Giải pháp nào cho máy bay Boeing bị 'bỏ quên' 18 năm tại Nội Bài?

Cục Hàng không đề xuất với Bộ Xây dựng phương án xử lý máy bay B727-200 của Royal Khmer Airlines bị bỏ rơi tại sân bay Nội Bài từ năm 2007 đến nay.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, máy bay Boeing 727-200 của Hãng hàng không Royal Khmer Airlines (RKA - Campuchia) mang số hiệu XU-RKJ đỗ tại sân bay quốc tế Nội Bài từ ngày 1-5-2007.

Máy bay B727-200 bị bỏ quên tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Ảnh: Cảng hàng không quốc tế Nội Bài

Máy bay B727-200 bị bỏ quên tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Ảnh: Cảng hàng không quốc tế Nội Bài

Từ đó đến nay, các thủ tục xử lý pháp lý đã được triển khai. Năm 2014, phía Campuchia xác nhận Hãng Royal Khmer Airlines đã bị thu hồi giấy phép hoạt động, máy bay cũng bị xóa đăng ký quốc tịch từ năm 2008 và đồng ý để Việt Nam xử lý theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, việc xử lý chiếc máy bay gặp nhiều vướng mắc. Bộ Tài chính đã xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản này nhưng chưa giao cho đơn vị nào quản lý. Cục Hàng không từng đề xuất bán đấu giá dưới dạng sắt vụn để giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, quá trình thẩm định giá không khả thi do máy bay không còn hồ sơ kỹ thuật, không hãng hàng không nào còn khai thác dòng máy bay này, và cũng không có tiền lệ giao dịch tương tự ở Việt Nam hay quốc tế.

Chiếc máy bay bị “bỏ quên” 18 năm sắp thành giáo cụ đào tạo

Trước tình hình đó, Cục Hàng không đã phối hợp với Học viện Hàng không Việt Nam đề xuất một phương án mới: Chuyển giao máy bay cho Học viện làm giáo cụ thực hành, phục vụ đào tạo sinh viên ngành hàng không. Phía Học viện bày tỏ mong muốn tiếp nhận chiếc Boeing 727-200 và dự kiến chi phí tháo dỡ, vận chuyển và lắp đặt tại cơ sở 3 ở Cam Ranh chỉ khoảng 8,7 đến 9,6 tỉ đồng.

Chiếc máy bay tuy không còn khả năng bay nhưng vẫn giữ nguyên cấu trúc quan trọng như buồng lái, động cơ, càng đáp, hệ thống điện, đồng hồ hiển thị… phù hợp để sinh viên thực hành kỹ thuật tháo lắp, kiểm tra và bảo trì. Việc sử dụng giáo cụ thật cũng giúp giảm sự phụ thuộc vào mô hình nhập khẩu từ nước ngoài, vốn có chi phí cao tới hàng trăm tỉ đồng.

Cục Hàng không đánh giá phương án này không chỉ tiết kiệm chi phí, tận dụng hiệu quả tài sản mà còn góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, gắn lý thuyết với thực tiễn và phù hợp định hướng hiện đại hóa ngành hàng không. Học viện Hàng không cũng cam kết không sử dụng ngân sách Nhà nước mà sẽ huy động từ học phí và tài trợ xã hội hóa.

Dương Ngọc

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/giai-phap-nao-cho-may-bay-boeing-bi-bo-quen-18-nam-tai-noi-bai-196250710141756663.htm