Giải pháp nâng cao giá trị sản phẩm thủy, hải sản

Theo khảo sát, các cơ sở chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện có quy mô sản xuất nhỏ, chủ yếu là sản phẩm thô, thị trường tiêu thụ nội địa, khả năng cạnh tranh còn nhiều hạn chế... Để nâng cao giá trị sản phẩm thủy, hải sản, cần có nhiều giải pháp hợp lý, sự chung tay, góp sức của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và chủ cơ sở chế biến.

Cá nục hấp ở các địa phương ven biển huyện Gio Linh xuất bán sang thị trường Trung Quốc -Ảnh: H.A

Cá nục hấp ở các địa phương ven biển huyện Gio Linh xuất bán sang thị trường Trung Quốc -Ảnh: H.A

Chủ cơ sở chế biến thủy sản Nguyễn Thị Thiếc ở xã Gio Việt, huyện Gio Linh cho biết, cơ sở chế biến thủy sản của chị hiện đang sở hữu 2 sản phẩm OCOP đạt hạng sản phẩm 3 sao là mắm ruốc, mắm cá rò và sản phẩm “Sứa Cửa Việt” (hiện đang được xúc tiến làm thủ tục để trở thành sản phẩm OCOP). Riêng sản phẩm “Sứa Cửa Việt” bình quân mỗi năm xuất bán ra thị trường trong tỉnh và các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, TP. Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh… khoảng 40 tấn.

“Sản phẩm của các cơ sở chế biến thủy sản ở xã Gio Việt, thị trấn Cửa Việt chủ yếu là sơ chế đơn giản, bán thành phẩm nên giá trị gia tăng thấp, giá bán thấp. Khó khăn nhất hiện nay đối với các cơ sở chế biến thủy sản ở đây là thị trường tiêu thụ sản phẩm. Như cơ sở chế biến thủy sản của gia đình tôi, các sản phẩm OCOP mắm ruốc, mắm cá rò và sản phẩm “Sứa Cửa Việt” hiện đang phải chật vật tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm làm ra phải bán kiểu “nhỏ giọt”, chứ chưa có các đơn hàng số lượng lớn, giá trị cao…”, chị Thiếc chia sẻ.

Theo chủ cơ sở chế biến cá hấp Lê Minh Thái ở thôn Xuân Lộc, xã Gio Việt, huyện Gio Linh, cơ sở của gia đình anh chỉ tính riêng trong năm 2022 đã xuất bán khoảng trên 300 tấn sản phẩm (chủ yếu là sản phẩm thô gồm cá nục, cá cơm) ra thị trường trong nước và Trung Quốc. Trong 6 tháng đầu năm 2023, do thiếu nguồn nguyên liệu nên chỉ xuất bán được khoảng 50 tấn cá cơm sang thị trường Trung Quốc.

Khó khăn chung hiện nay của khoảng 27 cơ sở chế biến cá hấp ở các thôn Xuân Lộc, Xuân Ngọc, Xuân Tiến (xã Gio Việt) là thiếu vốn để đầu tư mở rộng quy mô cũng như đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; mặt hàng cá nục, cá cơm hấp khi xuất bán sang thị trường Trung Quốc phải qua khâu trung gian, tốn nhiều chi phí nên lợi nhuận thực tế bị hạn chế; việc thiếu nguồn nguyên liệu để chế biến cũng gây ảnh hưởng trực tiếp đến các cơ sở chế biến cá hấp ở xã Gio Việt, thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh) và xã Triệu An (huyện Triệu Phong).

Có dịp trò chuyện với bà Võ Thị Thơi, chủ cơ sở nước mắm Thanh Thủy ở xã Hải An, huyện Hải Lăng, chúng tôi được biết, mỗi năm cơ sở nước mắm Thanh Thủy sản xuất bình quân trên 10.000 lít nước mắm với giá bán khoảng 45.000 đồng/ lít. Sản phẩm nước mắm của cơ sở nước mắm Thanh Thủy được bán cho khách hàng không chỉ trong huyện Hải Lăng mà nhiều nơi khác trên địa bàn tỉnh.

Nhiều khách hàng ở TP. Hồ Chí Minh biết tiếng nước mắm cơ sở Thanh Thủy thơm ngon nên gọi điện thoại đặt mua vài trăm lít mỗi tháng. Khó khăn nhất của các cơ sở nước mắm hiện nay là người tiêu dùng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, mẫu mã, bao bì bắt mắt, phương thức mua bán nhanh chóng, thuận lợi, uy tín.

Trong khi đó nước mắm truyền thống ít thay đổi, đa phần vẫn giữ nguyên như trước đây, nặng mùi và có độ mặn cao, bao bì, nhãn mác đơn giản; áp lực cạnh tranh về giá ngày càng gay gắt từ các sản phẩm tương tự như nước mắm công nghiệp, nước mắm pha chế… Nước mắm truyền thống đang phải đối mặt với sức ép khác như thiếu nguyên liệu, chi phí tăng cao, bị mất dần thị trường trước nước mắm công nghiệp…

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 126 doanh nghiệp, cơ sở chế biến thủy sản tập trung ở các xã Vĩnh Thái, Kim Thạch, Vĩnh Giang, thị trấn Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh), Trung Giang, Gio Hải, Gio Việt, thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh), Triệu An, Triệu Lăng (huyện Triệu Phong), Hải An, Hải Khê… (huyện Hải Lăng).

Năm 2022, sản lượng thủy, hải sản toàn tỉnh đạt 35.860,1 tấn, trong đó sản lượng khai thác đạt 26.851,2 tấn; sản lượng nuôi trồng đạt 9.008,9 tấn. Trong 6 tháng đầu năm 2023, dự ước sản lượng thủy, hải sản toàn tỉnh đạt 17.725,5 tấn, trong đó sản lượng khai thác đạt 13.937,55 tấn; sản lượng nuôi trồng đạt 3.751,95 tấn. Đây là nguồn nguyên liệu phục vụ trực tiếp cho các doanh nghiệp, cơ sở chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hữu Vinh cho rằng, để nâng cao giá trị sản phẩm trong chế biến thủy, hải sản, cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại đối với các mặt hàng thủy, hải sản của các làng nghề ở địa phương đến được các thị trường lớn. Quan tâm quảng bá chất lượng, xây dựng thương hiệu các mặt hàng thủy, hải sản đặc sản của các địa phương. Chú trọng đẩy mạnh công tác quản lý chất lượng hàng hóa, đăng ký tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đăng ký thương hiệu; cải tiến mẫu mã, bao bì để chiếm lĩnh thị trường, tiến tới xuất khẩu trực tiếp.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan cần tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở chế biến hải sản trong việc dự báo thị trường, thường xuyên cung cấp thông tin về thị hiếu tiêu dùng, yêu cầu chất lượng, giá cả các loại sản phẩm và dự báo xu thế, khuynh hướng phát triển thị trường…

Mở rộng mạng lưới phân phối sản phẩm; tăng cường kiểm tra việc duy trì điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất sản phẩm thủy sản truyền thống theo quy chế kiểm tra, công nhận điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ Nông nghiệp và PTNT; hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở chế biến thủy sản ứng dụng công nghệ sản xuất mới, công nghệ thông tin vào lĩnh vực quản lý.

Đối với các doanh nghiệp chế biến sâu cần áp dụng quy trình chế biến theo tiêu chuẩn quốc tế như HACCP, GMP đảm bảo sản phẩm chế biến đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ra thị trường quốc tế…

Hải An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/giai-phap-nang-cao-gia-tri-san-pham-thuy-hai-san/178014.htm