Giải pháp cho 'cây xóa nghèo' xứ Thanh
Từ lâu, tre luồng được xác định là cây 'xóa đói, giảm nghèo' cho đồng bào các huyện miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa. Với diện tích hơn 78.000 ha, Thanh Hóa là địa phương có diện tích tre luồng lớn nhất, chiếm tới 50% diện tích luồng cả nước. Tuy nhiên, câu chuyện 'thoát nghèo' nhờ vào tre luồng lâu nay vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả bền vững, vẫn loay hoay câu chuyện giá thấp, đầu ra không ổn định…
Nghèo giữa vùng giàu tre luồng
Các huyện Bá Thước, Lang Chánh, Quan Sơn, Quan Hóa… nằm ở phía Tây tỉnh Thanh Hóa, với lợi thế là vùng đất rộng lớn và màu mỡ với thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp cho phát triển các cây họ tre như: Giang, luồng, vầu, nứa (gọi chung là "tre luồng"). Ở đây, từ trong vườn ra đến ngoài suối nhìn vào đâu cũng một màu xanh bạt ngàn của tre luồng, người dân bản địa cũng gần như gắn bó cả đời với việc trồng, chăm sóc, thu hoạch tre luồng…
Theo thống kê, toàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 78.000 ha rừng tre luồng. Các sản phẩm từ tre luồng Thanh Hóa thích hợp làm vật liệu xây dựng, ván ép, đồ thủ công mỹ nghệ, sản phẩm dân dụng, tăm mành, đũa... Phế phẩm các sản phẩm này còn được tận dụng sản xuất giấy, vàng mã, đốt than hoạt tính, chiết xuất làm thuốc chữa bệnh... Từ lâu, ngành nông nghiệp và nhiều huyện miền núi của Thanh Hóa vẫn "mặc định" tre luồng chính là cây "xóa đói, giảm nghèo". Thế nhưng, bao năm trôi qua, những người gắn bó với tre luồng vẫn chưa thể thoát nghèo. Nguyên nhân thì có nhiều, song chủ yếu vẫn là giá thành tre luồng quá thấp, việc khai thác bất chấp quy định, sản phẩm không có đầu ra ổn định…
Huyện miền núi Quan Hóa hiện có gần 28.000 ha tre luồng, chưa kể khoảng 7.000 ha luồng và tre - nứa - vầu hỗn giao thuộc đất của Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu và Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông quản lý. Đây chính là địa phương có diện tích luồng lớn nhất tỉnh Thanh Hóa với hơn 40% diện tích, tương đương khoảng 20% diện tích luồng cả nước. Cây tre luồng ở Quan Hóa phủ khắp nơi, từ thị trấn Hồi Xuân đến những xã vùng sâu cách trung tâm huyện hơn 50 cây số như Hiền Kiệt, Trung Thành, Trung Sơn, Thành Sơn… Tuy vậy, đời sống kinh tế người dân gắn với cây tre luồng ở Quan Hóa vẫn đang hết sức chật vật, khó khăn.
Toàn huyện Lang Chánh có 12.900 ha luồng, diện tích luồng được trồng tại hầu khắp các xã trong huyện nhưng phân bố nhiều tại các xã: Giao An, Giao Thiện, Đồng Lương, Tân Phúc, Tam Văn… Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện đã tổ chức thâm canh được 5.000 ha; phục tráng được 1.750 ha rừng luồng, trồng mới lại được khoảng 200 ha (trồng xen); việc tổ chức thâm canh, phục tráng rừng luồng trong thời gian vừa qua đã góp phần nâng cao chất lượng rừng trồng, hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững. Tuy nhiên, giá trị canh tác trung bình của tre luồng cũng chỉ đạt khoảng 20 triệu đồng/ha/năm.
Nâng tầm giá trị tre luồng
Bình quân mỗi năm, người dân ở các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa cung cấp ra thị trường 60 triệu cây tre luồng (tương đương 1,6 triệu tấn) và 80.000 tấn nguyên liệu đã sơ chế, phục vụ chế biến và xuất khẩu. Sản phẩm chế biến từ luồng tương đối đa dạng, từ bột giấy, tăm, đũa, ván ép, đồ thủ công mỹ nghệ, đồ gia dụng, vật liệu xây dựng... Thế nhưng, giá trị tre luồng vẫn bèo bọt với thu nhập bình quân hàng năm chỉ đạt trên dưới 10 triệu đồng/ha. Một số sản phẩm như tăm hương, nguyên liệu giấy... không cần yêu cầu cao về chất lượng nên thương lái thu mua cả cây non, không quan tâm đến hậu quả của việc khai thác quá mức. Còn người dân nghèo, vì cần tiền nên mới quan tâm đến lợi ích trước mắt. Từ sự dễ dãi của kẻ mua người bán dẫn đến các rừng tre luồng bị khai thác quá mức, giá trị thấp.
Thực tế trên cho thấy, nếu sản phẩm tre luồng vẫn khai thác, mua bán, trao đổi theo phương thức cũ (làm vật liệu xây dựng, vàng mã, băm dăm…) thì không thể nâng cao giá trị, không ổn định đầu ra… và chắc chắn rằng cái nghèo giữa rừng giàu vẫn luẩn quẩn như vốn có. Tre luồng phải thay đổi giá trị, biến thành các sản phẩm làm vật liệu cho đồ thủ công mỹ nghệ, than hoạt tính, ván ép… không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà còn vươn ra ngoài nước.
Theo Sở Công Thương Thanh Hóa, đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được 57 doanh nghiệp, cơ sở chế biến tre luồng. Nhưng mới chỉ có 7 cơ sở chế biến sâu, sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, than hoạt tính, viên nén, tre luồng ép khối...
Mỗi năm, các cơ sở chế biến sâu này đã tiêu thụ khoảng 27 triệu cây, 36 nghìn tấn nguyên liệu khác, chiếm 45% sản lượng tre luồng toàn tỉnh. Còn lại 55% sản lượng tre luồng được tiêu thụ qua 50 cơ sở chế biến nhỏ lẻ trong tỉnh, sản xuất sản phẩm thô (tăm, đũa, vàng mã...) và bán ra ngoài tỉnh. Gần đây, huyện Lang Chánh đã thu hút được nhà máy ứng dụng công nghệ cao sản xuất sản phẩm tre luồng tại Cụm Công nghiệp Bãi Bùi (thị trấn Lang Chánh), do Công ty CP Bamboo King Vina đầu tư xây dựng.
Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Quốc Dũng - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Bamboo King Vina, cho biết: Dự án có tổng mức đầu tư từ 600 tỷ hiện đã nâng lên hơn 800 tỷ, trên diện tích 15 ha. Khi hoàn thành đi vào sử dụng, nhà máy có công suất chế biến 1.500 tấn nguyên liệu/ngày, giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 2.500 công nhân, người lao động tại huyện Lang Chánh và khu vực lân cận.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/giai-phap-cho-cay-xoa-ngheo-xu-thanh-i714457/