Giải pháp nào phát triển kinh tế báo chí trong môi trường kinh tế số?

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí đang phải đối mặt với nguy cơ sụt giảm doanh thu mạnh mẽ, trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội đã lấy đi khoảng 70% doanh thu của báo chí chính thống.

Sáng ngày 14/6 tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức hội thảo "Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số".

Hội thảo đã nhận được hơn 50 tham luận của các học giả hàng đầu về kinh tế và báo chí, truyền thông đến từ Việt Nam và nhiều nước trên thế giới như Đức, Áo, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia…, chuyên gia đến từ các tập đoàn Google, Viettel, VieOn, Le Bross… Các tham luận và ý kiến đã tiếp cận phong phú theo nhiều góc độ, nhiều chiều cạnh về vấn đề kinh tế báo chí truyền thông trong bối cảnh kinh tế số.

Thứ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Huy Dũng

Thứ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Huy Dũng

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết, hiện nay nhiều cơ quan báo chí vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong việc tự chủ tài chính. Ngoài ra, Chi phí đầu tư cho báo chí trên tổng ngân sách nhà nước vẫn còn rất thấp chỉ đạt 0,25%.

Thống kê cho thấy doanh thu của các báo, tạp chí trong 9 tháng đầu năm 2023 đã giảm 10% so với cùng kỳ 2022. Hầu hết các đài truyền hình đều không khai thác được hết thời lượng quảng cáo trong 1 ngày trên kênh, chương trình theo quy định cho phép của Luật Quảng cáo.

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT, báo in, báo điện tử hay phát thanh, truyền hình đều dựa khá nhiều vào nguồn thu quảng cáo. Có lúc, doanh thu từ quảng cáo luôn chiếm trên 60%, thậm chí, đối với một số cơ quan báo chí là trên 90%.

"Tuy nhiên, hiện nay các cơ quan báo chí đang phải đối mặt với nguy cơ sụt giảm doanh thu mạnh mẽ, trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội đã lấy đi khoảng 70% doanh thu của báo chí chính thống".

Theo PGS.TS Bùi Chí Trung - Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, việc phát triển kinh tế báo chí truyền thông không chỉ cần nhìn từ một vài trường hợp cụ thể, từ riêng một lĩnh vực hay loại hình riêng biệt mà cần được nhìn nhận ở quy mô tổng thể, chiến lược và toàn diện của hệ thống báo chí quốc gia, gắn với bối cảnh phát triển kinh tế số mạnh mẽ hiện nay. Từ đó có bước phát triển đột phá nhằm thực hiện tốt vai trò, chức năng báo chí cách mạng, của hệ thống truyền thông Việt Nam chuyên nghiệp và nhân văn.

Theo thống kê, hiện nay cả nước có 6 cơ quan báo chí chủ lực đa phương tiện, 127 báo, 670 tạp chí; 72 cơ quan phát thanh, truyền hình. Tuy khác nhau về loại hình nhưng phần lớn cơ quan báo chí đang sụt giảm về nguồn thu, nhất là các đài truyền hình và cơ quan báo chí tự chủ hoàn toàn về tài chính.

Khó khăn này một phần do các cơ quan báo chí trong nước đang bị các nền tảng xã hội cạnh tranh về quảng cáo - truyền thông và cả người đọc, người xem. Các doanh nghiệp còn cắt giảm chi phí cho quảng cáo - truyền thông, nhất là những năm gần đây. Bên cạnh đó nguồn lực và cơ chế của Nhà nước cho đặt hàng báo chí còn hạn chế và tình trạng vi phạm bản quyền chưa được giải quyết triệt để.

Video đang được quan tâm:

Miền Bắc nắng nóng như đổ lửa, nền nhiệt có thể đạt mức kỷ lục.

Vũ Hồng Hải

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/giai-phap-nao-phat-trien-kinh-te-bao-chi-trong-moi-truong-kinh-te-so-169240614103156766.htm