Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động tại các cơ sở tín ngưỡngTin khácChủ động chuẩn bị điều kiện tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuôỉThể lệ tổ chức Cuộc thi trắc nghiệm 'Tìm hiểu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh' năm 2022

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 811 cơ sở tín ngưỡng gồm: chùa, đình, đền, miếu, am, nghè, phủ, điện thờ, nhà thờ họ… Thời gian qua, đời sống tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ, nhất là hoạt động tín ngưỡng gắn với lễ hội. Việc tổ chức các hoạt động tín ngưỡng góp phần duy trì và phát huy giá trị bản sắc tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, để các cơ sở tín ngưỡng (CSTN) hoạt động hiệu quả thì cần có những giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý đối với hoạt động tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh, nhóm nghiên cứu do ông Nguyễn Khắc Phương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ làm chủ nhiệm đã triển khai nghiên cứu đề tài khoa học mang tên “Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động tại các cơ sở tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn”. Đề tài được triển khai từ tháng 6/2020 đến tháng 12/2021.

Du khách chiêm bái tại đền Quan giám sát, xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng

Du khách chiêm bái tại đền Quan giám sát, xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng

Nghiên cứu cho thấy, theo mức độ xếp hạng di tích, trên địa bàn tỉnh có 4 cơ sở cấp quốc gia đặc biệt, 12 cơ sở cấp quốc gia, 40 cơ sở cấp tỉnh, 112 cơ sở được đưa vào danh mục kiểm kê. Đối tượng thờ tự tại các cơ sở tín ngưỡng là thổ công, thổ địa, thành hoàng, mẫu, phật, anh hùng dân tộc… tập trung chủ yếu tại thành phố Lạng Sơn và huyện Hữu Lũng, Cao Lộc.

Ông Lăng Văn Thiết, Trưởng Phòng Tín ngưỡng và Tôn giáo, Sở Nội vụ, thư ký đề tài nghiên cứu cho biết: Trong quá trình nghiên cứu thực hiện đề tài cho thấy, công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động tại các CSTN còn tồn tại hạn chế. Cụ thể là số cơ sở có ban quản lý, người đại diện còn ít; việc quản lý, sử dụng tài chính còn khó khăn; số lượng cơ sở được giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các CSTN còn thấp. Công tác phát triển du lịch gắn với hoạt động tín ngưỡng còn nhiều khó khăn do hạ tầng thiếu đồng bộ, công tác phối hợp quản lý chưa hiệu quả, thiếu sự định hướng cũng như sản phẩm du lịch…

Trên cơ sở đánh giá thực trạng, hạn chế nêu trên, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số giải pháp. Trong đó, nổi bật là xây dựng dự thảo quy chế (mẫu) hoạt động của ban quản lý cơ sở tín ngưỡng. Quy chế có 5 chương 15 điều tập trung vào 8 nhóm nội dung chủ yếu gồm: bầu ban quản lý CSTN; quản lý lễ hội của CSTN; xây dựng, tu bổ các hạng mục thuộc CSTN; đăng ký hoạt động tín ngưỡng; quản lý sử dụng tiền công đức tại CSTN; đảm bảo các hoạt động tại CSTN; đảm bảo an ninh trật tự tại CSTN; đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng, chống cháy nổ tại CSTN. Trong tháng 8/2021, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thực nghiệm quy chế mẫu tại 5 CSTN gồm: chùa Tiên, đền Kỳ Cùng (thành phố Lạng Sơn), chùa Bắc Nga, đền Mẫu (huyện Cao Lộc) và đền Bắc Lệ (huyện Hữu Lũng).

Kết quả cho thấy, 100% UBND các xã, phường, thị trấn có 5 CSTN và ban quản lý các CSTN đều tán thành, đánh giá cao quy chế mẫu. Với từng nội dung trong quy chế mẫu, có 5/5 cơ sở đánh giá việc bầu ban quản lý di tích; xây dựng, tu bổ các hạng mục; đăng ký hoạt động tín ngưỡng; đảm bảo các hoạt động; đảm bảo an ninh trật tự; phòng, chống cháy nổ, vệ sinh môi trường là phù hợp. Với công tác quản lý lễ hội; quản lý, sử dụng tiền công đức được các đơn vị đánh giá là tương đối phù hợp, cần sửa đổi, bổ sung một số nội dung để phù hợp với tình hình thực tiễn.

Bà Nguyễn Thị Nhung, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Cát, huyện Cao Lộc, Trưởng Ban quản lý chùa Bắc Nga cho biết: Nếu như trước đây ban quản lý CSTN phải nghiên cứu nhiều văn bản quy phạm pháp luật như Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Di sản và hướng dẫn của các bộ, ngành, địa phương thì quy chế mẫu giúp ban quản lý tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức tìm hiểu, dễ dàng tiếp cận và ứng dụng vào thực tiễn quản lý, vận hành hoạt động tại CSTN.

Quy chế mẫu được xây dựng với những quy định, hướng dẫn cụ thể, chi tiết nếu áp dụng vào thực tiễn sẽ hỗ trợ đắc lực cho cho công tác quản lý, vận hành hoạt động tại các CSTN, đồng thời, cũng góp phần giúp lực lượng chức năng làm tốt công tác quản lý Nhà nước. Với ý nghĩa đó, đề tài khoa học này đã được hội đồng khoa học tỉnh nghiệm thu từ đầu năm 2022.

Trên cơ sở đề tài nghiên cứu, hiện tại, Sở Nội vụ đang hoàn thiện các nội dung để tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy chế quản lý hoạt động tín ngưỡng tại các CSTN trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác quản lý Nhà nước tại các CSTN trên địa bàn.

THỤC QUYÊN

TRIỆU THÀNH - HOÀNG TÙNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/khoa-hoc-tin-hoc/488988-giai-phap-nang-cao-hieu-qua-quan-ly-hoat-dong-tai-cac-co-so-tin-nguong.html