Giải pháp nền tảng cho thư viện trường học
Việc có một danh mục sách tham khảo, nền tảng được cho là giải pháp thiết thực cho việc dạy, học, phát triển văn hóa đọc của học sinh tiểu học.
Trên thế giới, sách tham khảo chủ yếu được dùng cho thầy cô giáo để làm phong phú bài giảng của mình, nhưng tại Việt Nam mỗi năm lại có không ít phụ huynh phải than phiền vì chi phí mua thêm sách tham khảo bên cạnh sách giáo khoa. Không chỉ chi phí bị đội lên nhiều, mà việc chọn sách tham khảo nào, giúp con áp dụng nó vào bài học như thế nào càng khiến các phụ huynh đau đầu.
Trong khi đó, thư viện tại trường học được trang bị sách dồi dào, giải quyết được vấn đề về sách tham khảo cho phụ huynh thì phần lớn đều gặp khó khăn trong việc thiết lập danh mục sách phân chia theo chủ đề môn học, cấp, lớp để phục vụ nhu cầu giảng dạy, học tập của thầy cô và học sinh.
Giải pháp nền tảng cho việc học và đọc
Chia sẻ với Zing, chị Bùi Ngọc Bích - cán bộ thư viện trường Tiểu học An Phước, tỉnh Đồng Tháp - cho biết các giáo viên thường phải tốn nhiều thời gian để tìm tài liệu trong thư viện mà cũng chưa chắc đã tìm được đầy đủ tài liệu.
“Không phải ai cũng có hiểu biết về nghiệp vụ thư viện, đặc biệt là thời gian giáo viên vào thư viện rất ít, không có thời gian giao tiếp nhiều để mình có thể hướng dẫn cụ thể cho từng người", chị Bích tâm sự.
Tương tự, chị Lê Thị Ánh Tuyết - cán bộ thư viện tại trường Tiểu học Nguyễn Du, tỉnh Đăk Lăk - cho biết dù đã có phân loại theo từng cấp học, hiện nay nhiều giáo viên chọn cách tra Google vì hầu như không có thời gian để vào thư viện tìm sách mỗi khi soạn giáo án.
Theo khảo sát các thư viện trường học trên địa bàn TP.HCM hiện nay, hầu hết nguồn sách được sắp xếp theo môn loại. Vì thế, người làm công tác thư viện gặp không ít khó khăn trong việc phối hợp với giáo viên xem nội dung từng cuốn sách trong từng môn loại để tập hợp lại theo chủ đề của mỗi môn học.
Nhằm giúp nhà trường giải quyết vấn đề trên, Hội Xuất bản Việt Nam căn cứ theo khung Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 và các văn bản quy định khác liên quan đến hoạt động thư viện, phát triển văn hóa đọc trong nhà trường, đã lập dự án hình thành danh mục sách theo chủ đề của mỗi môn học phục vụ việc dạy và học trong trường tiểu học.
Sau hơn hai năm triển khai với sự hỗ trợ chọn lọc, phân loại và nhận xét từng tựa sách của các chuyên gia giáo dục và giáo viên tiểu học, tổng hợp từ nguồn sách khoảng 6.000 tựa dành cho thiếu nhi của hơn 30 đơn vị xuất bản trên cả nước, dự án hiện có 965 tựa sách được tuyển chọn, sắp xếp đưa vào danh mục sách khuyến nghị hỗ trợ dạy và học theo từng chủ đề, môn học, lớp học thuộc cấp Tiểu học.
Theo ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, trong chương trình đổi mới phương pháp dạy và học, lấy học sinh làm trung tâm, thầy cô giáo có thể tham khảo các tựa sách trong danh mục để thiết kế những bài giảng mở rộng. Tiếp đến là học sinh đọc để mở rộng kiến thức, không chỉ là đọc, mà còn là đọc có phương pháp, đọc theo chủ đề và theo nội dung môn học. Không chỉ giải quyết được những nhu cầu cấp thiết tại trường học, đây còn được xem là phương pháp nền tảng để hình thành thói quen đọc cho các em từ cấp tiểu học.
“Việc có một danh mục sách tham khảo góp phần hình thành thói quen đọc nơi trẻ và văn hóa đọc nơi nhà trường, vì các em đọc theo môn học, theo chủ đề cùng thầy cô. Việc đọc để học diễn ra thường xuyên, liên lục trong cả một năm học, là quá trình mà các em luôn được tiếp cận với sách, đọc sách, góp phần hình thành thói quen đọc sách nơi các em. Đó cũng chính là mục tiêu của Hội Xuất bản, của những người làm giáo dục”, ông chia sẻ.
Danh mục sách được chọn đều là những cuốn sách về tri thức, khám phá khoa học, ngôn ngữ, văn học, truyện về đạo đức, nhân cách, lối sống, về kỹ năng giao tiếp, ứng xử, về lịch sử địa phương... là những câu chuyện vui tươi, nhẹ nhàng, hấp dẫn liên quan đến từng bài học, từng môn học với những tranh ảnh, hình vẽ phong phú, kiến thức gợi mở, phù hợp với học sinh theo lứa tuổi của từng lớp.
