Giải pháp nào cho phát triển bền vững cây sầu riêng ở Đắk Lắk?
Tình trạng gian dối, đánh cắp mã số vùng trồng, tranh mua, tranh bán và chốt giá sớm, nông dân sẵn sàng bẻ cọc hợp đồng khiến sầu riêng - cây trồng xuất khẩu 'tỷ đô' ở Đắk Lắk khó phát triển bền vững.
Nhân công là đồng bào dân tộc thiểu số tại thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk) có việc làm ổn định trong vụ thu hoạch sầu riêng. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, 10 tháng năm 2023, sầu riêng tiếp tục vượt thanh long chiếm vị trí số một với giá trị xuất khẩu đạt gần 1,6-1,7 tỉ USD, tăng gấp gần 5 lần so với cả năm 2022.
Dự kiến đến hết năm nay, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sẽ đạt khoảng 2 tỷ USD.
Tại Đắk Lắk, sau hơn 1 năm sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, nông dân rất phấn khởi khi vụ mùa thu hoạch năm 2023 được mùa, được giá, lãi cao.
Tuy nhiên, trước sức nóng của loại “vua trái cây,” tình trạng gian dối, đánh cắp mã số vùng trồng, tranh mua, tranh bán và chốt giá sớm, nông dân sẵn sàng bẻ cọc hợp đồng đã khiến sầu riêng - cây trồng xuất khẩu "tỷ đô" ở Đắk Lắk tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó phát triển bền vững.
Đổi đời từ loại "vua trái cây" mới
Đắk Lắk hiện có sản lượng sầu riêng đứng thứ 2 cả nước, sau Tiền Giang. Giai đoạn 2016-2023, sản lượng sầu riêng của Đắk Lắk tăng từ trên 30.000 tấn lên ước đạt 190.000 tấn, với tốc độ tăng trưởng xấp xỉ 30%/năm. Trong số đó, sản lượng sầu riêng trên diện tích được cấp mã vùng trồng khoảng 47.300 tấn, chiếm 25%.
Những năm gần đây, quả sầu riêng tiêu thụ thuận lợi, giá ở mức cao, người trồng sầu riêng ở Đắk Lắk có lãi lớn. Với giá thành sản xuất khoảng gần 20.000 đồng/kg, giá bán ra khoảng 40.000 đồng/kg, nông dân đã có lãi đáng kể, giúp nhiều nông dân đổi đời từ loại “vua trái cây.”
Gia đình ông Phan Văn Thuật từ quê Hà Tĩnh vào thôn Tân Hòa, xã Tân Lập, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk sinh sống, lập nghiệp đã 30 năm nay. Với 2,5ha sầu riêng, giá bán 80.000 đồng/kg, năm nay gia đình ông Thuật lãi hơn 2 tỷ đồng từ vườn sầu riêng.
Tại xã Ea Yông, huyện Krông Pắc, cây sầu riêng đã gắn bó với người dân xã từ năm 2004 khi Công ty Càphê Phước An trồng thử nghiệm 400ha, sau đó người dân xã học hỏi và trồng theo.
Các năm trước, giá sầu riêng bán tại vườn khoảng 30.000-40.000 đồng/kg thì vụ mùa sầu riêng năm 2023, giá bán trung bình khoảng 70.000-80.000 đồng/kg.
Anh Y Như Ayun, buôn Jung, xã Ea Yông cho biết với 135 cây sầu riêng, hằng năm gia đình anh thu nhập hơn 1 tỷ đồng. Nhờ cây sầu riêng, gia đình anh xây được nhà cửa khang trang, mua xe ôtô và nhiều vật dụng, phương tiện có giá trị khác.
Theo ông Tạ Văn Châm, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Ea Yông, sản lượng sầu riêng năm 2023 của xã đạt khoảng 30.000 tấn. Đây là cây có giá trị kinh tế cao, nâng cao đời sống của bà con, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 62 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,2%.
