Giải pháp nào cho phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập: Kỳ I: Những khó khăn, bất cập

Sự phát triển mạnh mẽ mạng lưới, quy mô giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn thời gian qua được đánh giá là đã giảm bớt tình trạng quá tải trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập (MNCL) và giảm gánh nặng đầu tư cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, làm thế nào để tăng tỷ lệ huy động trẻ ra lớp, tạo cơ hội việc làm cho giáo viên, người lao động, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh đang là bài toán đang tìm giải.

Hạn chế về số lượng, quy mô và chất lượng

Hiện nay, tỉnh Sơn La đang đứng đầu so với 7 tỉnh miền núi phía Bắc về phát triển các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. Toàn tỉnh có 15 trường mầm non ngoài công lập và 66 nhóm, lớp độc lập tư thục. Mặc dù đã phát triển tại 7/12 huyện, thành phố, tuy nhiên tốc độ phát triển Trường mầm non ngoài công lập còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng ở những vùng có điều kiện kinh tế xã hội thuận lợi, đặc biệt là ít có trường quy mô lớn, được đầu tư xây dựng mới theo hướng hiện đại.

Cơ sở vật chất tại Nhóm trẻ Đồ rê mí, thị trấn Bắc Yên (Bắc Yên).

Cơ sở vật chất tại Nhóm trẻ Đồ rê mí, thị trấn Bắc Yên (Bắc Yên).

Thành phố là địa bàn duy nhất phát triển mạng lưới các cơ sở mầm non ngoài công lập không chỉ nhiều về số lượng mà còn khá đảm bảo về chất lượng, gồm 6 trường mầm non ngoài công lập và 42 nhóm, lớp độc lập tư thục; trong đó có 3 trường mầm non đã được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I, II (chiếm 75% so các cơ sở GDMNNCL toàn tỉnh). Dự kiến năm học 2021-2022, Thành phố sẽ có thêm 2 trường mầm non và 1 trường liên cấp từ mầm non đến THPT ngoài công lập đi vào hoạt động.

Một giờ học trải nghiệm tại nhóm trẻ Happy House (Thành phố).

Một giờ học trải nghiệm tại nhóm trẻ Happy House (Thành phố).

Tiêu biểu là Trường mầm non Ngọc Linh (Thành phố) là 1 trong 2 trường mầm non ngoài công lập được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ II. Với hệ thống cơ sở vật chất đầu tư đồng bộ, khang trang, 100% các phòng học được xây dựng kiên cố, có phòng học, phòng học chức năng, khu vui chơi cho trẻ. Các hoạt động ngoại khóa giáo dục kỹ năng sống cho trẻ và trẻ làm quen với tiếng Anh được nhà trường đặc biệt quan tâm.

Bà Đinh Thị Hậu, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Sau 20 năm xây dựng phát triển, đến nay, tổng diện tích của trường là 1.600 m², có nhà lớp học 4 tầng, gồm: 15 phòng học, các phòng chức năng; được trang bị đầy đủ đồ dùng, đồ chơi đáp ứng nhu cầu giảng dạy, chất lượng nuôi dưỡng trẻ không ngừng được nâng lên.

Giờ ra chơi của trẻ Trường mầm non Ngọc Linh (Thành phố).

Giờ ra chơi của trẻ Trường mầm non Ngọc Linh (Thành phố).

Tại huyện Mộc Châu, đến tháng 3/2021, huyện có 2 trường mầm non tư thục và 1 nhóm trẻ độc lập tư thục với tổng số 2 lớp mẫu giáo và 6 nhóm trẻ. Tìm hiểu tại Trường mầm non Ánh Sao, cơ sở vật chất của Trường gồm ngôi nhà 4 tầng, có tổng diện tích sử dụng khoảng 650m². Tuy đã bố trí từng khu vui chơi cho học sinh nhưng với số lượng 100 trẻ đến lớp (3 nhóm trẻ, 2 lớp mẫu giáo) đang theo học, khuôn viên nhà trường vẫn khá chật chội, không có nhiều đồ chơi, các thiết bị dạy học, mới tập trung ở nhiệm vụ trông giữ trẻ; đặc biệt là trường được thành lập khá lâu nhưng một số quy định về quy chuẩn trường học chưa được lắp đặt đầy đủ (hệ thống PCCC của trường đang chuẩn bị lắp đặt). Theo cô Phó hiệu trưởng Nguyễn Thị Phương cho biết thì các giáo viên của Trường mầm non Ánh Sao đều qua đào tạo chuyên môn, có giáo viên tiếng Anh và dạy nhạc riêng, tuy nhiên thời điểm chúng tôi tìm hiểu, thì hai giáo viên này đã chuyển công tác đi trường khác...

Chương trình sinh nhật cho bé ở Nhóm trẻ Happy House (Mộc Châu).

Chương trình sinh nhật cho bé ở Nhóm trẻ Happy House (Mộc Châu).

Hiện, huyện Mộc Châu đang thu hút một Trường mầm non Lillter star do Công ty TNHH một thành viên Xây dựng và Thương mại Anh Quân làm chủ đầu tư (dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2021) với quy mô 4 nhóm, lớp với khoảng 100 học sinh. Tuy nhiên, so với tiềm năng, điều kiện thực tế của cao nguyên Mộc Châu thì giáo dục mầm non ngoài công lập vẫn còn hạn chế nhiều về số lượng, quy mô và chất lượng trường lớp.