Nâng cao vai trò của người làm thư viện
Sau gia đình, trường học có vai trò to lớn trong việc hình thành thói quen đọc sách và năng lực đọc ở học sinh. Với quan điểm "thư viện là trái tim của trường học”, vai trò của giáo viên, thủ thư trường học như là những người đỡ đầu, cố vấn trong việc hỗ trợ học sinh học tập và hình thành thói quen đọc đang được chú ý hơn bao giờ hết.
“Nếu đã có sự thay đổi về chương trình dạy, giáo viên thay đổi về phương pháp giảng dạy, chúng ta cũng phải có thay đổi trong các hoạt động thư viện để đáp ứng yêu cầu mới, phù hợp với chương trình giáo dục mới”, bà Nguyễn Thị Kim Nhung - nguyên chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 11, TP.HCM - nhấn mạnh trong các buổi trao đổi với cán bộ thư viện.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Nhung, việc có một danh mục sách theo chủ đề, môn học/lớp học phù hợp với chương trình phổ thông sẽ là giải pháp lâu dài cho các thư viện trường tiểu học. Theo đó, các cán bộ thư viện không còn là người giữ sách, mà là người nắm rõ được chương trình dạy học để hỗ trợ giáo viên, tổ chức các hoạt động khuyến đọc cho học sinh.
Đối với những băn khoăn của các cán bộ thư viện về vấn đề kinh phí, không gian, thời gian sắp xếp, phân loại tài liệu... bà Kim Nhung khuyến khích các thư viện vẫn giữ nguyên cách phân loại sẵn có, nhưng chọn lọc ra những cuốn sách phù hợp với từng chủ đề môn học đáp ứng chương trình dạy học, sắp xếp riêng, giới thiệu đến giáo viên, học sinh và tổ chức các hoạt động đọc sách tại thư viện. Danh mục sách tham khảo cũng được cập nhật hàng năm để đưa vào những tựa sách mới từ các nhà xuất bản trên cả nước, là một nguồn tham khảo nhanh chóng và đầy đủ mỗi khi thư viện cần bổ sung sách mới.
Danh mục Sách khuyến nghị hỗ trợ dạy và học cấp tiểu học hiện được tài trợ cho 50 trường tiểu học và được nhiều trường tiểu học tại các quận huyện ở TP.HCM mua và giới thiệu đến giáo viên học sinh của trường, đã cho thấy những chuyển biến tích cực. Các phiếu mượn sách của học sinh cho thấy chỉ trong chưa đầy nửa năm, nhiều học sinh đã mượn đọc từ 20-40 cuốn sách với đa dạng chủ đề, thể loại.
“Ai nói học sinh ít đọc, tôi thấy các em đọc rất nhiều. Là người làm công tác thư viện, chúng ta phải thông qua các hoạt động để khuyến khích các em đọc sách, tạo thói quen cho các em đọc sách”, bà Nhung nói thêm.
Dự án này cũng vừa được giới thiệu đến nhiều tỉnh thành khác như Đăk Nông, Đồng Tháp, Đăk Lăk nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Trong quá trình giới thiệu danh mục sách tham khảo, các lớp tập huấn nghiệp vụ dành cho giáo viên, cán bộ thư viện cũng được tổ chức để giúp trường sử dụng hiệu quả nguồn sách trong thư viện phục vụ cho yêu cầu học tập, giảng dạy, hình thành thói quen đọc sách nơi trẻ.
Nhiều cán bộ thư viện sau khi được nghe trình bày về danh mục sách tham khảo, cũng như nhiều giải pháp phân loại sách theo chủ đề, môn học, tổ chức chương trình khuyến đọc như trò chơi với sách, bữa tiệc sách… đã tỏ ra hào hứng.
“Nếu làm được danh mục tài liệu thì giáo viên và cả học sinh sẽ tiếp cận với sách nhanh hơn, tìm kiếm đúng sách, phù hợp với nhu cầu. Bản thân tôi cũng có thể xem xét lại các tựa sách phù hợp với nhu cầu của trường mình, thêm những chi tiết cụ thể dựa theo đó để giáo viên và học sinh tại trường mình có thể tìm sách nhanh hơn”, chị Bùi Ngọc Bích, cán bộ thư viện tại Đồng Tháp, chia sẻ.
Chị Lê Thị Ánh Tuyết, cán bộ thư viện tại Đăk Lăk, cho biết sẽ áp dụng danh mục vào thư viện trường: “Dựa trên phân loại sẵn có tại thư viện mình, từ đó bổ sung những phân loại cụ thể như thế này, công việc của mình cũng như của các thầy cô sẽ thuận tiện hơn rất nhiều về lâu về dài".