'Giải mã' thành công trên những vựa cây ăn trái tiền tỷ thẳng cánh cò bay ở Xuyên Mộc

Với lợi thế diện tích đất nông nghiệp lớn bậc nhất ở Bà Rịa – Vũng Tàu, những năm qua, ngành nông nghiệp huyện Xuyên Mộc đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, đưa nông dân vào các chuỗi sản xuất của HTX, doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Vụ Tết 2024 vừa qua, vựa quýt hơn 16 ha của gia đình chị Hạnh (xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc) thuê gần 50 lao động thời vụ để thu hoạch trái. Các thương lái đưa xe tải đến tận vườn mua quýt chở đi các chợ đầu mối, khắp các tỉnh Miền Đông, TP.HCM và ra cả Hà Nội.

Đổi mới tư duy

Thành công hiện tại của gia đình chị Hạnh là kết quả của công cuộc đổi mới trong tư duy sản xuất, từ thủ công, chủ yếu dựa vào sức người, sang ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, đưa máy móc, thiết bị hiện đại vào hỗ trợ.

Điển hình, trong khâu chăm sóc cây trồng, chị Hạnh đầu tư xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm và bón phân tự động giá trị hàng trăm triệu đồng. Việc ứng dụng công nghệ cao không chỉ giúp chị giảm công lao động, tiết kiệm chi phí đầu vào (tiết kiệm nước, phân bón từ 20 - 45%), mà còn góp phần bảo vệ môi trường.

“Nhờ sản xuất khoa học, vườn quýt của gia đình tôi cho giá trị trên dưới 300 triệu đồng/ha/năm, tạo việc làm cho nhiều lao động thời vụ với tiền công 7-8 triệu đồng/người/tháng, lúc cao điểm còn cao hơn”, chị Hạnh phấn khởi nói.

Cây có múi như quýt, cam, bưởi... đang cho hiệu quả cao ở Xuyên Mộc.

Cây có múi như quýt, cam, bưởi... đang cho hiệu quả cao ở Xuyên Mộc.

Cũng là một nông dân “ăn nên làm ra” nhờ trồng quýt và các cây có múi, ông Trương Văn Danh (xã Hòa Hiệp) cho hay việc áp dụng sản xuất tập trung và ứng dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật trong trồng, chăm sóc, tưới nước nên sản phẩm trái cây của gia đình ông có chất lượng đảm bảo, mẫu mã đẹp, vì vậy được nhiều công ty, đơn vị thu mua với giá ổn định, lợi nhuận bình quân đạt gần 1 tỷ đồng/ha/năm.

Hiện, gia đình ông Danh đang triển khai gần 50 ha trồng quýt, cam và bưởi, trong đó trên dưới 30 ha đang cho thu hoạch. “Mình làm từng đợt, bán kéo dài không bị đụng hàng, công nhân làm có việc liên tục. Kỹ thuật ở đây móc mương móc rãnh, móc nước cho thoát nước dễ dàng, không bị ứ đọng đó là điều kiện tiên quyết”, ông Danh chia sẻ.

Những kết quả từ thực tế cho thấy, người nông dân trên địa bàn huyện Xuyên Mộc đang ngày càng tiếp cận và ứng dụng công nghệ vào sản xuất nhiều hơn. Các mô hình trồng rau trong nhà lưới, tưới nước tiết kiệm theo công nghệ của Israel, chăn nuôi trong phòng lạnh… đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, giúp giảm chi phí, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

Tăng cường liên kết

Đáng chú ý, quá trình chuyển đổi nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa, nâng cao giá trị gia tăng ở Xuyên Mộc đang có sự hiện diện và ghi dấu đậm nét của các HTX, tổ hợp tác.

Đơn cử, trước đây, các hộ trồng nhãn ở xã Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc) thường bị thương lái ép giá hoặc phải mua phân bón, vật tư chăm sóc cây trồng với giá cao, dẫn đến thu nhập kém ổn định. Từ khi HTX dịch vụ Nhân Tâm (xã Hòa Hiệp) được thành lập, những bất cập trên đã dần được tháo gỡ.

Ông Phạm Thế Hoành, Giám đốc HTX, cho biết đến nay HTX có 13,9ha trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng đạt khoảng 45 tấn/năm. Sản phẩm nhãn của HTX đã có chỗ đứng ổn định trong các hệ thống siêu thị cả nước.

Nhờ hoạt động hiệu quả cao, HTX đã mang lại thu nhập bình quân khoảng 250 triệu/ha/năm, doanh thu HTX thu về bình quân khoảng 1,3 -1,6 tỷ đồng/năm. Theo ông Hoành, HTX hiện nay vẫn không ngừng hoàn thiện mẫu mã, bao bì và chất lượng sản phẩm để hướng tới những thị trường khó tính hơn.

