Giải pháp đưa Đông Nam Bộ xứng đáng với vai trò đặc biệt quan trọng của vùng
Vấn đề quan trọng của khu vực Đông Nam Bộ hiện nay cần làm là xây dựng hạ tầng kinh tế.
Ngày 31-7, tại TP.HCM đã diễn ra hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đông Nam Bộ, sự kiện do Bộ Công thương tổ chức.
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các cơ quan của các địa phương trong vùng tập trung bàn thảo về một số vấn đề quan trọng của vùng Đông Nam Bộ. Cụ thể như phát triển dịch vụ logistics gắn với tăng cường liên kết vùng, xây dựng thương hiệu hàng hóa chất lượng cao, phát triển thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm chủ lực…
Cần đầu tư trung tâm logictics mang tính quốc gia tại Đông Nam Bộ
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm (LTTP) TP.HCM nhận xét, hiện nay, cơ sở hạ tầng logistics, nhất là hệ thống kho lạnh, kho bảo quản tại khu vực Đông Nam Bộ vẫn còn nhiều hạn chế. Điều này ảnh hưởng đến khả năng vận chuyển và lưu trữ hàng hóa đối với ngành LTTP nói riêng và các ngành sản xuất chế biến nói chung.
Việc nâng cấp hệ thống giao thông và kho bãi là rất cần thiết để hỗ trợ vận chuyển hàng hóa nhanh chóng và hiệu quả hơn. Qua đó, không chỉ giúp giảm chi phí, thời gian vận chuyển mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN trong khu vực.
Trong khi hiện nay, Chính phủ và các địa phương, kể cả TP.HCM chưa có các cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư phù hợp mang tính quốc sách cho lĩnh vực này.
Theo bà Chi, lĩnh vực logistics tự thân DN đầu tư rất khó. "Chúng tôi đề xuất thành phố hỗ trợ thì TP.HCM đưa vào Đề án phát triển kho lạnh. Trong chính sách vùng chúng tôi cần các địa phương có các kho lạnh, bảo quản đồng bộ, nếu không sẽ khó khăn".
Hội LTTP đề nghị Hội đồng điều phối Vùng Đông Nam Bộ tham mưu, đề xuất Chính phủ nên có cơ chế chính sách hỗ trợ chung đối với DN đầu tư vào lĩnh vực trên tại vùng Đông Nam Bộ. Trong đó cần hỗ trợ về mặt bằng đất đai, hỗ trợ về vốn vay dài hạn, lãi suất và thuế ưu đãi, …cũng như hỗ trợ tăng tính kết nối, triển khai liên vùng.
Về cơ chế phát triển vùng nguyên liệu. Hiện nay TP.HCM đang tích cực triển khai chương trình liên kết vùng, xây dựng vùng nguyên liệu nhưng vẫn chưa đáp ứng được hết các nhu cầu của DN.
Theo bà Chi, hiện nay TP. HCM có các chương trình kích cầu đầu tư tuy nhiên, nếu dự án đầu tư của DN không nằm trong địa bàn thành phố sẽ không được hưởng chính sách này. Đây cũng là trở ngại cho DN.
Bà Chi dẫn chứng, vùng nguyên liệu của DN LTTP TP.HCM nằm ở vùng Đông Nam Bộ, DN muốn thu mua hàng hóa giá tốt, giảm chi phí giá thành, DN phải xây dựng kho bãi ở những vùng liên kết này. Tuy nhiên, DN sẽ không được hưởng chính sách kích cầu của TP.HCM.
"Do đó chúng tôi đề xuất Hội đồng nghiên cứu có cơ chế phù hợp để TP. HCM hỗ trợ để các DN tại thành phố mở rộng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu ở các tỉnh thành.
Việc đầu tư hệ thống kho lạnh, hạ tầng logistics mang tính bền vững, dòng vốn thu hồi vốn chậm. Thế nên nếu không có chính sách hỗ trợ, việc đầu tư không hiệu quả, DN không mạnh dạn đầu tư”, bà Chi nói.
Cần có những trung tâm logistics tại nước ngoài
Đồng quan điểm trên, bà Đặng Thị Minh Phương, Chủ tịch Hiệp hội Logistics TP.HCM chia sẻ: “Chúng ta thiếu hệ thống hạ tầng logistics, kho lạnh, kho bãi. Trong khi chi phí đầu tư khá cao nhưng lợi nhuận thấp, DN không có lời nên việc đầu tư chưa quy mô bài bản. Do đó, vùng Đông Nam Bộ cần có các trung tâm logistics được đầu tư bài bản bởi Chính phủ do giá đất đai hiện nay tăng cao".
