Giải mã trận hải chiến đánh chìm 500 thuyền giặc phương Bắc
Ngoài ý nghĩa chiến thắng một trận hải chiến thì trận thắng này còn là trận đánh bản lề xoay chuyển cục diện cuộc chiến tranh Nguyên – Việt lần thứ ba.
Trong lịch sử cổ và trung đại Việt Nam, cha ông ta đã từng nhiều lần đánh thắng giặc bằng thủy chiến nhưng phần nhiều là ở trên sông hoặc cửa biển. Duy có trận đánh vào đoàn thuyền tải lương của quân Nguyên năm 1288 là diễn ra trên vùng biển. Điều đáng nói, ngoài ý nghĩa chiến thắng một trận hải chiến thì trận thắng này còn là trận đánh bản lề xoay chuyển cục diện cuộc chiến tranh Nguyên – Việt lần thứ ba.
Bởi lẽ sau hai lần xâm lược Đại Việt thất bại, nhà Nguyên lại huy động lực lượng sang tiến đánh. Rút kinh nghiệm người Việt dùng kế “vườn không nhà trống” trong những lần trước, lần này nhà Nguyên chuẩn bị chu đáo, làm một đoàn thuyền 500 chiếc để chở 17 vạn thạch lương sang nuôi quân chứ không trông chờ vào thủ đoạn cướp bóc dọc được theo kiểu “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” như trước. Cũng chính vì thế, đoàn thuyền chở lương thực này có ý nghĩa vô cùng quan trọng với sức chiến đấu và tinh thần quân Nguyên.
Theo ghi chép của các sách sử cũ như "Việt sử tiêu án" hay "Khâm định Việt sử thông giám cương mục", năm 1287 Nhà Nguyên lại sai Thoát Hoan làm chỉ huy dẫn gần 10 vạn quân sang đánh nước ta. Trong đó 7 vạn quân lấy từ 3 tỉnh là Giang Hoài, Hồ Quảng, Giang Tây; 6000 người lấy từ tỉnh Vân Nam, 1 vạn 5000 người bộ tộc Lê ở 4 châu ngoài biển (các đảo thuộc tỉnh Quảng Đông ngày nay). Ngoài ra còn có 500 chiếc thuyền chở 17 vạn thạch lương (có sách chép là 70 vạn thạch nhưng hai tài liệu đã dẫn đều thống nhất ghi là 17 vạn) do Trương Văn Hổ đốc suất để tiếp tế cho quân của chúng chiến đấu.
Cuối năm 1287, quân Nguyên chia 3 đường sang xâm lược nước ta. Thoát Hoan sai Trình Bằng Phi kéo quân đánh Vạn Kiếp, hợp với quân Ô Mã Nhi thuận theo dòng sông xuống phía Đông, đến thẳng Thăng Long, quan quân triều đình đánh không lợi bèn rút về phía Nam. Sang tháng 4/1288, Ô Mã Nhi đưa thủy quân ra cửa biển Đại Bàng ở vùng biển đông bắc nước ta đón thuyền lương của Văn Hổ nhưng không gặp. Thủy quân của Ô Mã Nhi và thủy quân của Trần Khánh Dư đã giao chiến trên vùng biển đó nhưng Khánh Dư bị thua phải rút.
Vua Trần được tin Khánh Dư thua bèn sai trung sứ đến hỏi tội. Đến nơi Khánh Dư nói: “Xin chịu nhận quân kỷ nhưng xin rộng cho 3 ngày để lo đánh lại”. Khánh Dư đoán thủy quân của giặc qua rồi, thuyền lương tất phải theo sau, liền thu thập tàn binh chờ ở đó. Không lâu sau quả nhiên thuyền lương của Văn Hổ kéo đến.
Khánh Dư thúc quân ra đánh đoàn quân chở lương thực. "Khâm định Việt sử" khi thuật lại trận đánh có nói thêm là “Khi đến biển Lục Thủy, thuyền của quân Nguyên bị mắc cạn, sa lầy, không chở đi được, lương thực bị chìm cả xuống biển”. Không rõ việc ở Lục Thủy có nằm trong không gian và thời gian diễn ra trận hải chiến hay không nhưng câu viết thêm này cho biết đoàn thuyền lương đã hoàn toàn bị tiêu diệt, không đến được tay quân Nguyên một thạch nào.
Ngoài ra, kết quả của trận hải chiến là Trần Khánh Dư còn bắt được rất nhiều khí giới, binh sỹ hộ tống lương thực và quân nhu của địch. Duy có viên chỉ huy Trương Văn Hổ thì thoát được về nước.
Phải nói thêm là các bộ chính sử của nước ta khi chép các trận đánh thường chỉ viết đại khái nên đến nay ta không được biết tỉ mỉ diễn biến trận hải chiến ở vùng biển đông bắc năm 1288. Nhưng gần đây, trên báo VTC có đăng bài viết “Chuyện chưa biết về trận hải chiến với giặc phương bắc trên vịnh Bắc Bộ” của tác giả Phạm Dương. Trong bài viết này, tác giả dựa vào truyền thuyết của nhân dân địa phương vùng đảo Quan Lạn tỉnh Quảng Ninh, cho biết rằng tướng Trần Khánh Dư ở Vân Đồn đã gặp 3 người anh em họ Phạm đến đầu quân và hiến kế. Bằng kinh nghiệm đi biển của mình, họ đã hiến kế cho Khánh Dư đem thuyền ẩn vào trong sương mờ dày đặc trên biển. Khi đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ tới nơi, những chiến thuyền của ta thoắt ẩn thoắt hiện trong sương mù đã chia cắt đội hình và đánh cho chúng tan tác.
Chiến thắng trong trận hải chiến ở Vân Đồn có thể nói là một trận đánh có tính chất xoay chuyển cục diện chiến tranh và các vua Trần đã không bỏ lỡ cơ hội để khuếch trương chiến thắng đó lên. Khi Khánh Dư thắng trận rồi bèn cho người về báo tin. Vua Trần bèn tha cho tội thua trận lần trước và nói: “quân giặc chỉ trông chờ vào lương thực, nay bị ta bắt mất, không thể nào ở lâu được”.
Do thế nhà vua quyết định thả bọn tù binh vận chuyển lương đó về bên quân Nguyên để chúng báo tin đã mất lương thực cho quân Nguyên. Cả đội quân gần 10 vạn người chỉ trông vào 17 vạn thạch lương đó để duy trì chiến đấu lâu dài nếu chẳng may không thể đánh nhanh thắng nhanh. Ấy vậy mà giờ đây lương thực đã mất sạch. Tin tức đó dù tướng soái giặc có muốn giấu cũng không được. Một khi đã lan ra, nó sẽ khiến cho lòng quân rối loạn, mất nhuệ khí chiến đấu. Do đó, chẳng bao lâu sau, quân Trần đã giành được thế chủ động để mở những trận đánh phản công quét sạch quân Nguyên ra khỏi bờ cõi nước ta.