Hệ lụy từ tăng trưởng nóng
Dù là cây trồng xuất khẩu chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao nhưng thời gian qua, sự tăng trưởng nóng khiến việc ồ ạt thu mua sầu riêng để xuất khẩu đang kéo theo đó những hệ lụy về việc không đảm bảo chất lượng.
Hiện tượng tranh mua, tranh bán, loạn giá, bẻ cọc, bỏ hợp đồng, phá vỡ chuỗi liên kết đang diễn ra ở các vùng trồng sầu riêng trong cả nước, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên, dẫn đến vi phạm các quy định của Nhà nước về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn.
Vận chuyển sầu riêng lên xe. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Ngành hàng sẩu riêng đã rơi vào “cái bẫy” mà Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan đã cảnh báo một năm trước, đó là: “Khi giá cả lên, một bộ phận người nông dân sẽ tăng sản lượng bằng mọi cách, lạm dụng các chất kích thích tăng trưởng, tự phát mở rộng vùng trồng...”
Vào thời điểm thu hoạch sầu riêng chính vụ cũng là lúc tại các địa phương tồn tại thực trạng tranh mua, tranh bán, bỏ cọc, thổi giá khiến thị trường bị nhiễu loạn. Điều này làm đứt gãy chuỗi liên kết tiêu thụ giữa doanh nghiệp và các hộ trồng sầu riêng.
Tại Diễn đàn “Nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng 2023 và giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng sầu riêng Việt Nam,” ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk cho biết Đắk Lắk đang có 3 hình thức liên kết, thu mua chính.
Thứ nhất, một số doanh nghiệp đặt cọc với người sản xuất, cách thời điểm thu hoạch 1-2 tháng bằng hợp đồng mua bán. Số tiền đặt cọc khoảng 30% giá trị theo sản lượng bán xô ước tại vườn.
Thứ hai, một số hộ tự chốt giá với doanh nghiệp tại thời điểm sầu riêng bắt đầu ra hoa, nguyên nhân là do người dân cần tiền để đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… chăm sóc cho vườn cây.
“Hình thức thứ ba là một số đối tượng thương lái, cò vào tận vườn người dân để chốt giá ở mức 80.000-90.000 đồng/kg. Điều này gây ra nhiều thông tin nhiễu loạn thị trường,” ông Vũ Đức Côn nhấn mạnh.
Chia sẻ dưới góc độ của doanh nghiệp thực hiện liên kết tiêu thụ sầu riêng với các nông hộ, ông Lê Anh Trung, Giám đốc đối ngoại của Tập đoàn Vạn Hòa Holding nhận định tình hình liên kết tiêu thụ sầu riêng tại khu vực miền Đông và Tây Nguyên có nhiều biến động. Tập đoàn có hợp đồng bao tiêu liên kết song trước khi thu hoạch 15-20 ngày, các thương lái, 'cò' ồ ạt xuống các vườn để chốt, cọc gây phân tâm cho người nông dân.
“Nếu giá thuận tự nhiên, việc mua bán vẫn diễn ra bình thường, nhưng khi giá xuống, thương lái, 'cò' sẽ đề nghị xuống giá hoặc cứ duy trì neo vườn, điều này chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tới nguời dân. Cuối cùng nông dân vẫn là người chịu thiệt thòi,” ông Lê Anh Trung nói.
Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm cũng nêu thực trạng về loạn giá, bẻ cọc làm gãy mối liên kết ngành hàng sầu riêng và những bài học kinh nghiệm, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc liên kết với các hợp tác xã, người nông dân.
Theo bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm, một trong những khó khăn lớn là của ngành hàng sầu riêng là liên kết sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm còn thiếu bền vững, doanh nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc mua sản phẩm từ nông dân hoặc hợp tác xã, chế biến và đưa sản phẩm ra thị trường cũng như phát triển và tăng cường giá trị cho sản phẩm nông nghiệp, tuy nhiên, ngành hàng sầu riêng chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các hợp tác xã-nông dân và doanh nghiệp.
Các liên kết giữa doanh nghiệp và nông hộ sẵn sàng bị bẻ gãy khi giá lên cao, gây mất ổn định ngành hàng và chất lượng sản phẩm tiêu thụ, xuất khẩu. Trong khi đó, các hợp tác xã chưa thực sự phát huy được vai trò, giá trị của mình tại vùng liên kết.
