Giải pháp phát triển toàn diện các khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh
Quảng Ninh đang đẩy mạnh phát triển toàn diện các khu kinh tế chiến lược như Vân Đồn, Quảng Yên, Móng Cái nhằm trở thành trung tâm công nghiệp – dịch vụ phía Bắc.

Lời Tòa soạn:
Trong tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu, các khu kinh tế (KKT) ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển không gian kinh tế quốc gia. Với vị trí địa kinh tế đặc biệt, Quảng Ninh là địa phương hiếm hoi trên cả nước đồng thời sở hữu cả khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ và trung tâm du lịch – thương mại quốc tế.
Những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung xây dựng và phát triển các KKT như Vân Đồn, Móng Cái, Quảng Yên, Hoành Mô – Đồng Văn và Bắc Phong Sinh thành các cực tăng trưởng mới, gắn với trục động lực ven biển và biên giới. Các khu kinh tế này không chỉ góp phần thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế tỉnh theo hướng hiện đại, bền vững mà còn đóng vai trò là cầu nối hợp tác kinh tế quốc tế, đặc biệt trong khuôn khổ ASEAN – Trung Quốc – Hàn Quốc – Nhật Bản.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu nổi bật, quá trình phát triển các khu kinh tế Quảng Ninh vẫn còn tồn tại những điểm nghẽn về thể chế, hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực và tính liên kết vùng. Trước yêu cầu phát triển mới, đòi hỏi cần có các giải pháp toàn diện, đồng bộ và đột phá để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng khu, đảm bảo phát triển hài hòa giữa kinh tế – xã hội – môi trường – quốc phòng an ninh.
Nằm trong chuỗi bài với chủ đề Nhận diện thời cơ, thuận lợi và khó khăn để Quảng Ninh phát triển công nghiệp xanh, bền vững, bài viết thứ 4 với tựa đề: Giải pháp phát triển toàn diện các khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh của TS.LS, Doanh nhân Phạm Hồng Điệp, Ủy viên Hội đồng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ phân tích thực trạng phát triển các KKT, xác định những nút thắt còn tồn tại, từ đó đề xuất một số nhóm giải pháp phát triển toàn diện các KKT của tỉnh Quảng Ninh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược trong giai đoạn 2025–2045 và đưa Quảng Ninh trở thành một trung tâm kinh tế năng động hàng đầu khu vực phía Bắc.
Các bài viết trước:
Bài 1: Phân tích điểm mạnh - điểm yếu phát triển công nghiệp Quảng Ninh
Bài 2: Phân tích chiến lược phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Ninh trong giai đoạn chuyển đổi kinh tế xanh
Bài 3: Giải pháp khắc phục điểm nghẽn quy hoạch điện cho phát triển công nghiệp Quảng Ninh
I. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN CÁC KHU KINH TẾ CỦA QUẢNG NINH
Trong tiến trình phát triển nhanh và bền vững của tỉnh Quảng Ninh những năm gần đây, các khu kinh tế (KKT) đóng vai trò ngày càng quan trọng, trở thành những cực tăng trưởng mới, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút mạnh dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước, và tạo dựng các đô thị – công nghiệp – dịch vụ hiện đại.
Với định hướng trở thành trung tâm phát triển công nghiệp – dịch vụ – logistics – du lịch biển hàng đầu khu vực phía Bắc, Quảng Ninh đã quy hoạch và hình thành một hệ thống các KKT chiến lược như Vân Đồn, Móng Cái, Quảng Yên… gắn liền với trục cao tốc, cảng biển và hành lang kinh tế ven biển Bắc Bộ. Đặc biệt, các khu kinh tế ven biển (Vân Đồn, Quảng Yên) và khu cửa khẩu (Móng Cái, Hoàng Mô – Đồng Văn, Bắc Sinh Phong) đã phát huy rõ vai trò “bàn đạp” thu hút đầu tư FDI, phát triển công nghiệp chế biến – chế tạo, thương mại biên mậu, và dịch vụ logistics chất lượng cao.

Tuy nhiên, quá trình phát triển cũng đang đặt ra những yêu cầu mới về chất lượng hạ tầng, tính liên kết vùng, đổi mới thể chế và đảm bảo phát triển bền vững. Đánh giá đúng thực trạng hiện nay là cơ sở quan trọng để Quảng Ninh xác định các giải pháp đột phá nhằm nâng tầm các KKT trong giai đoạn tới.
