Giải mã những biến động tỉ giá USD/VND
Gần đây, một hiện tượng đáng chú ý là chỉ số USD Index (DXY) giảm, nhưng tỉ giá USD/VND tại các ngân hàng thương mại Việt Nam lại tiếp tục tăng.
PGS.TS Phạm Công Hiệp và TS Nguyễn Nhật Minh, Đại học RMIT Việt Nam cùng nhận định, Ngân hàng Nhà nước có trong tay đầy đủ công cụ để đảm bảo tỉ giá USD/VND cho mục tiêu ổn định vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế.
Sóng gió
- Phóng viên: Chỉ số USD Index (DXY) đã giảm hơn 10% từ đầu năm 2025 đến nay, nhưng tỉ giá USD/VND tại các ngân hàng thương mại lại tiếp tục tăng. Ông đánh giá vấn đề này ra sao?
+ PGS.TS Phạm Công Hiệp: Trước hết ta cần làm rõ việc đây là hai thước đo khác nhau. Chỉ số USD Index (DXY) phản ánh sức mạnh của USD so với 6 đồng tiền ở các nền kinh tế phát triển.
Từ đầu 2025 đến nay chỉ số này đã giảm hơn 10% do kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất và đồng Euro, Yên Nhật Bản, bảng Anh bật lên mạnh.
Trong khi đó, USD/VND là tỉ giá song phương chịu tác động của cung và cầu ngoại tệ và chính sách vĩ mô trong nước. Kể từ đầu năm 2025, USD tại các ngân hàng thương mại đã tăng từ khoảng 25.460 VND/USD lên trên 26.130 USD/VND, tức tiền đồng mất giá xấp xỉ 2,6%.
Vì vậy, việc DXY giảm nhưng USD/VND vẫn lên không mâu thuẫn do đây là hai “sân chơi” rất khác nhau.

PGS.TS Phạm Công Hiệp, Phó Trưởng khoa phụ trách nghiên cứu và đổi mới, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam
Tuy đồng USD đang suy yếu đáng kể trên “sân chơi toàn cầu”, câu chuyện song phương giữa USD và tiền đồng lại chịu chi phối bởi một tập hợp động lực hoàn toàn khác.
Lý do trước nhất nằm ở chênh lệch chính sách tiền tệ. Trong khi Fed vẫn duy trì mặt bằng lãi suất cao để kiềm chế lạm phát, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) lại ưu tiên kích thích tăng trưởng.
Khoảng cách lợi suất USD và tiền đồng vì thế mở rộng, tạo xu hướng các doanh nghiệp và nhà đầu tư nắm giữ ngoại tệ, tạo áp lực tăng giá lên USD/VND bất chấp đồng đô la Mỹ suy yếu so với đồng Euro hay Yên Nhật.
Thứ hai, nhu cầu ngoại tệ thực trong nước gia tăng, với mùa cao điểm trả nợ vay ngoại tệ, chi trả cổ tức bằng USD của khối FDI, nhập khẩu máy móc đón đầu nguy cơ thuế mới của Mỹ, cộng với chi phí du học và du lịch hè, tất cả cộng hưởng khiến cán cân cung cầu USD tại thị trường ngân hàng căng thẳng.
Dù Việt Nam vẫn ghi nhận thặng dư thương mại hơn 7,5 tỉ đô la Mỹ trong 6 tháng đầu năm, dòng USD thu về chưa kịp chuyển hóa thành nguồn cung tức thì cho hệ thống tiền tệ vì doanh nghiệp có xu hướng găm giữ đề phòng biến động.
Cuối cùng là định hướng điều hành. Sau giai đoạn phải bán ra để ổn định tỉ giá năm 2023-2024, NHNN tranh thủ trạng thái thặng dư thương mại để mua lại ngoại tệ, tái lập dự trữ và đồng thời chấp nhận để tiền đồng mất giá có kiểm soát ở mức vài phần trăm.
Bước đi này vừa củng cố bộ đệm dự trữ, vừa giúp xuất khẩu duy trì sức cạnh tranh khi đồng Nhân dân tệ và Baht Thái cũng đã yếu đi.
Tóm lại, sự trái chiều giữa DXY và USD/VND không phải nghịch lý. Chỉ số DXY phản ánh sức mạnh tương đối của USD trước các đồng tiền mạnh khác, còn USD/VND phụ thuộc vào chênh lệch chính sách, dòng vốn và nhu cầu ngoại tệ đặc thù của Việt Nam. Mức mất giá của tiền đồng khoảng 3% từ đầu năm tới nay vẫn nằm trong biên độ điều hành và chưa làm thay đổi triển vọng ổn định vĩ mô.

Ổn định nhưng vẫn linh hoạt
- Đâu là điểm yếu cốt lõi trong cán cân thanh toán hoặc cán cân vốn khiến tiền đồng vẫn chịu áp lực thưa ông?
