Giải mã sự khác biệt giữa Marketing truyền thống và Digital Marketing

Dù học Marketing truyền thống hay Marketing số, người học đều phải nắm vững các lý thuyết nền tảng về marketing, như quan điểm marketing và quy trình marketing.

Giữa thời đại mà mọi doanh nghiệp đều số hóa để thích nghi và bứt phá, ngành Marketing đang chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ với sự lên ngôi của Digital Marketing. Truyền thống hay số hóa? Đâu là lựa chọn phù hợp cho thế hệ sinh viên tương lai?

Để giúp thí sinh hiểu rõ hơn về sự khác biệt và tiềm năng của hai ngành học này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Trí Dũng – Phụ trách chương trình Digital Marketing, Trường Đại học CMC đã có những chia sẻ cụ thể và sinh động.

Để dễ dàng hình dung về sự khác biệt giữa Marketing truyền thống và Digital Marketing, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Trí Dũng đã ví hai ngành học này như hai đội bóng, mỗi đội đều có chung mục tiêu là chiến thắng. Và nếu nhìn sâu hơn, điểm tương đồng giữa hai lĩnh vực này là họ đều phải đạt được ba mục tiêu quan trọng: ghi bàn (hoặc hoàn thành mục tiêu bán hàng), làm hài lòng khán giả (khách hàng), và xây dựng thương hiệu vững mạnh.

Điểm khác biệt lớn nhất giữa hai hình thức này là ứng dụng công nghệ. "Nhân viên hay cầu thủ vẫn là yếu tố quyết định nhưng kỹ thuật số cho phép họ cải thiện năng lực và chất lượng hoạt động của họ", thầy Dũng chia sẻ.

Trong Digital Marketing, các công cụ kỹ thuật số hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện hiệu quả công việc. Thầy Dũng giải thích: "Giống như việc phân tích hoạt động của cầu thủ qua bản đồ nhiệt trên sân bóng, Digital Marketing giúp doanh nghiệp theo dõi và điều chỉnh hiệu quả làm việc của nhân viên một cách chính xác và kịp thời”. Cũng giống như một huấn luyện viên thường xuyên theo dõi phong độ của cầu thủ để thay đổi chiến thuật, doanh nghiệp sử dụng dữ liệu để đánh giá và cải thiện hiệu suất công việc.

Bên cạnh đó, công nghệ còn giúp doanh nghiệp thu thập thông tin về khách hàng và đối thủ, từ đó đưa ra những chiến lược thay đổi phù hợp để đạt kết quả tối ưu. "Điều này giúp doanh nghiệp nhanh chóng thích nghi và đạt được mục tiêu một cách hiệu quả”, thầy Dũng nhấn mạnh. Ngoài ra, việc sử dụng mạng xã hội, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong Digital Marketing còn giúp tăng cường khả năng truyền thông và chăm sóc khách hàng.

Digital Marketing có thay thế được Marketing truyền thống?

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Trí Dũng – Phụ trách chương trình Digital Marketing tại Trường Đại học CMC

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Trí Dũng – Phụ trách chương trình Digital Marketing tại Trường Đại học CMC

Về mối quan hệ giữa Marketing truyền thống và Digital Marketing, Phó Giáo sư Vũ Trí Dũng nhấn mạnh rằng cả hai lĩnh vực này đều có vai trò quan trọng trong hoạt động của doanh nghiệp, nhưng chúng không loại trừ lẫn nhau mà sẽ luôn hỗ trợ, bổ sung cho nhau.

"Marketing, dù truyền thống hay số, đều đóng vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp và thị trường. Cả hai đều hướng đến mục tiêu chung là tối đa hóa lợi nhuận và thỏa mãn khách hàng," thầy Dũng chia sẻ.

Điểm chung dễ nhận thấy ở cả hai hình thức marketing này là mục tiêu thống nhất, đó là đạt được các mục tiêu marketing và tài chính của doanh nghiệp, đồng thời áp dụng quy trình khoa học, hợp lý để tiếp cận và phục vụ thị trường.

Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất nằm ở kỹ thuật và phương thức tổ chức hoạt động marketing. Trong khi Marketing truyền thống chủ yếu dựa vào các phương tiện truyền thống như báo in, truyền hình, biển quảng cáo, tờ rơi, sự kiện trực tiếp..., thì Digital Marketing tận dụng các nền tảng số, công nghệ, dữ liệu lớn và các công cụ kỹ thuật số để cá nhân hóa trải nghiệm, tối ưu hóa hiệu quả chiến dịch và đo lường kết quả một cách chính xác, theo thời gian thực.

Trong tương lai, Marketing truyền thống và Digital Marketing sẽ tiếp tục song hành và bổ sung cho nhau, tạo thành một chiến lược toàn diện giúp doanh nghiệp đạt được thành công bền vững (ví dụ: quảng cáo TV kết hợp hashtag trên mạng xã hội).

 Workshop về Trải nghiệm khách hàng đặc biệt hữu ích dành cho sinh viên Marketing

Workshop về Trải nghiệm khách hàng đặc biệt hữu ích dành cho sinh viên Marketing

 Sinh viên tham quan trải nghiệm thực tế các công ty, tập đoàn hàng đầu

Sinh viên tham quan trải nghiệm thực tế các công ty, tập đoàn hàng đầu

Về cơ hội việc làm, Phó Giáo sư Vũ Trí Dũng chia sẻ rằng cơ hội nghề nghiệp giữa sinh viên học ngành Marketing truyền thống và Digital Marketing có sự khác biệt, tùy theo nhu cầu của thị trường lao động. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp đều chú trọng đến chuyển đổi số và ứng dụng AI trong hoạt động kinh doanh, do đó nhu cầu nhân lực về marketing số sẽ có xu hướng tăng cao và phát triển nhanh chóng hơn.

