Giải pháp giảm chi phí thức ăn chăn nuôi

Trước biến động của giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh, các hộ chăn nuôi đang đối mặt với nguy cơ thua lỗ. Linh hoạt trong sản xuất, nhiều hộ chăn nuôi, HTX, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La đã chủ động chuyển hướng từ việc mua thức ăn công nghiệp sang tận dụng sản phẩm nông nghiệp sẵn có, phối trộn thức ăn cho đàn vật nuôi, giảm chi phí thành đầu vào để có lợi nhuận, duy trì phát triển chăn nuôi, phục vụ nhu cầu thị trường.

Biến phụ phẩm nông nghiệp thành thức ăn chăn nuôi

Trang trại bò của anh Trần Hữu Bính, thành viên HTX nông nghiệp Sơn La nuôi khoảng 500 con bò 3B thương phẩm. Gần như toàn bộ thức ăn chăn nuôi được anh sử dụng từ nguồn có sẵn tại địa phương. Anh Bính chia sẻ: Xuất phát từ nguồn thức ăn chăn nuôi phong phú, dễ kiếm, giá thành rẻ là một trong những nguyên nhân tôi chuyển đổi từ mô hình nuôi lợn thương phẩm sang nuôi bò thương phẩm. Nuôi bò thương phẩm, tôi gần như chủ động được nguồn thức ăn chăn nuôi, với 5 ha cỏ voi đã trồng, tôi tận dụng ngô sinh khối, ngọn mía, cây mía… để ủ thức ăn thô cho bò; thức ăn thô được phối trộn với bột ngô, cám gạo, giun quế hoặc các thức ăn chứa nhiều đạm khác để đảm bảo dinh dưỡng cho bò phát triển khỏe mạnh, ít dịch bệnh. Sử dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương giúp tôi chủ động nguồn thức ăn, tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận sau chăn nuôi.

Mô hình nuôi bò thương phẩm của anh Trần Hữu Bính, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn.

Mô hình nuôi bò thương phẩm của anh Trần Hữu Bính, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn.

Là một trong những trang trại chăn nuôi lợn lớn tại huyện Yên Châu, trung bình mỗi năm HTX Phương Nam, bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng, nuôi khoảng 3.000 con lợn thương phẩm. Ông Trần Như Kiên, Giám đốc HTX chia sẻ: Qua kinh nghiệm đúc kết, học hỏi ở những trang trại chăn nuôi lớn trong toàn quốc, tôi đã dần chuyển từ sử dụng cám công nghiệp, sang tự phối trộn thức ăn nuôi lợn theo công thức, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của gia súc. Hiện nay, 40% nguồn thức ăn chăn nuôi của đàn lợn được HTX tự chủ động phối trộn.

Lợi ích tự phối trộn thức ăn

Khảo sát bảng giá thức ăn chăn nuôi tại một số cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã điều chỉnh tăng liên tục. Trong khi đó, giá bán lợn hơi không tăng, nếu sử dụng cám công nghiệp chỉ riêng chi phí thức ăn chăn nuôi đã độn thêm hàng trăm ngàn đồng/con lợn xuất chuồng, nguy cơ doanh nghiệp, HTX đối mặt với thua lỗ là điều hiện hữu.

Ông Trần Như Kiên, Giám đốc HTX Phương Nam, phân tích: Lợi thể và điểm mạnh của tỉnh Sơn La không chỉ là nguồn thức ăn chăn nuôi đa dạng, chất lượng ngô địa phương còn được đánh giá có độ đạm cao, khi sử dụng để phối trộn sẽ giảm chi phí thức ăn từ 1.700 đồng-1.900/kg thức ăn cho lợn, chất lượng thịt tốt hơn và giá lợn hơi xuất chuồng thường được giá cao hơn 1.000 đồng/kg so với lợn sử dụng cám công nghiệp. Với phương pháp tự phối trộn thức ăn, mỗi con lợn thương phẩm sau 4 tháng nuôi tiết kiệm được 250.000-280.000 đồng chi phí thức ăn. Bên cạnh đó, HTX áp dụng các biện pháp chăn nuôi quy trình khép kín, an toàn sinh học, sản xuất và cung cấp giống, góp phần giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận sản xuất. Năm 2021, HTX đã xuất bán 3.000 con lợn thương phẩm, với 370 tấn thịt lợn hơi, tổng giá trị 18,5 tỷ đồng.