+ PGS.TS Phạm Công Hiệp: Dù Việt Nam vẫn có “ba trụ đỡ” vững vàng gồm thặng dư thương mại hơn 7,5 tỉ USD trong nửa đầu năm 2025, vốn FDI giải ngân lập kỷ lục 11,7 tỉ đô la Mỹ, kiều hối duy trì khoảng 9–10 tỉ USD mỗi năm, và NHNN vừa tái phát hành tín phiếu sau gần 4 tháng tạm ngừng để hút bớt thanh khoản. Tỉ giá USD/VND vẫn tăng vì những “lỗ rò” lớn hơn ở cả tài khoản vãng lai và tài khoản vốn.
Đầu tiên, thị trường tài chính đang có xu hướng hút mạnh tiền USD. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng gần 1,5 tỉ USD cổ phiếu trong 6 tháng đầu năm 2025, phản ứng với chênh lệch lãi suất USD và tiền đồng âm cũng như rủi ro thuế quan với Mỹ.
Song song, tiền và tiền gửi của khu vực doanh nghiệp và dân cư gửi ra nước ngoài tăng 49% trong nửa đầu năm 2024 và xu hướng này vẫn tiếp diễn sang 2025. Do vậy, dòng vốn gián tiếp rút bớt USD ra khỏi hệ thống, triệt tiêu thêm hiệu quả của FDI ròng và kiều hối.
Tiếp theo, thặng dư thương mại ròng không đủ bù cho thâm hụt dịch vụ và thu nhập. Khoản chi dịch vụ (vận tải, du lịch, logistics) gia tăng khi kinh tế phục hồi, trong khi thu nhập sơ cấp (lợi nhuận và lãi vay chuyển ra nước ngoài) thâm hụt mạnh và diễn ra trong nhiều năm. Điều này khiến cung USD thực tế vào hệ thống ngân hàng mỏng hơn nhiều số liệu thương mại.
Thứ ba, vị thế ngoại tệ của khu vực ngân hàng và doanh nghiệp vẫn ngắn hạn. Nhiều tập đoàn phải mua USD trả nợ, nhập máy móc trước khi thuế mới của Mỹ có hiệu lực. NHNN lại tranh thủ mua vào để tái lập dự trữ, khiến số dư USD lưu hành trên thị trường liên ngân hàng càng eo hẹp.
Cuối cùng, nghiệp vụ tín phiếu của NHNN chỉ điều tiết tiền đồng, không bơm thêm USD. Việc hút bớt tiền đồng giúp lãi suất liên ngân hàng nhích lên, phần nào giảm áp lực đầu cơ USD, nhưng mức phát hành vài chục ngàn tỉ đồng mới đây còn quá nhỏ so với cầu ngoại tệ mùa trả nợ và cổ tức ngoại tệ. Do đó chỉ “làm chậm” chứ không “chặn đứng” đà tăng tỉ giá.
Tóm lại, điểm yếu cốt lõi trong cán cân thanh toán của Việt Nam không nằm ở thương mại hàng hóa mà ở thâm hụt dịch vụ – thu nhập và dòng vốn ngắn hạn đảo chiều.
- Mục tiêu tăng trưởng GDP là 8%, có thể nói kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ nằm ở mức 16%, với mức tín dụng này có gây áp lực lên chính sách tiền tệ Việt Nam?
+ TS Nguyễn Nhật Minh: Về nguyên tắc, để đạt mức tăng GDP 8%, Việt Nam thường phải chấp nhận hệ số “đòn bẩy” tín dụng khoảng 2:1, tương ứng mục tiêu nới lỏng dư nợ 15–16% mà NHNN vừa phân bổ cho hệ thống ngân hàng năm 2025.
Tuy nhiên, dư địa cho một nhịp bơm tín dụng lớn như vậy đã thu hẹp đáng kể vì tỉ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam cuối 2024 đã lên tới 134%, mức cao hàng đầu khu vực.

Tiến sĩ Nguyễn Nhật Minh, giảng viên Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam
Tăng trưởng tiền gửi hiện chỉ quanh 10–11%, nghĩa là mỗi đồng vốn mới cho vay sẽ nhanh chóng đẩy hệ số LDR (loans-to-deposits) vượt ngưỡng an toàn và khiến mặt bằng lãi suất tiền đồng phải nhích lên để hút thanh khoản, làm giảm hiệu lực các đợt cắt lãi suất hỗ trợ phục hồi trước đó.
Áp lực lạm phát vẫn phải giữ dưới trần 4,5 % theo nghị quyết Quốc hội, trong khi tín dụng 16% có thể kích cầu tiêu dùng và đầu cơ tài sản, khiến chỉ số hàng tiêu dùng (CPI) khó duy trì ở vùng 3–3,5% như các dự báo trung hạn.
Vì vậy, mức tín dụng 16% không tất yếu “quá sức”, nhưng sẽ buộc NHNN phải điều hành khéo léo: duy trì kênh tín phiếu và hoạt động thị trường mở (OMO) để trung hòa bớt thanh khoản dư thừa, giám sát chặt dòng vốn vào lĩnh vực rủi ro cao, đồng thời linh hoạt nới hoặc thu hẹp biên độ tỉ giá để hạn chế dòng vốn đảo chiều khi lãi suất tiền đồng giảm sâu so với USD.
