Giai đoạn 2021- 2025: Tập trung phát triển mạnh 3 trụ cột

Bình Thuận đã nỗ lực thực hiện kế hoạch 5 năm (2016 - 2020) đạt được kết quả tương đối toàn diện trên các lĩnh vực, tạo chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội. Đây cũng là đòn bẩy để tỉnh nhà tập trung phát triển 3 trụ cột: Công nghiệp, du lịch và nông nghiệp mà nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định.

Giai đoạn 2021- 2025

 Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.

Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.

Nhiều thành quả

Suốt chặng đường 5 năm qua, Bình Thuận thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, gắn với cơ cấu lại nền kinh tế đạt nhiều kết quả tích cực, từng bước chuyển dần sang chiều sâu. Nổi bật, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng gia tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Các ngành kinh tế phát triển khá đồng đều, kinh tế biển được tập trung đầu tư, phát triển đúng hướng; tiềm năng, lợi thế của tỉnh được khai thác và phát huy ngày càng hiệu quả hơn, nhất là về năng lượng, du lịch. Riêng về tái cơ cấu lại khu vực công nghiệp, những năm qua tốc độ tăng trưởng công nghiệp cao, với giá trị tăng thêm trong giai đoạn 2016 - 2020 là 18,33%/năm.

Bên cạnh lĩnh vực công nghiệp, du lịch, việc triển khai thực hiện tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp từng bước được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của địa phương, gắn với nhu cầu thị trường. Đặc biệt, cây thanh long trở thành sản phẩm lợi thế có sự tăng trưởng nhanh về diện tích, gắn với sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn. Ngành chăn nuôi dần chuyển từ nhỏ lẻ sang quy mô trang trại, ứng dụng, khoa học kỹ thuật, kiểm soát môi trường và dịch bệnh. Ngành thủy sản giữ ổn định, gắn với chế biến, tạo ra giá trị gia tăng. Hoạt động khai thác hải sản xa bờ có chuyển biến tích cực, theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành thủy sản…

Tại phiên họp vừa qua của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy cũng đánh giá: Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh nhà có nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, đó là chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Hạ tầng giao thông (nhất là giao thông đối ngoại) chưa đồng bộ, sự chồng lấn quy hoạch titan với quy hoạch các ngành, lĩnh vực khác chưa được tháo gỡ. Bên cạnh đó, hạn hán, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp…

3 trụ cột

Tuy vậy, từ những kết quả đạt được trong 5 năm qua đã từng bước tạo ra những nền tảng vững chắc cho nhiệm kỳ mới. Theo đó, kế hoạch trong 5 năm tới, tỉnh không ngừng nâng cao đời sống nhân dân, phấn đấu trở thành địa chỉ có sức thu hút mạnh các nhà đầu tư lớn, có năng lực đưa tỉnh Bình Thuận phát triển nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển, năng lượng và du lịch...

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An lưu ý UBND tỉnh thực hiện tốt 2 mục tiêu kép là vừa thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tập trung phát triển 3 trụ cột: Công nghiệp, du lịch và nông nghiệp mà nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định. Trong đó, đối với công nghiệp cần ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo dựa trên tiềm năng về bức xạ mặt trời và năng lượng gió, nhất là điện gió ngoài khơi. Thu hút các dự án phát triển công nghiệp chế biến, ưu tiên các sản phẩm có lợi thế của tỉnh. Phát triển một số khu công nghiệp theo hướng kết hợp khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Đối với du lịch, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch, nâng cao đẳng cấp, chất lượng các dịch vụ du lịch. Đồng thời, nghiên cứu các cơ chế, chính sách mới trong chấp thuận các dự án du lịch, thương mại, dịch vụ, đô thị tại các khu vực ven biển, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Đặc biệt đối với nông nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An yêu cầu UBND tỉnh và các cấp ngành tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng thủy lợi, phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, tăng sức cạnh tranh và bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Tăng cường trồng rừng, quản lý, bảo vệ rừng, nhất là rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển. Có các giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế thủy sản, khuyến khích phát triển khai thác hải sản xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Giữ vững thương hiệu tôm giống Bình Thuận. Đảm bảo nguồn nguyên liệu hải sản đưa vào chế biến tạo giá trị gia tăng, nâng cao kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Tổ chức xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa trong nước và xuất khẩu, giữ vững uy tín, thương hiệu nước mắm Phan Thiết, thanh long Bình Thuận; quản lý thị trường, kịp thời xử lý các hành vi gian lận thương mại; quản lý chặt chẽ công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người tiêu dùng...

Một số chỉ tiêu chủ yếu giai đoạn 2021 - 2025:

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) bình quân khoảng 7,0 - 7,5%/năm. Bình quân hàng năm, huy động GRDP vào ngân sách (chưa tính các khoản thu trực tiếp từ dầu khí và thuế xuất nhập khẩu) khoảng 7,5 - 8,0%. Thu hút vốn đầu tư toàn xã hội so với GRDP chiếm khoảng 43 - 47%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân từ 6%/năm trở lên. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 0,7 - 1,0%/năm.

KiỀu HẰng

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/giai-doan-2021-2025-tap-trung-phat-trien-manh-3-tru-cot-133253.html