023 đến nay, ở đất nước tỷ dân có khí hậu lạnh, người dân giảm nhu cầu sử dụng chuối. Thêm vào đó, các quốc gia láng giềng như Lào, Philippines cũng gia tăng sản lượng chuối xuất khẩu vào Trung Quốc, khiến giá chuối giảm sâu.

Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ Trảng Bom Trần Ngọc Tú cho biết, HTX có tổng cộng hơn 200ha chuối, trong đó có khoảng 100ha tự đầu tư trồng, 30ha HTX ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân giá 7 ngàn đồng, còn lại hỗ trợ mua theo giá thị trường. Thời điểm hiện tại, giá chuối chỉ 2,5 ngàn đồng/kg, phần sản lượng tự trồng và bao giá cho bà con nông dân mỗi container chuối xuất đi lỗ 100 triệu đồng.

H.Trảng Bom hiện có hơn 6 ngàn ha chuối. Đây là vụ chuối chính trong năm nhưng giá bán chỉ còn 2,5 ngàn đồng/kg đối với loại xuất khẩu. Bình quân mỗi kg chuối nông dân lỗ khoảng 1,5 ngàn đồng.

“Giá chuối quá thấp, chỉ đủ tiền công, không đủ chi phí đầu tư. Giá thấp mà hàng khó bán. Đối tác không ký hợp đồng xuất khẩu trước mà kêu gửi hàng qua, họ bán được bao nhiêu sẽ trả tiền bấy nhiêu. Hàng hư, hàng ế không được tính tiền, giống như ký gửi hàng hóa vậy” - ông Tú chia sẻ.

Cũng theo ông Tú, từ nay đến hết tháng Giêng, HTX còn khoảng 150 container chuối, tương đương hơn 3 ngàn tấn. Mỗi tuần xuất 20-25 container chuối, duy trì mức giá này đến hết vụ, nguy cơ phá sản rất cao.

Giám đốc Công ty TNHH Real Farm (H.Trảng Bom) Lê Thanh Hòa cho biết, thời gian qua, giá chuối thấp, nhiều nhà vườn “neo” chờ giá lên dẫn đến quả to, không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Thêm vào đó, thị trường giảm tiêu thụ đòi hỏi chất lượng cao, khi có đơn đặt hàng công ty mới chặt chuối nên một số vườn phải từ chối chặt.

Còn ông Hoàng Quốc Đạt, hộ trồng chuối đồng thời là thương lái mua chuối xuất khẩu ở H.Trảng Bom cho rằng, thời gian qua, người trồng chuối liên tục nhận thông tin kém vui. Ban đầu là đình chỉ mã số vùng trồng vì quá trình kiểm tra tại cửa khẩu phát hiện rệp sáp. Tiếp đến là thông tin nghi ngờ phân bón kém chất lượng ở một số nhà vườn khiến nông dân hoang mang. Hiện tại là giá chuối quá thấp, không bù đủ chi phí sản xuất.

Thời điểm hiện tại là bắt đầu vào vụ chuối chính trong năm. Các năm trước, giá chuối thường cao, vì Trung Quốc đã kết thúc vụ, phải tăng nhập khẩu. Năm nay cũng vậy nhưng một số vùng ít lạnh hơn ở Trung Quốc đã trồng được chuối trái vụ. Trong khi đó, các quốc gia láng giềng, trong đó có Việt Nam, gia tăng sản lượng dẫn đến tình trạng dội hàng, giá thấp.

* Cần thay đổi tư duy sản xuất, bán hàng

Câu chuyện giá nông sản giảm sâu khiến nông dân “khóc” ròng không phải lần đầu, mà đã xảy ra nhiều lần, với nhiều mặt hàng như: thanh long, dưa hấu, sầu riêng, cà phê... Khi nước bạn gia tăng nhu cầu, thương lái “lùng sục”, thậm chí giành nhau đặt cọc giá cao. Nông dân thấy vậy đổ xô trồng, đến khi xảy ra sự cố liên quan đến chất lượng hoặc nước bạn giảm nhập thì ùn ứ, thua lỗ.

Thực tế trên cho thấy, đầu ra của sản phẩm nông nghiệp vẫn là bài toán khó. Trong đó, công tác dự báo, dự đoán nhu cầu thị trường là “lỗ hổng” lớn đòi hỏi các bộ, ban, ngành từ trung ương đến địa phương phải vào cuộc bằng cách thông qua các chương trình hợp tác, trao đổi đoàn để thông tin nhu cầu thị trường hiện tại và tương lai. Có chính sách thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp phù hợp. Quy hoạch và quản lý các vùng nguyên liệu để tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng. Xúc tiến mở rộng thị trường, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một vài thị trường.

Đối với nông dân, phải thay đổi tư duy sản xuất theo yêu cầu của thị trường. Thị trường cần gì thì sản xuất mặt hàng đó. Liên kết, hợp tác với đơn vị thu mua, chế biến để tiêu thụ sản phẩm. Đề cao tiêu chí chất lượng giúp sản phẩm có thể vào được các thị trường khó tính. Chấp nhận "luật chơi" của thị trường, có đắt và có rẻ, không thể đụng chuyện “kêu cứu” chính quyền, người tiêu dùng.

Tương tự, thương lái, HTX, doanh nghiệp thu mua nông sản xuất khẩu cũng phải nhanh nhạy trong nắm bắt thông tin về nhu cầu của thị trường, mở rộng thị trường khác nhau để giảm rủi ro. Liên kết, hợp tác với người sản xuất, đối tác để hạn chế tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, ùn ứ phải bán hàng ký gửi.

Phó chủ tịch UBND H.Trảng Bom Lê Ngọc Tiên cho biết, huyện đã nắm được thông tin giá chuối giảm sâu và chỉ đạo Phòng Kinh tế, Hội Nông dân huyện liên hệ với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu hỗ trợ mua chuối giúp bà con nông dân. Cũng theo ông Tiên, thực tế hiện nay, các thương lái, HTX vẫn mua chuối bình thường, có điều mức giá thấp do tiêu thụ ở thị trường xuất khẩu giảm. Hy vọng thời điểm cận và qua Tết Nguyên đán, nhu cầu thị trường và giá chuối sẽ tốt hơn.

Về giải pháp, các phòng, ban của huyện thường xuyên tuyên truyền để nông dân duy trì và phát triển diện tích chuối được cấp mã số vùng trồng, trồng và chăm sóc chuối theo quy trình sạch, đáp ứng tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu. Trồng lệch thời gian để tránh thu hoạch vào cùng lúc dẫn đến cung vượt cầu. Quản lý diện tích vùng trồng cây chủ lực. Tăng cường liên kết từ sản xuất, thu mua, bảo quản, chế biến, xuất khẩu nông sản...

Hoàng Lộc

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/trang-dia-phuong/202401/giai-cuu-chuoi-hay-giai-cuu-tu-duy-cho-nong-dan-1584a05/