Trong văn hóa dân gian Việt Nam, con hổ được nhắc đếp bằng nhiều cái tên, trong đó tên gọi “ Ông Ba Mươi” khiến nhiều người tò mò. Đến nay, nhiều thuyết đã được đưa ra để giải thích tên gọi này.
Thuyết được nhiều người biết đến nhất dựa theo những gì được ghi trong sách Lĩnh Nam Chích Quái, có từ thời Trần. Theo cuốn sách này, người Việt thời Văn Lang có tục làm lễ tế hổ vào 30 Tết.
Lĩnh Nam chích quái chép: “Dân phải lập đền thờ, hàng năm đến ngày 30 tháng Chạp, theo lệ phải mang người sống đến nộp, mới được yên ổn. Dân thường gọi là Xương Cuồng”. Xương Cuồng chính là thần Hổ theo tín ngưỡng người Việt xưa.
Theo một cách lý giải khác, vào thì đêm 30 Tết, dân đồng rừng, ven núi ở Việt Nam xưa tục đốt pháo, khua phèng la, chũm chọe, vung đồng để đuổi hổ về rừng với hi vọng đón một năm mới không có bóng dáng con vật này. Tựu chung, cả hai cách lý giải đã đề cập đều liên quan đến 30 Tết.
Một thuyết khác về tên gọi Ông Ba Mươi liên quan đến một giai thoại lịch sử được lưu truyền vào thời nhà Nguyễn. Theo đó, chúa Nguyễn Ánh khi bị quân Tây Sơn truy đuổi phải trốn trong rừng, hết cả lương thực, tình thế nguy khốn. May mắn là có thịt thú rừng do hổ tha tới tiếp tế.
Sau này trở thành vua Gia Long, ông đã cho lập miếu thờ tại vùng Mô Xoài thuộc tỉnh Bà Rịa để tạ ơn và ban lệnh cấm giết hổ. Nếu ai lỡ tay giết hổ bị phạt 30 trượng, vì tội làm hại đến ân nhân của vua.
Cũng có lời kể rằng vua còn ra quy định ai bắt sống được hổ thì thưởng 30 quan tiền. 30 quan tiền là một số tiền rất lớn vào thời đó. Đây là sự tưởng thưởng xứng đáng, vì bắt sống hổ khó hơn nhiều so với việc giết hổ...
Mời quý độc giả xem video: Mâm cỗ Tết cổ truyền của người Hà Nội xưa. Nguồn: Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội.
T.B (tổng hợp)