Bài 2: Long Thành – 'Đường băng' để Đồng Nai cất cánh


Với Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành đặt trên địa bàn, huyện Long Thành được xác định sẽ là khu vực đóng vai trò chiến lược trong “kỷ nguyên vươn mình” của Đồng Nai. Trong tương lai, Long Thành trở đô thị sân bay phát triển hàng đầu của khu vực Đông Nam Á.
Trong đó, “siêu” dự án Sân bay Long Thành sẽ đóng vai trò chính, tạo “đường băng” để Đồng Nai “cất cánh” phát triển.


Với Sân bay Long Thành đặt trên địa bàn, Long Thành được đánh giá là một cực phát triển trong tương lại của tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Phạm Tùng
Sân bay Long Thành có quy mô diện tích 5 ngàn hécta được triển khai xây dựng trên địa bàn 5 xã (nay sáp nhập lại là xã Bình Sơn), huyện Long Thành. Khi hoàn thành toàn bộ dự án, Sân bay Long Thành với công suất phục vụ 100 triệu lượt hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm sẽ trở thành sân bay lớn nhất cả nước.
Với vị thế của một sân bay lớn nhất cả nước, Sân bay Long Thành được kỳ vọng sẽ tạo ra một động lực phát triển to lớn cho cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng. Để đưa Sân bay Long Thành trở thành “hạt nhân” trong chiến lược phát triển của tỉnh, Đồng Nai cũng đã bắt tay ngay vào việc “tìm kiếm” mô hình phát triển đô thị sân bay nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của Sân bay Long Thành đối với mục tiêu “vươn mình” trong kỷ nguyên mới.
Quy hoạch tổng thể khu đô thị Sân bay Long Thành và vùng phụ cận có quy mô hơn 57 ngàn hécta, trải rộng trên 3 huyện Long Thành, Thống Nhất và Cẩm Mỹ. Trong đó, khu vực đô thị Sân bay Long Thành chiếm diện tích lớn nhất, hơn 43 ngàn hécta, bao gồm toàn bộ địa giới hành chính huyện Long Thành.
Trong phương án đoạt giải nhất cuộc thi tuyển “Ý tưởng quy hoạch chung đô thị sân bay Long Thành và vùng phụ cận”, liên danh đơn vị tư vấn Viện Kiến trúc Quốc gia - Công ty Nihon Sekkei, Inc (Nhật Bản) - Công ty CP Tư vấn công nghệ, thiết bị và kiểm định xây dựng Coninco (liên danh VIAR-NS-Coninco) đề xuất định hướng phát triển đô thị Sân bay Long Thành theo mô hình đô thị Aerotropolis.

Để đáp ứng mục tiêu đưa sân bay vào hoạt động sớm nhất, các nhà thầu và công nhân đang làm việc không ngừng nghỉ. Ảnh: Đức Anh
Theo liên danh VIAR-NS-Coninco, Aerotropolis là một mô hình phát triển đô thị mang tính chuyển mình, đặt sân bay làm trung tâm phát triển kinh tế. Khác với các hình thức đô thị truyền thống, Aerotropolis tận dụng sự kết nối, logistics và công nghiệp để tạo ra các trung tâm đô thị phát triển mạnh mẽ, mở rộng ra ngoài phạm vi sân bay. “Đi xa hơn mô hình “thành phố sân bay” hạn chế, kế hoạch này áp dụng cách tiếp cận “Aerotropolis” rộng lớn. Khái niệm Aerotropolis mở rộng vai trò của sân bay vượt ra ngoài vận tải, biến nó thành động lực trung tâm của tăng trưởng kinh tế khu vực và phát triển đô thị. Bằng cách xác định Long Thành là một nút quan trọng trong mạng lưới khu vực, kế hoạch tổng thể thiết lập sân bay như một yếu tố thúc đẩy sự phát triển bền vững, sức cạnh tranh toàn cầu và kết nối”- Tiến sĩ, Kiến trúc sư Hoàng Hữu Phê, đại diện liên danh VIAR-NS-Coninco cho hay.
Nguyên Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, kiến trúc sư Khương Văn Mười đánh giá, với một sân bay quốc tế lớn như Sân bay Long Thành sẽ thu hút một lượng du khách quốc tế rất lớn đến đây để kết nối với các địa phương tìm cơ hội đầu tư, làm việc, du lịch. Vì thế, có thể nói đây sẽ là một cực phát triển của Đồng Nai nói riêng và khu vực phía Nam nói chung. “Trên thế giới có nhiều đô thị có sân bay, riêng với Long Thành sẽ hình thành đô thị sau khi có sân bay. Do đó, khi đô thị Sân bay Long Thành với những dự án đầu tư có cấu trúc hoàn chỉnh nhất, hiện đại nhất, ứng dụng công nghệ 4.0, phát triển các loại hình công nghệ cao thì đây sẽ là một cực phát triển trong tương lai có thể thúc đẩy cả khu vực này phát triển”- Kiến trúc sư Khương Văn Mười chia sẻ.