Nông dân bản Vựt Bon, xã Chiềng Mai, huyện Mai Sơn nuôi lợn thương phẩm bằng nguồn thức ăn tự phối trộn.

Nông dân bản Vựt Bon, xã Chiềng Mai, huyện Mai Sơn nuôi lợn thương phẩm bằng nguồn thức ăn tự phối trộn.

Còn hộ anh Tòng Thanh Quý, bản Vựt Bon, xã Chiềng Mai, huyện Mai Sơn tâm sự: Tự nghiên cứu học hỏi cách phối trộn thức ăn trên sách, báo và các phương tiện thông tin đại chúng khác và được em họ tư vấn thiết bị máy móc, hướng dẫn cách tự phối trộn thức ăn chăn nuôi. Năm 2021, tôi đầu tư 25 triệu đồng mua máy nghiền, máy ép và mô tơ để tự nghiền phối trộn thức ăn. Tôi sử dụng ngô, sắn nhà trồng và mua thêm các loại rau, cá, tôm tép sông, bã đậu tương… tự phối trộn thức ăn. Tùy thuộc mỗi giai đoạn phát triển của lợn tôi áp dụng các công thức phối trộn thức ăn phù hợp, đảm bảo dinh dưỡng cho đàn vật nuôi. Hiện, với quy mô nuôi 9 con lợn nái, 30 con lợn thịt, gia đình tôi gần như đã chủ động được nguồn thức ăn tại chỗ, tính ra mỗi năm tự phối trộn khoảng 10 tấn, tiết giảm tới 30% nguồn thức ăn chăn nuôi. So với sử dụng thức ăn công nghiệp, áp dụng phương pháp tự phối trộn thức ăn tiết kiệm thời gian, kiểm soát lượng thức ăn theo định lượng tùy thuộc mỗi giai đoạn phát triển của lợn. Năm 2021, gia đình đã bán hơn 3 tấn lợn thịt, 80 con lợn giống, tổng doanh thu đạt hơn 200 triệu đồng.

Hộ anh Tòng Thanh Quý, bản Vựt Bon, xã Chiềng Mai, huyện Mai Sơn tự phối trộn thức ăn chăn nuôi.

Hộ anh Tòng Thanh Quý, bản Vựt Bon, xã Chiềng Mai, huyện Mai Sơn tự phối trộn thức ăn chăn nuôi.

Qua thực tế sản xuất của các hộ chăn nuôi, sử dụng thức ăn phối trộn trong giai đoạn giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh như hiện nay mang lại nhiều lợi ích như: Giúp giảm chi phí thức ăn từ 10 - 30%, người chăn nuôi hoàn toàn có thể chủ động lựa chọn nguyên liệu trong công thức, có thể thay đổi theo mùa thu hoạch nông sản tại địa phương và tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu này nhằm giảm giá thành sản xuất; chủ động khẩu phần dinh dưỡng, điều chỉnh phù hợp với từng giai đoạn phát triển của vật nuôi, thức ăn luôn tươi mới sẽ giúp vật nuôi phát triển tốt. Ngoài ra, người chăn nuôi sẽ dễ dàng kiểm soát được các chất kích thích tăng trưởng, kháng sinh. Do vậy, rất phù hợp với mô hình chăn nuôi sạch, chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi không kháng sinh.

