Giải pháp mạnh siết chặt quản lý hoạt động vận tải

'Cần rà soát lại hoạt động xe hợp đồng, tìm kẽ hở và bịt lại kẽ hở để hoạt động kinh doanh phải trong khuôn khổ của pháp luật', Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

Qua rà soát, hiện nay, trong khoảng 540.000 xe ô tô kinh doanh vận tải khách trên cả nước, số lượng phương tiện hoạt động theo hình thức xe hợp đồng là 240.000 xe. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Qua rà soát, hiện nay, trong khoảng 540.000 xe ô tô kinh doanh vận tải khách trên cả nước, số lượng phương tiện hoạt động theo hình thức xe hợp đồng là 240.000 xe. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Ngày 11/10, tại Hà Nội, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức Hội nghị đánh giá sơ kết công tác 9 tháng, triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2023. Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá, những quý đầu năm, tình hình tai nạn giao thông tiếp tục giảm về số vụ, số người chết. Song số người bị thương vẫn tăng, các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng vẫn còn xảy ra.

Thực trạng trên đòi hỏi các cục quản lý chuyên ngành tiếp tục thực hiện các giải pháp mạnh mẽ siết chặt quản lý hoạt động vận tải; phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm, nhất là việc chấp hành quy định kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh vận tải.

"Cần rà soát lại hoạt động xe hợp đồng, tìm kẽ hở và bịt lại kẽ hở để hoạt động kinh doanh phải trong khuôn khổ của pháp luật. Hai vấn đề lớn cần chú trọng là doanh thu, tình hình đóng thuế theo quy định của pháp luật và kiểm soát hành trình di chuyển, luồng tuyến đăng ký", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

Theo báo cáo của ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, qua rà soát, hiện nay, trong khoảng 540.000 xe ô tô kinh doanh vận tải khách trên cả nước, số lượng phương tiện hoạt động theo hình thức xe hợp đồng là 240.000 xe.

Để kiểm soát hoạt động kinh doanh vận tải, hơn 8 năm qua, thiết bị giám sát hành trình đã được lắp đặt trên các xe kinh doanh vận tải. Tuy hiệu quả chưa được như kỳ vọng nhưng trong lúc chờ đợi có một công nghệ quản lý mới thông minh hơn, Cục Đường bộ Việt Nam đang tiếp tục chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các đơn vị của Bộ Công an căn cứ dữ liệu giám sát hành trình để tăng cường quản lý.

Thời gian tới, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, các cơ quan liên quan rà soát, đề xuất điều chỉnh điều kiện kinh doanh trong hoạt động vận tải tại luật, nghị định và các văn bản liên quan theo hướng chặt chẽ hơn.

Về kết hoạt động của lĩnh vực vận tải,, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải cho biết, ba quý năm 2023, hoạt động vận tải tiếp tục khởi sắc. Sản lượng vận chuyển hành khách ghi nhận tín hiệu tích cực trên cả 5 lĩnh vực.

Cụ thể, lũy kế 9 tháng năm 2023, sản lượng vận chuyển hành khách đạt hơn 3.400 triệu lượt khách, tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm 2022. So với cùng kỳ năm 2022, vận chuyển hành khách lĩnh vực đường sắt ghi nhận mức tăng cao nhất, tăng hơn 44%, tiếp đến là vận chuyển hành khách đường biển, tăng gần 43%, vận chuyển hành không tăng xấp xỉ 22%, vận chuyển hành khách đường bộ tăng gần 24%. Ở lĩnh vực đường thủy, vận chuyển hành khách tăng hơn 12%.

Riêng tháng 9/2023, vận chuyển hành khách ước đạt gần 400 triệu lượt, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm trước.

Về vận tải hàng hóa, 9 tháng đnăm 2023, sản lượng ước đạt 1.686 triệu tấn, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, vận tải hàng hóa đường thủy có mức tăng mạnh nhất, tăng hơn 23%, tiếp đến là vận tải đường bộ, tăng gần 13%, vận tải đường sắt tăng 12%, vận tải hàng hóa hàng không tăng hơn 7%. Tuy nhiên, vận tải hàng hóa đường sắt ghi nhận mức giảm sâu so với cùng kỳ năm 2022 với mức giảm hơn 23%.

“Thống kê trong tháng 9/2023, tổng sản lượng vận tải hàng hóa trên tất cả 5 lĩnh vực ước đạt hơn 192 triệu tấn, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước”, ông Trần Bảo Ngọc thông tin./.

Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/giai-phap-manh-siet-chat-quan-ly-hoat-dong-van-tai/311539.html