Giải pháp để cà-phê Việt rộng đường vào thị trường châu Âu
Từ cuối năm 2024, cà-phê Việt cần được truy xuất nguồn gốc, tránh rủi ro gây mất rừng khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Thách thức trên đã mở ra cơ hội, thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển theo hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững và tăng trưởng xanh.
Hội nghị “Sản xuất và cung ứng cà-phê không gây mất rừng theo quy định của Liên minh châu Âu” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì vào cuối tháng 6 vừa qua đã thảo luận về Quy định chống phá rừng châu Âu, đưa ra kế hoạch hành động cấp quốc gia cho ngành cà-phê nước ta.
Đương đầu với nhiều rào cản
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết: “Quy định chống phá rừng châu Âu dự kiến có hiệu lực từ tháng 12/2024 sẽ tác động trực tiếp đến các tác nhân trong các chuỗi cung ứng ngành hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ, cao-su và cà-phê. Các chuỗi cung ứng ngành hàng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt trong các vấn đề về dữ liệu định vị, truy xuất nguồn gốc, hệ thống giám sát, phản hồi chống phá rừng”.
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 1,78 triệu tấn cà-phê với tổng kim ngạch đạt trên 4,06 tỷ USD - mức cao nhất trong suốt một thập kỷ trở lại đây.
Liên minh châu Âu (EU) là thị trường tiêu thụ cà-phê xuất khẩu lớn nhất của nước ta, với khoảng 39% thị phần. Cụ thể, đã có 689.049 tấn cà-phê trị giá gần 1,5 tỷ USD được xuất khẩu sang EU. Con số này tăng 25,8% về lượng và tăng 45,4% về trị giá so năm 2021.
Tuy nhiên, cùng với việc siết chặt dư lượng thuốc trừ sâu đối với các loại hạt, bao gồm cả cà-phê ở mức 0,1 mg/kg, Quy định chống phá rừng châu Âu sẽ gây ra nhiều khó khăn đáng kể cho nông dân và doanh nghiệp nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung, đặc biệt trong việc tuân thủ tiêu chuẩn bền vững và duy trì quyền tiếp cận thị trường.
Điều này đòi hỏi công tác điều chỉnh các phương thức sản xuất mới sao cho đáp ứng được các tiêu chuẩn phù hợp hoạt động xuất khẩu.
Quy định chống phá rừng châu Âu dự kiến có hiệu lực từ tháng 12/2024 sẽ tác động trực tiếp đến các tác nhân trong các chuỗi cung ứng ngành hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ, cao-su và cà-phê.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan
Tổng Vụ trưởng Vụ Môi trường Ủy ban châu Âu Florika Fink-Hooijer chia sẻ, EU nhận thấy vai trò quan trọng của mình trong vấn đề này. Trong quá trình triển khai, các nghĩa vụ thẩm định và yêu cầu về truy xuất nguồn gốc sẽ được áp dụng nghiêm ngặt, không phân biệt cho tất cả các sản phẩm liên quan.
Những năm qua, các chính sách tiên phong của EU như: Green Deal, From Farm to Fork, Kinh tế tuần hoàn… đã tạo nhiều cảm hứng, cung cấp nguồn tham khảo quan trọng trong việc xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững và chiến lược các tiểu ngành cho nước ta.
“EU cam kết hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển bền vững. Thông qua việc kết hợp sức mạnh của cả hai bên, EU và Việt Nam cùng hướng đến mục tiêu giải quyết các thách thức về môi trường một cách hiệu quả, đóng góp vào sự thịnh vượng của nhân dân, cũng như bảo tồn những di sản tự nhiên độc đáo của đất nước Việt Nam”, bà Florika Fink-Hooijer nhấn mạnh.
Có thể thấy, sự chung tay phối hợp giữa chính quyền với khu vực tư nhân, các tổ chức trong và ngoài nước là vô cùng cần thiết để nắm bắt đầy đủ các thông tin, sẵn sàng trong việc chuẩn bị để đáp ứng các quy định mới của EU. Đồng thời, duy trì dòng chảy thương mại nông sản bền vững và bảo đảm sinh kế cho nông dân.
Cần đối sách thích hợp
Báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho thấy, 90% hoạt động phá rừng là do mở rộng diện tích phục vụ sản xuất nông nghiệp và liên quan đến một số chuỗi nông sản chính. Sản lượng tiêu thụ lớn các sản phẩm có nguồn gốc từ rừng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc suy thoái rừng mỗi năm.
Suy xét về trách nhiệm của các quốc gia với môi trường và trách nhiệm của từng cá nhân, doanh nghiệp đối với hệ sinh thái thì việc thay đổi lối sản xuất và cung ứng theo chiều hướng phát triển bền vững là tất yếu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem việc tuân thủ Quy định chống phá rừng châu Âu không chỉ để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu cho các mặt hàng chủ lực. Thách thức này cũng là cơ hội để đẩy nhanh việc thực hiện chiến lược phát triển ngành nông nghiệp theo định hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững và tăng trưởng xanh.
Bà Trần Quỳnh Chi, Giám đốc Vùng Cảnh quan châu Á, Tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững (IDH) cũng khẳng định: “Sự ra đời của quy định này sẽ là cú hích quan trọng, tạo bước chuyển căn bản cho toàn bộ ngành hàng theo hướng bền vững, đáp ứng yêu cầu đa dạng của thị trường và nhà mua. Đó là không phá rừng, phát thải thấp và giữ sinh kế nông hộ”.
Tổ chức IDH đã đề xuất 4 giải pháp trọng yếu để quy trình sản xuất và cung ứng cà-phê không gây mất rừng theo quy định của Liên minh châu Âu: Sử dụng phương pháp đối sánh quốc gia để đánh giá từng tỷ lệ liên quan đến phá rừng; Xây dựng dữ liệu quốc gia bao gồm dữ liệu rừng và dữ liệu vườn trồng được xác định thực địa và kiểm tra định kỳ; Truy xuất nguồn gốc theo vùng/nhóm; Tiếp cận cảnh quan để tạo tác động thực tế.
Trong số các phương pháp trên, hoạt động xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu để truy xuất nguồn gốc được xem là giải pháp căn cơ, có thể làm thay đổi kết cấu toàn bộ ngành hàng. Phương pháp này giúp xác định cụ thể những khó khăn và hạn chế của việc sản xuất để tăng cường hỗ trợ ở tương lai dài hạn. Đồng thời, các giải pháp cũng được phát triển dựa trên cơ sở khoa học, có dẫn chứng số liệu cụ thể và thực hiện qua cơ chế minh bạch.
Bên cạnh đó, quá trình triển khai cần sự phối hợp từ các cấp chính quyền, các công ty thu mua cho đến từng hộ dân để tạo thành chuỗi sản xuất và cung ứng hiệu quả. Yêu cầu của người thu mua trực tiếp sẽ tạo ra động lực buộc nông dân phải thay đổi trong sản xuất.
Phản hồi các giải pháp được đề xuất tại hội nghị, Tổng Vụ trưởng Vụ Môi trường Ủy ban châu Âu Florika Fink-Hooijer nhận xét: “Các đề xuất trên đang đi đúng hướng với tình hình thực tế ở Việt Nam và tiêu chuẩn của EU. Những doanh nghiệp cần thẩm tra xác minh, cung cấp thông tin chính xác cho đối tác và chú trọng công tác tuyên truyền cho nông dân để đạt hiệu quả tốt nhất”.