Giải mã những giấc mơ lặp lại

Nhiều người trong chúng ta đã trải qua những giấc mơ lặp đi lặp lại, có xu hướng nghiêng về phía tiêu cực.

Giấc mơ lặp lại có thể ám chỉ nỗi sợ thầm kín. Ảnh: Clevel and clinic

Giấc mơ lặp lại có thể ám chỉ nỗi sợ thầm kín. Ảnh: Clevel and clinic

Theo các nhà khoa học, chúng có thể là biểu hiện của những nỗi sợ thầm kín, sự tổn thương tâm lý hoặc báo hiệu một căn bệnh.

Nhà nghiên cứu giấc mơ Deirdre Barrett, giảng viên tâm lý học tại Khoa Tâm thần học của Đại học Harvard (Mỹ), cho biết, những giấc mơ của chúng ta thường không tự lặp lại, nên chỉ cần mơ cùng một giấc mơ 2 lần trở lên thì nó được coi là lặp lại.

Chúng phổ biến hơn ở thời thơ ấu, nhưng có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành. Những giấc mơ lặp lại không phải lúc nào cũng xảy ra gần nhau. Chúng có thể xuất hiện nhiều lần mỗi tháng hoặc cách nhau nhiều năm.

Các chuyên gia cho biết, những giấc mơ lặp lại có thể giống nhau mọi lúc hoặc chúng có thể chỉ lặp lại các loại tình huống hoặc lo lắng giống nhau. Theo Tiến sĩ tâm lý học lâm sàng Nirit Soffer-Dudek, giảng viên cao cấp Khoa Tâm lý học tại Đại học Ben-Gurion ở Israel, thật khó để đánh giá mức độ phổ biến của những giấc mơ lặp đi lặp lại vì nó không phải là điều xảy ra thường xuyên đối với hầu hết mọi người.

Tiến sĩ Alex Dimitriu, một chuyên gia về tâm thần học và thuốc ngủ ở Menlo Park, California, Mỹ, cho biết bất cứ điều gì xảy ra lặp đi lặp lại đều đáng để điều tra. Theo ông, có một thông điệp nào đó có thể đang cố gắng được truyền tải đến bạn.

Có gì trong một giấc mơ lặp lại?

Đối với một số giấc mơ lặp lại, thông điệp rất đơn giản. Nếu bạn liên tục mơ thấy mình đi học hoặc đi làm muộn, có lẽ bạn thường lo lắng về việc chưa chuẩn bị cho những việc đó. Tuy nhiên, những giấc mơ khác, mặc dù phổ biến nhưng có thể không có ý nghĩa phổ quát, nên bạn cần tự vấn bản thân để tìm hiểu thêm.

Theo chuyên gia Deirdre Barrett, một số người có những giấc mơ lo lắng về kỳ thi ngay cả khi họ không còn đến trường trong nhiều năm. Điều này có thể phản ánh nỗi sợ hãi chung đối với sự thất bại hoặc cảm giác bị đánh giá bởi người có thẩm quyền.

Giấc mơ thấy răng bị rụng hoặc hỏng có thể liên quan đến việc bạn mất đi một thứ gì đó khác trong cuộc sống, cảm giác tuyệt vọng hoặc không thể tự vệ, hoặc các vấn đề về sức khỏe.

Tiến sĩ Alex Dimitriu cho rằng, trước một giấc mơ lặp lại, hãy tự hỏi bản thân thông điệp đó có thể là gì, mối quan hệ của bạn với những thứ hoặc những người trong giấc mơ ra sao? Bạn có sợ hãi hay lo lắng về điều gì không? 5 điều hàng đầu trong cuộc sống của bạn có thể kích hoạt giấc mơ hoặc liên quan đến nó là gì?

Nhà nghiên cứu Barrett nói: “Tôi nghĩ rằng nên giải thích một giấc mơ, bạn có thể tự thực hiện hoặc cùng với người thân đáng tin cậy vì họ thấy được những điều đáng ngờ mà bạn không nhận ra”.

“Những người mắc chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn nhiều khả năng có những giấc mơ lặp lại, đặc biệt là những người có bản chất hay lo lắng. Giấc mơ của người mắc chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) bắt nguồn từ một tổn thương nghiêm trọng đến mức nó cứ trở lại dưới dạng ác mộng” - Tiến sĩ Alex Dimitriu cho biết.

Thông thường, theo ông Dimitriu với những sự kiện dang dở trong cuộc sống, bộ não sẽ cố gắng giải quyết để có trạng thái nghỉ ngơi. Tuy nhiên, ở những người bị PTSD, giấc mơ của họ sống động đến mức đánh thức họ khỏi giấc ngủ. Điều đó trở thành vấn đề bởi vì giấc mơ này không bao giờ được xử lý nên nó vẫn tái diễn.

Đôi khi những giấc mơ lặp đi lặp lại cũng có thể báo hiệu các vấn đề khác. Những người bị ngưng thở khi ngủ sẽ có những giấc mơ như chết đuối, ngạt thở, gặp những con sóng khổng lồ, thở hổn hển, ở dưới nước. Ngoài ra, cũng có thể có những yếu tố trong môi trường, như tiếng chuông báo động hoặc vòi nước nhỏ giọt, có thể tạo ra những giấc mơ với hình ảnh về những thứ đó.

Những giấc mơ tiêu cực lặp đi lặp lại có thể gây căng thẳng. Ảnh: CNN

Những giấc mơ tiêu cực lặp đi lặp lại có thể gây căng thẳng. Ảnh: CNN

Đối phó như thế nào?

Khi bạn hiểu rõ hơn về những lo lắng của mình, hãy viết chúng ra trước khi đi ngủ, bạn có thể giảm được những giấc mơ tiêu cực được lặp lại và giảm căng thẳng nói chung. “Đối với bệnh nhân của tôi và bản thân tôi, viết nhật ký là một công cụ mạnh mẽ. Thiền cũng có thể hữu ích” – Tiến sĩ Alex Dimitriu nói.

Liệu pháp diễn tập giấc mơ, còn được gọi là liệu pháp diễn tập hình ảnh, có thể hiệu quả đối với cả những giấc mơ lặp lại và những cơn ác mộng. Cách này liên quan đến việc viết ra chi tiết các yếu tố trong giấc mơ, sau đó viết một kết thúc có hậu cho giấc mơ đó.

Theo ông Soffer-Dudek, những giấc mơ lặp lại cũng có thể xuất phát từ những việc như thiếu ngủ, uống cà phê hay rượu quá muộn và làm việc khuya. Do vậy, cách giải quyết là cải thiện những vấn đề này.

Nếu những giấc mơ lặp đi lặp lại khiến bạn căng thẳng hoặc không vui, gây ra các triệu chứng khác hoặc bắt đầu làm suy giảm khả năng hoạt động thường xuyên của bạn, hãy gặp bác sĩ.

Theo CNN

Cẩm Bình

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giai-ma-nhung-giac-mo-lap-lai-post636592.html