Các vị trí công việc phổ biến mà sinh viên sau tốt nghiệp có thể đảm nhận trong ngành marketing bao gồm: tìm kiếm khách hàng qua internet bằng các quảng cáo Google Adwords, Facebook, SEO; phân tích dữ liệu số (data) để hiểu nhu cầu khách hàng và thị trường; tối ưu hóa công cụ tìm kiếm; phân tích và tối ưu từ khóa để nhắm đến đối tượng mục tiêu chính xác; báo cáo hiệu quả các thủ thuật SEO áp dụng cho website và các thông tin liên quan tới công ty.

Ngoài ra, sinh viên còn có thể làm về thiết kế và thực hiện hệ thống hóa thông tin và giao diện website công ty, thực hiện các kế hoạch marketing và quảng bá sản phẩm qua internet, quản lý các kênh tiếp thị, truyền thông qua email và các bản tin điện tử. Các bạn cũng có thể phối hợp với bộ phận bán hàng để phát triển và thực hiện các chiến dịch tiếp thị qua email, thu thập và phân tích số liệu, đồng thời hỗ trợ trong việc tổng hợp và phân tích dữ liệu để đánh giá hiệu quả hoạt động tiếp thị trực tuyến.

Nên chọn Digital Marketing hay Marketing truyền thống?

Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, nhiều thí sinh phân vân giữa hai lựa chọn: theo học Marketing truyền thống hay bước vào thế giới Digital Marketing hiện đại. Phó Giáo sư Vũ Trí Dũng cho rằng, dù chọn hướng đi nào, điều quan trọng là sinh viên phải xây dựng nền tảng vững chắc dựa trên ba trụ cột: nhận thức đúng đắn, kỹ năng thành thạo và kiến thức chuyên môn sâu.

“Dù học Marketing truyền thống hay Marketing số, người học đều phải nắm vững các lý thuyết nền tảng về marketing, như quan điểm marketing và quy trình marketing. Tuy nhiên, đối với chương trình đào tạo Digital Marketing, yêu cầu cao hơn về khả năng sử dụng thành thạo các công cụ kỹ thuật số, như SEO, quảng cáo trực tuyến và phân tích hoạt động. Vì vậy, những bạn có đam mê và khả năng sử dụng công nghệ số, đặc biệt là các công cụ AI, sẽ phù hợp hơn với lựa chọn học marketing số”, thầy Dũng chia sẻ.

 Sinh viên tham gia tổ chức sự kiện Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam do NIC tổ chức

Sinh viên tham gia tổ chức sự kiện Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam do NIC tổ chức

 Sinh viên tham gia sự kiện CMC Career Fair kết nối cơ hội việc làm với doanh nghiệp

Sinh viên tham gia sự kiện CMC Career Fair kết nối cơ hội việc làm với doanh nghiệp

Theo thầy Dũng, trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng, các kỹ năng quan trọng đối với những người làm Marketing và Digital Marketing trong tương lai sẽ bao gồm:

Kỹ năng thiết lập, tổ chức, thực hiện và giám sát các kế hoạch Digital Marketing trong doanh nghiệp.

Các kỹ năng về thiết lập, tổ chức thực hiện và kiểm tra giám sát thực hiện các kế các kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm.

Bên cạnh đó, kỹ năng mềm như làm việc độc lập, kết nối và làm việc nhóm, làm việc trong môi trường áp lực cao, giao tiếp và kết nối với khách hàng, thuyết trình, viết bài đa dạng lĩnh vực, tự học hỏi, sáng tạo, và tập trung vào mục tiêu công việc, xây dựng hình ảnh bản thân cũng rất quan trọng.

Ngoài ra còn có các kỹ năng về quản lý thời gian, ngoại ngữ và tin học, sẽ giúp các bạn sinh viên đáp ứng được yêu cầu công việc trong ngành.

Là một trong những trường đại học số, trực thuộc Tập đoàn công nghệ CMC – một trong những tập đoàn công nghệ lớn tại Việt Nam, Trường Đại học CMC mang đến lợi thế vượt trội trong đào tạo ngành Marketing và Digital Marketing.

Chia sẻ về điểm khác biệt trong chương trình đào tạo, Phó Giáo sư Vũ Trí Dũng cho biết: “Chúng tôi thiết kế chương trình theo hướng tác nghiệp cao, bám sát thực tiễn doanh nghiệp. Giảng viên phần lớn là những người trẻ nhưng đã có kinh nghiệm làm việc thực tế trong lĩnh vực marketing. Đặc biệt, sinh viên có cơ hội ‘nhúng’ ngay vào môi trường doanh nghiệp từ rất sớm và có điều kiện tiếp cận thị trường lao động quốc tế nhờ vào mạng lưới đối tác của Tập đoàn CMC”.

Trong dòng chảy mạnh mẽ của công nghệ và chuyển đổi số, câu hỏi "nên chọn Marketing truyền thống hay Digital Marketing?" không có đáp án tuyệt đối. Mỗi hướng đi đều mở ra cơ hội riêng, tùy thuộc vào năng lực, đam mê và mục tiêu của người học. Giữa truyền thống và hiện đại, điều quan trọng nhất vẫn là tinh thần chủ động, sẵn sàng học hỏi để bắt nhịp với tương lai.

Doãn Nhàn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giai-ma-su-khac-biet-giua-marketing-truyen-thong-va-digital-marketing-post250871.gd