Phát triển sầu riêng bền vững
Trước thực trạng xuất khẩu sầu riêng đang tồn tại nhiều vấn đề nóng có nguy cơ ảnh hưởng đến cả ngành hàng, ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh: “Trái sầu riêng muốn đi xa, tạo thị trường bền vững, thì mọi chủ thể trong chuỗi giá trị cần phải chung sức chung lòng, hợp tác gắn bó để cùng đi lên. Nông dân, doanh nghiệp, địa phương có vùng trồng và cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học cần 'đi cùng nhau' trong tổng thể không gian liên kết phát triển ngành hàng.”
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng mã số vùng trồng mới dừng ở việc khuyến khích mà chưa bắt buộc, nên tiến tới đây sẽ là yêu cầu bắt buộc. Tất cả phải đi vào tiêu chuẩn, quy chuẩn, không còn tình trạng tự phát.
Thu hoạch sầu riêng. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn thể hiện qua “hợp tác-liên kết-thị trường.” Do đó, muốn ngành hàng sầu riêng nói riêng, các ngành hàng khác nói chung phát triển phải tổ chức lại cấu trúc ngành hàng bền vững. Tổ chức lại sản xuất không đơn thuần chỉ là cải tiến kỹ thuật gieo trồng mà là tạo ra không gian để nông dân, doanh nghiệp ngồi lại với nhau.
Người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhấn mạnh đã đến lúc chúng ta kết hợp giữa việc siết chặt quản lý nhà nước và quản lý chuyên ngành ở địa phương. Chính quyền địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội phải tham gia từ đầu cùng nông dân để người dân có đầy đủ thông tin để điều chỉnh sản xuất.
Hiện tỉnh Đắk Lắk đã và đang chú trọng xây dựng thương hiệu sầu riêng như thương hiệu “Sầu riêng Krông Pắc,” “Sầu riêng Cư M’Gar.”
Đây là tiền đề tốt vì mỗi địa phương làm tốt thương hiệu sầu riêng sẽ góp phần xây dựng và nâng cao thương hiệu sầu riêng Việt Nam.
Cùng với câu chuyện xây dựng thương hiệu, các sở, ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk cùng doanh nghiệp, hợp tác xã đã tích cực quảng bá, liên kết, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sầu riêng.
Công tác chế biến sầu riêng sau thu hoạch, đa dạng sản phẩm từ sầu riêng cũng được chú trọng và bước đầu đạt nhiều kết quả tích cực. Điển hình như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chế biến Nông sản Phước An đang phát triển theo hướng bóc múi sầu riêng, cấp đông và xuất khẩu sang thị trường Thái Lan.
Đây là hướng đi mới song ổn định, ít rủi ro và có thể bảo quản sầu riêng được lâu so với xuất khẩu sầu riêng quả tươi. Mùa vụ sầu riêng năm 2023, đơn vị này đã xuất khẩu 3 chuyến sầu riêng bóc múi cấp đông (87 tấn) đi thị trường Thái Lan.
Hay như Công ty cổ phần Chế biến Nông sản sấy số 1 đã thành lập, xây dựng nhà máy sấy thăng hoa nông sản và chú trọng vào mặt hàng sầu riêng. Đơn vị đã kết hợp tạo ra các sản phẩm sữa chua sầu riêng sấy, sầu riêng nhân mắc ca sấy, sầu riêng nhân hạt điều sấy…
Việc đi theo hướng sấy thăng hoa sầu riêng giúp đơn vị gia tăng thời hạn bảo quản nông sản, ít cạnh tranh, nhiều lợi thế về vận chuyển và dễ lưu thông hàng hóa.
Định hướng thời gian tới của tỉnh Đắk Lắk là ổn định diện tích sầu riêng trên 22.000ha, sản lượng trên 225.000 tấn; mở rộng và duy trì diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn; rải vụ thu hoạch và xây dựng Đề án mã số vùng trồng./.