Nếu các biện pháp này được triển khai đồng bộ, mục tiêu tăng trưởng vẫn khả thi mà không gây mất ổn định vĩ mô. Ngược lại, thiếu phối hợp chính sách sẽ khiến 16% tín dụng trở thành “liều thuốc bổ” dễ biến thành “áp lực” cho cả lạm phát, lãi suất lẫn tỉ giá.
- Theo ông, đâu là ưu tiên hàng đầu và kinh nghiệm quan trọng nhất mà Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục phát huy trong việc điều hành tỉ giá từ nay đến cuối năm 2025 để đảm bảo ổn định vĩ mô?
+ TS Nguyễn Nhật Minh: Ưu tiên cốt lõi của NHNN từ nay đến cuối 2025 vẫn phải là duy trì niềm tin vào khuôn khổ “tỉ giá linh hoạt có quản lý”, để tiền đồng biến động trong biên độ hợp lý theo cung cầu thực, nhưng luôn gắn với thông điệp giữ lạm phát dưới 4% và bảo vệ ổn định tài chính.
Kinh nghiệm quý báu rút ra sau các “cú sốc” năm 2024 cho thấy, khi NHNN không cố neo một mức tuyệt đối mà điều hành kỳ vọng bằng cách dùng nhiều công cụ đồng thời. Cụ thể như bán mua USD giao ngay/hoán đổi, hút bơm tiền đồng qua tín phiếu và OMO, điều chỉnh nhẹ lãi suất liên ngân hàng, nới/thu hẹp biên độ trung tâm, thì thị trường ngoại hối hạ nhiệt rất nhanh mà dự trữ ngoại hối và mặt bằng lãi suất không bị bào mòn kéo dài.

Việc áp dụng chính sách đa công cụ, can thiệp ngắn và đủ sâu sẽ là chìa khóa thành công điều hành tỉ giá của Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: PM
Tóm lại, “đa công cụ, can thiệp ngắn nhưng sâu, rút nhanh” là bài học then chốt NHNN cần tiếp tục phát huy. Bên cạnh đó, việc minh bạch hóa thông tin dự trữ, tín hiệu hóa mốc hành động và gắn kết chặt chẽ với chính sách tài khóa sẽ giúp củng cố kỳ vọng thị trường, qua đó bảo đảm mục tiêu kép là ổn định vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng 8% mà Quốc hội đã đề ra cho năm 2025.
Dự báo về tỉ giá với kịch bản thuế nhập khẩu
Trước thời điểm áp thuế, tỉ giá USD/VND bán ra tại các ngân hàng thương mại đã được đẩy lên quanh 26.300 đồng, cao hơn cuối năm ngoái khoảng 3%. Động cơ chủ yếu là doanh nghiệp nhập khẩu tranh thủ mua ngoại tệ trước khi thuế mới đội giá đầu vào; tâm lý găm giữ USD để phòng thủ; cùng lúc NHNN mua lại ngoại tệ để bổ sung dự trữ.
Tuy vậy, kinh nghiệm điều hành năm 2024 cho thấy chỉ cần NHNN “đánh nhanh, rút gọn” bán USD giao ngay/hoán đổi song song hút bớt tiền đồng qua tín phiếu, thì kỳ vọng đầu cơ sẽ nhanh chóng hạ nhiệt.
Kho dự trữ ngoại hối hiện đã phục hồi lên gần 105 tỉ USD (ước tính của quỹ IMF), đủ đệm cho các phiên can thiệp tức thời mà không làm chao đảo thanh khoản tiền đồng.
Nói cách khác, tác động của gói thuế mới chủ yếu mang tính tâm lý và thời điểm. Tỉ giá có thể giật lên 26.350–26.400 VND/USD trong 1-2 tuần đầu nhờ cầu ngoại tệ chạy trước và đầu cơ ngắn hạn, nhưng khó vượt xa mốc này vì cán cân thương mại vẫn thặng dư, FDI giải ngân kỷ lục, kiều hối ổn định; chênh lệch lãi suất tiền đồng và USD sẽ được NHNN co giãn có mục tiêu (tăng nhẹ lãi suất liên ngân hàng khi cần) để giữ chi phí nắm giữ USD ở mức hợp lý; hộp công cụ đa tầng (bán USD có kỳ hạn, tín phiếu, OMO) giúp dập sóng sớm, tránh hao hụt dự trữ.
Do đó, tôi dự báo trong kịch bản cơ sở USD/VND sẽ ổn định dần quanh 26.100 đồng vào quý IV-2025, miễn là quan hệ thương mại Việt-Mỹ không leo thang thêm và Fed bắt đầu nới lỏng theo lộ trình thị trường đang định giá.
Nguồn PLO: https://plo.vn/giai-ma-nhung-bien-dong-ti-gia-usdvnd-post860617.html