Tiềm năng thức ăn chăn nuôi ở địa phương

Theo tính toán, toàn tỉnh với quy mô gần 588.900 con lơn và trên 490.000 con trâu, bò, nhu cầu thức ăn cần khoảng 1 triệu tấn thức ăn tinh, thô, đạm và các phế phụ phẩm nông nghiệp khác. Theo báo cáo thống kê, năm 2021, toàn tỉnh đã trồng hơn 78.150 ha ngô, sản lượng gần 333.400 tấn, hơn 10.200 ha cỏ voi, sản lượng 337.270 tấn; 16 ha mỳ mạch, sản lượng 400 tấn… Ngoài ra có hàng trăm nghìn tấn nguồn thức ăn từ sắn, bí, rau xanh, các phụ phẩm ngọn cây mía, cây ngô, lõi ngô... Nguồn thức ăn ở địa phương hiện nay, hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu chăn nuôi bằng hình thức tự cung, tự cấp, thậm chí nhiều phế phục phẩm được sử dụng trong chăn nuôi chưa được tận dụng triệt để, lãng phí tài nguyên.

Dù có nhiều ưu điểm nhưng thức ăn phối trộn cũng có một số hạn chế nhất định bởi công thức trộn thức ăn chăn nuôi phải phù hợp với từng loại vật nuôi và từng giai đoạn. Kỹ sư Phạm Đức Toàn, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: Để sử dụng thức ăn phối trộn đạt hiệu quả cao, người chăn nuôi sử dụng các loại nguyên liệu có sẵn tại địa phương để phối trộn, bảo đảm đầy đủ các yếu tố: Đạm, năng lượng, vitamin, khoáng chất. Nguyên liệu trước khi phối trộn cần được nghiền nhỏ, các nguyên liệu như: Ngô, cám, đậu tương, bột cá… phải bảo đảm chất lượng, không bị nấm mốc, ẩm, vón cục, biến màu. Cần dựa vào quy mô, lứa tuổi đàn vật nuôi để tính toán lượng thức ăn phù hợp, không nên phối trộn thức ăn quá nhiều để bảo đảm chất lượng của thức ăn. Người dân cần phối trộn thức ăn theo công thức phù hợp cho từng loại vật nuôi, mục đích chăn nuôi và từng lứa tuổi của vật nuôi. Thường xuyên theo dõi tình hình phát triển của đàn vật nuôi để điều chỉnh công thức phối trộn phù hợp.

Bên cạnh đố, các ngành chức năng của tỉnh đã quan tâm nghiên cứu các đề tài về chế biến thức ăn chăn nuôi với nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, giảm sự phụ thuộc vào thức ăn công nghiệp, như: Dự án “Thử nghiệm sản xuất thức ăn chăn nuôi tại huyện Quỳnh Nhai tỉnh Sơn La” đã hoàn thiện quy trình công nghệ và sản xuất thử nghiệm 35 tấn thức ăn chăn nuôi đậm đặc cho lợn từ tập ăn đến xuất chuồng. Nghiên cứu ứng dụng chế biến lõi ngô, bã mía và vỏ chanh leo làm thức ăn cho bò sữa, vẫn đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho bò vắt sữa, giúp giảm chi phí thức ăn, tăng doanh thu lợi nhuận cho các hộ chăn nuôi bò sữa. Đề tài nghiên cứu triển khai trồng cỏ, xử lý chế biến và dự trữ thức ăn cho trâu, bò theo quy mô trang trại ở huyện Mai Sơn.

Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1335/QĐ-UBND ngày 18/06/2021 về việc ban hành Đề án phát triển chăn nuôi bền vững trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó, có nhiệm vụ phát triển mạnh ngành công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi trên cơ sở mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm.

Tối ưu hóa chất lượng thức ăn và chi phí sản xuất là những giải pháp được doanh nghiệp, HTX và hộ chăn nuôi lựa chọn để duy trì chuỗi cung ứng thịt lợn an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường. Hướng tới phát triển chăn nuôi bền vững, các doanh nghiệp, HTX, hộ chăn nuôi cũng đang triển khai tích cực các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác chăn nuôi để hình thành các mối liên kết trong quá trình sản xuất giúp giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả chăn nuôi.

Phan Trang

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/giai-phap-giam-chi-phi-thuc-an-chan-nuoi-49405