Ông Long Trung Tâm, Chủ tịch UBND huyện, băn khoăn: Việc phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập triển khai còn gặp nhiều khó khăn như: Việc quy hoạch đất để phát triển trường, công tác tuyển sinh, thu hút giáo viên; tư tưởng của cha mẹ học sinh mong muốn đưa con đến các trường công lập, điều kiện kinh tế; những khó khăn trong quản lý điều hành, việc tổ chức bồi dưỡng, đánh giá cán bộ quản lý, giáo viên các trường tư thục. Bên cạnh đó, công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và tổ chức hoạt động chuyên môn nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục cũng là vấn đề đặt ra...

Nhiều vấn đề cần quan tâm

Tại Hội thảo “Thực trạng và giải pháp phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Sơn La”, Tiến sỹ Đoàn Anh Chung, Trưởng Bộ môn Khoa học cơ bản, Khoa Tiểu học - Mầm non, Trường Đại học Tây Bắc đã chỉ ra: Cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, diện tích sân chơi, phòng học ở các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập còn hạn chế. Chủ yếu các trường, lớp mầm non mới chỉ đạt diện tích chuẩn của phòng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em từ 1,5-1,8m² cho một trẻ. Các phòng ăn, vệ sinh, hiên chơi, nhà bếp… về cơ bản đảm bảo được yêu cầu về nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ. Đa số các trường chưa có phòng ngủ riêng mà vẫn chung với phòng hoạt động của trẻ.

Hội thảo “Thực trạng và giải pháp phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Sơn La”.

Hội thảo “Thực trạng và giải pháp phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Sơn La”.

Theo thống kê, toàn tỉnh còn 5 huyện Yên Châu, Vân Hồ, Mường La, Bắc Yên, Sốp Cộp chưa có trường mầm non ngoài công lập mà mới chỉ dừng lại ở nhóm trẻ tư thục. Ở huyện Bắc Yên, tại thị trấn huyện có 1 Nhóm trẻ Đồ Rê Mí được thành lập từ năm 2016 với số lượng học sinh 15 đến 25 cháu (dưới 24 tháng)/năm.

Lý giải về những khó khăn trong việc huy động trẻ trên địa bàn, ông Bùi Ngọc Thắng, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Yên, cho biết: Hầu hết người dân có con em trong độ tuổi đến trường đều mong muốn gửi con em mình vào trường công lập để giảm chi phí. Mặt khác, hoạt động của cơ sở mầm non ngoài công lập dựa trên nguyên tắc tự cân đối thu chi, nếu thu học phí cao thì phụ huynh e ngại khi đưa con đến học, còn thu thấp thì không đủ chi. Do không được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước nên thời gian thu hồi vốn đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập chậm, chưa hấp dẫn các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, việc thu hút giáo viên vào các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đang là thách thức không nhỏ.

Đánh giá hoạt động chuyên môn của các cở sở giáo dục mầm non ngoài công lập, bà Điêu Thị Dân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La, cho biết: Tuy giáo dục mầm non ngoài công lập đã đổi mới hình thức tổ chức chăm sóc giáo dục trẻ. Tỷ lệ trẻ được học chương trình giáo dục mầm non đạt 98%, trong đó, trẻ mẫu giáo 5 tuổi đạt 100%.

Tuy nhiên, hiệu quả thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới dừng lại ở một số đơn vị trường. Còn nhiều nhóm, lớp độc lập chưa thực hiện đúng, đủ chương trình giáo dục mầm non. Tổ chức đánh giá trẻ chưa đúng thời điểm. Thực tế, có nhiều nhóm, lớp chỉ tổ chức trông giữ trẻ, khâu xây dựng kế hoạch giáo dục, soạn bài lên lớp của giáo viên còn mang tính hình thức. Một số nhóm, lớp chất lượng nuôi dưỡng và chăm sóc sức khỏe cho trẻ chưa đảm bảo do không thực hiện khám sức khỏe định kỳ, cân, đo, đánh giá tình trạng sức khỏe của trẻ trên biểu đồ phát triển. Chất lượng tổ chức hoạt động bán trú tại một số cơ sở mầm non ngoài công lập chưa đảm bảo theo quy định…

Từ những phân tích ở trên có thể nhận thấy quy mô các trường, lớp tư thục chủ yếu dừng lại ở quy mô vừa và nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng ở những vùng có điều kiện kinh tế thuận lợi. Từ năm 2010 đến nay, tỉnh Sơn La đã ban hành một số chính sách đối với phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập. Tuy nhiên, các chính sách này chưa có tính đặc thù và đủ mạnh để khuyến khích các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập phát triển. Các văn bản liên quan còn thiếu đồng bộ nên các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi vay vốn gặp khó khăn ở trình tự, thủ tục. Việc thu hút đầu tư, phát triển hệ thống các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập cũng đặt ra nhiều thách thức, rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và sự đồng thuận của người dân.

Phong Lưu - Phan Trang

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/giai-phap-nao-cho-phat-trien-giao-duc-mam-non-ngoai-cong-lap-ky-i-nhung-kho-khan-bat-cap-38846