Phối cảnh độ thị Sân bay Long Thành, “hạt nhân” trong hệ sinh thái hàng không gắn với Sân bay Long Thành của tỉnh Đồng Nai. Ảnh: đơn vị tư vấn cung cấp
Bên cạnh định hướng phát triển mô hình đô thị sân bay, với Sân bay Long Thành, Đồng Nai cũng đã lên kế hoạch xây dựng một hệ sinh thái hàng không, mở ra những không gian phát triển mới cho tỉnh.
Theo đó, Đồng Nai đã kiến nghị trung ương cho phép tỉnh thành lập khu thương mại tự do gần Sân bay Long Thành. Theo UBND tỉnh, Sân bay Long Thành đi vào hoạt động, tỉnh được định vị là trung tâm kinh tế hàng không, thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ cao, logistics và các dịch vụ hỗ trợ hàng không. Tích hợp với các tuyến đường cao tốc quan trọng như: Biên Hòa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và kết nối trực tiếp với hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải.

Phối cảnh trung tâm đô thị Sân bay Long Thành. Ảnh: đơn vị tư vấn cung cấp
Việc nghiên cứu xây dựng Đề án Khu thương mại tự do gắn với Sân bay Long Thành và cảng Phước An để phục vụ nhu cầu giao thương quốc tế phù hợp với lợi thế vị trí địa lý chiến lược, lợi thế về ngành nghề, định hướng phát triển của tỉnh và của vùng Đông Nam Bộ.
Trong tháng 2 vừa qua, tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương thực hiện kết luận của Trung ương, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao sáng kiến xây dựng khu thương mại tự do bên cạnh Sân bay Long Thành để “đi trước, đón đầu” cơ hội lớn của tỉnh Đồng Nai.

Hạ tầng giao thông của Long Thành đang được đầu tư mạnh mẽ để kết nối Sân bay Long Thành nhằm lan tỏa động lực phát triển. (Thi công Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua địa bàn huyện Long Thành). Ảnh: Phạm Tùng
Trong mục tiêu tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ số, đổi mới sáng tạo theo Nghị quyết số 57-NQ/TW (ngày 22-12-2024) của Bộ Chính trị, Đồng Nai cũng chọn khu vực Long Thành là “hạt nhân” trong chiến lược phát triển. Cụ thể, đến năm 2030, tỉnh Đồng Nai phát triển công nghiệp công nghệ số bền vững trên địa bàn với hạt nhân là Khu công nghệ thông tin tập trung Long Thành. Từ đây, tỉnh sẽ phát triển, hình thành hệ sinh thái công nghiệp công nghệ số của tỉnh với các công nghệ chiến lược gồm: bán dẫn, trung tâm dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, chuỗi khối..., thu hút được ít nhất một doanh nghiệp công nghệ số lớn hàng đầu thế giới đầu tư và sản xuất. Cùng với đó, phát triển công nghiệp dữ liệu dựa trên nền tảng hạ tầng trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây tại Khu công nghệ thông tin tập trung Long Thành và các khu khác. Thu hút đầu tư FDI và trong nước về dịch vụ lưu trữ, trung chuyển, xử lý dữ liệu xuyên biên giới tại Khu công nghệ thông tin tập trung Long Thành.

Một góc đô thị Long Thành hiện nay. Ảnh: Phạm Tùng
Theo UBND tỉnh, Khu công nghệ thông tin tập trung tại huyện Long Thành được quy hoạch với quy mô diện tích khoảng 100 hécta. Hiện nay, để đẩy nhanh tiến độ dự án, Đồng Nai cũng đã kiến nghị trung ương cho phép tỉnh trình song song hồ sơ thành lập để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mà không chờ cập nhật quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất.