Theo bà Phương, chi phí logistics của một số nước 10%-12%, trong khi Việt Nam rất cao 18% nhưng thực tế có thể là 20%/GDP.
Bà Phương cho rằng, vấn đề quan trọng của khu vực Đông Nam Bộ hiện nay cần làm là xây dựng hạ tầng. Nếu hạ tầng của vùng phát triển, sẽ thúc đẩy nền kinh tế các vùng cùng nhau phát triển. Riêng vận chuyển hàng hóa, chi phí vận chuyển logistics giảm nhiều.
“Tôi cho rằng, chúng ta cần có những trung tâm logistics tại nước ngoài mà hàng hóa Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất như tại thị trường Mỹ, Trung Quốc… Bộ Công thương vận động doanh nghiệp cùng tham gia đầu tư hỗ trợ đưa hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài chứ không riêng Đông Nam Bộ”, bà Phương nói.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, vùng Đông Nam Bộ có liên quan đến xuất khẩu rau quả Việt Nam. Nổi bật nhất là sầu riêng hiện nay mang lại nhiều tỉ USD cho Việt Nam. Sáu tháng qua, sầu riêng xuất khẩu đạt trên 1,3 tỉ USD, kỳ vọng năm nay đạt ít nhất 3 tỉ USD, chiếm 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả.
Theo ông Nguyên, hiện nay tỉnh Bình Phước cũng là một trong các địa phương có xuất khẩu sầu riêng. Do đó, mong sở ngành của địa phương có biện pháp làm sao giữ vững chất lượng, đừng để tình trạng chạy theo lợi nhuận, cắt sầu riêng non… gây mất uy tín của sầu riêng Việt Nam.
Sớm góp phần đưa vùng Đông Nam Bộ vươn tầm phát triển mới
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ chính trị đã xác định Đông Nam Bộ là vùng kinh tế năng động sáng tạo đi đầu trong đổi mới và phát triển. Qua đó, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm của cả nước.
Theo ông Dũng, để thúc đẩy liên kết vùng hiệu quả, cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: phát triển các sản phẩm chủ lực của vùng, nâng cấp, phát triển hạ tầng giao thông dịch vụ logistics, hỗ trợ DN nhỏ và vừa,...
Ông Dũng đánh giá, hội nghị hôm nay là một dịp quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp cùng nhau trao đổi và thảo luận thêm về các nội dung trọng tâm như liên kết vùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Tăng cường kết nối các khu công nghiệp, khu chế xuất để hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp xuất khẩu của vùng. Phát triển dịch vụ logistics gắn với tăng cường liên kết vùng. Tăng cường sự tham gia phối hợp của DN trong việc phân phối xuất khẩu các sản phẩm vùng Đông Nam Bộ.
Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng cho biết, Bộ Công thương đề nghị các đơn vị chức năng của Bộ có hướng tháo gỡ các vấn đề các địa phương trong vùng đang còn vướng mắc đối với hoạt động liên kết phát triển xuất nhập khẩu. Tận dụng các cơ hội thị trường nước ngoài và xúc tiến thương mại.
“Với sự chung tay tích cực đóng góp ý của các DN, hiệp hội… chúng ta sẽ thu nhận được nhiều thông tin và giải pháp giá trị. Qua đó, sớm góp phần đưa vùng Đông Nam Bộ vươn tầm phát triển mới. Xứng đáng với vị thế và vai trò đặc biệt quan trọng của vùng” bà Thắng nói.
Dù chỉ chiếm hơn 7% tổng diện tích và gần 20% dân số cả nước, nhưng Đông Nam Bộ là vùng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP cả vùng ước đạt 5,06%, cao hơn mức tăng 5,05% của cả nước. Thu hút 11.390 triệu USD nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, chiếm 31,1% vốn FDI của nền kinh tế.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, sáu tháng đầu năm 2024 kim ngạch xuất nhập khẩu của vùng đạt 115,7 tỉ USD, chiếm 31% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.
Hàng hóa xuất khẩu của vùng có mặt ở gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Cơ sở hạ tầng của vùng có sự phát triển rõ nét, phản ánh qua tiến độ xây dựng hàng loạt các dự án quan trọng. Đơn cử như sân bay Long Thành, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, đường Vành đai 3 TPHCM, việc thúc đẩy các dự án lớn như Trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM…
Kết quả trên cho thấy khí thế mới, cách làm mới, tư duy, phương pháp luận mới và cách tổ chức thực hiện mới của vùng.