Năm 2023 vùng trồng của HTX cũng đã đáp ứng yêu cầu nhập khẩu của Nhật Bản và được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng nhãn xuất khẩu thị trường Nhật Bản với trung bình 12 tấn nhãn tươi/tháng.

Việc được cấp mã số vùng trồng giúp HTX này nâng cao khả năng cạnh tranh, hình thành các chuỗi giá trị bền vững hướng đến xuất khẩu.

Các HTX đang đóng vai trò tích cực trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại ở Xuyên Mộc.

Các HTX đang đóng vai trò tích cực trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại ở Xuyên Mộc.

Tính đến nay, toàn huyện Xuyên Mộc có trên 10 HTX nông nghiệp hoạt động trong các ngành nghề trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ nông nghiệp… với hàng trăm thành viên và hàng nghìn người người lao động tham gia.

Được thành lập hơn 10 năm, HTX nông nghiệp dịch vụ Gò Cát (xã Phước Thuận) đã trở thành chỗ dựa tin cậy cho nhiều nông dân. Cách đây vài năm, một số nông dân trồng lúa của địa phương lâm vào cảnh khó khăn, do thiếu vốn và thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật, nên năng suất, chất lượng lúa kém, giá bán không cao.

Trong bối cảnh đó, ban giám đốc HTX nông nghiệp dịch vụ Gò Cát chủ động, sáng tạo tìm các giải pháp hỗ trợ như tín chấp cho thành viên được mua phân bón trả chậm, đồng thời hợp đồng làm các dịch vụ như làm đất, gặt đập, vận chuyển nông sản...

Ngoài ra, HTX còn chủ động phối hợp với doanh nghiệp, hướng dẫn thành viên sản xuất mô hình lúa sạch với quy trình sản xuất sử dụng phân bón vi sinh, hữu cơ bảo đảm an toàn sức khỏe cho mọi người.

Đến nay, mô hình của HTX đang mang lại hiệu quả thiết thực như giúp tăng năng suất, sản lượng khoảng 30% so với trước đây. Đời sống thành viên ngày càng nâng lên.

Phát triển bền vững

Lãnh đạo UBND huyện Xuyên Mộc cho hay trước khi du lịch phát triển, Xuyên Mộc là vùng đất thuần nông. Sau khi có Nghị quyết 09 của tỉnh, quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của huyện như trồng cao su, hồ tiêu, cây ăn trái… bước đầu xây dựng được uy tín thương hiệu.

Thời gian qua, Xuyên Mộc đã quy hoạch ứng dụng công nghệ cao từ các vùng, cụm để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, bước đầu đã có những mô hình, HTX bao tiêu đầu ra. Ngoài ra, ở Xuyên Mộc có nhiều mô hình ứng dụng VietGAP, LifeGAP… như nhãn xuồng cơm vàng Nhân Tâm, sản phẩm tiêu Bàu Mây, nước cốt nhàu…

Điển hình như HTX Nông nghiệp - Thương mại - Du lịch Bầu Mây ở xã Hòa Hiệp canh tác gần 100ha tiêu, với các sản phẩm: Tiêu đen, tiêu đỏ, tiêu sọ, tiêu giống, tiêu ngũ sắc, tiêu lốp, tiêu đông lạnh…Ngoài thị trường trong nước, tiêu Bầu Mây được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Hoặc như HTX Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Xuyên Mộc ở ấp Nhân Hòa, xã Xuyên Mộc, tuy mới thành lập hồi tháng 12/2022 nhưng được đánh giá là có nhiều triển vọng.

HTX này kinh doanh chủ yếu là trồng cây công nghiệp (nhãn, bơ,..), trồng cây hàng năm (chanh dây, chuối, rau, củ quả,…), dịch vụ tiêu thụ nông sản cho thành viên, ngoài ra các thành viên còn chăn nuôi thêm heo, gà thả vườn, trồng cây ăn trái để tận dụng diện tích quanh ao, dịch vụ du lịch sinh thái.

Với những thành công đang có, huyện Xuyên Mộc đặt mục tiêu đến năm 2025 nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, xây dựng thành công 3-5 vùng nông nghiệp công nghệ cao.

Để đạt mục tiêu, huyện sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả các mô hình ứng dụng công nghệ cao, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, mang lại nhiều lợi ích cho các HTX, doanh nghiệp và người nông dân.

Lệ Chi

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//khoa-hoc-cong-nghe/giai-ma-thanh-cong-tren-nhung-vua-cay-an-trai-tien-ty-thang-canh-co-bay-o-xuyen-moc-1098901.html