1. Khu kinh tế ven biển Vân Đồn
Khu kinh tế ven biển Vân Đồn được thành lập theo Quyết định số 120/2007/QĐ-TTg ngày 26/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ có diện tích 217.133ha Là khu kinh tế ven biển đa ngành, được định hướng trở thành đặc khu kinh tế với các trụ cột: dịch vụ tổng hợp cao cấp, du lịch sinh thái biển đảo, công nghiệp công nghệ cao và trung tâm logistics quốc tế.
Đến nay, đã hình thành các công trình hạ tầng chiến lược như: Cảng hàng không Vân Đồn, cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, Cảng Ao Tiên giai đoạn 1. Lũy kế đến hết năm 2024, KKT đã thu hút được hơn 63.000 tỷ đồng đầu tư ngoài ngân sách, nổi bật là các dự án của Sun Group (sân bay, cảng, tổ hợp du lịch cao cấp), đón hơn 1,8 triệu lượt khách/năm và đặt mục tiêu đạt 2 triệu lượt vào 2025.
Vân Đồn là địa bàn có mức đầu tư hạ tầng công lớn nhất, hứa hẹn trở thành trung tâm tăng trưởng đột phá. Nhưng cần phải đồng bộ hơn trong triển khai các phân khu chức năng và quản lý quy hoạch, thu hút ngành công nghiệp.
2. Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái
Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái được thành lập theo Quyết định số 19/2012/QĐ-TTg ngày 10/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ có diện tích 121.197 ha được xác định Là KKT cửa khẩu trọng điểm quốc gia trong hợp tác kinh tế Việt – Trung và ASEAN – Trung Quốc; dự kiến đến 2040 là trung tâm kinh tế – đô thị với dân số quy đổi dự kiến 460 - 470 ngàn người.
Hạ tầng đã được nâng cấp: hoàn thành cầu Bắc Luân II, đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, các trung tâm logistics và kho ngoại quan. Năm 2024: kim ngạch XNK qua cửa khẩu đạt hơn 5,1 tỷ USD, tăng trưởng ổn định trên 15–20%/năm và thu hút một số nhà đầu tư trong lĩnh vực logistics, thương mại, dịch vụ cửa khẩu và du lịch biên mậu.
Móng Cái đã và đang giữ vai trò trung tâm logistics – thương mại quan trọng khu vực phía Bắc. Tuy nhiên, cần đẩy mạnh phát triển khu công nghiệp – dịch vụ phụ trợ và kiểm soát tốt các vấn đề biên giới, môi trường, kết nối với chuỗi sản xuất trong nước.
3. Khu kinh tế ven biển Quảng Yên
Khu kinh tế ven biển Quảng Yên được thành lập theo Quyết định số 29/2020/QĐ-TTg ngày 24/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ có diện tích 13.303 ha được xác định là cực tăng trưởng công nghiệp – cảng biển mới, KKT ven biển mới, định hướng phát triển đô thị – cảng biển – công nghiệp công nghệ cao gắn với hành lang ven sông Bạch Đằng, cửa ngõ kết nối Hải Phòng – Hạ Long. Nhưng đến nay đồ án quy hoạch chung khu kinh tế ven biển Quảng Yên vẫn chưa được phê duyệt mới dừng lại bước xin thẩm định nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng KKT ven biển Quảng Yên đến năm 2050.
Hạ tầng đã được đầu tư gồm các tuyến đường trục ven sông, cầu Bạch Đằng kết nối Hải Phòng – Quảng Yên – Hạ Long. Đã hình thành KCN Bắc Tiền Phong, Nam Tiền Phong, thu hút nhiều nhà đầu tư như DEEP C, Amata...Một số cảng biển và logistics đang được triển khai như: Cảng Nam Tiền Phong, Cảng dịch vụ công nghiệp Đình Vũ – Quảng Yên.
Quảng Yên đang nổi lên như một "cực tăng trưởng mới" về công nghiệp và đô thị hóa. Thách thức chính là đẩy nhanh giải phóng mặt bằng và đảm bảo đồng bộ hạ tầng kỹ thuật – xã hội, đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chung xây dựng và quy hoạch phân khu làm cơ sở để thu hút đầu tư.
4, Khu kinh tế cửa khẩu Hoàng Mô – Đồng Văn
Khu kinh tế cửa khẩu Hoàng Mô – Đồng Văn được thành lập theo Quyết định số 115/QĐ-TTg ngày 13/9/2002 của Thủ tướng Chính phủ có diện tích 14.236 ha với mục tiêu phát triển đa ngành, trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, dịch vụ, du lịch của vùng biên giới phía Bắc tỉnh Quảng Ninh, đồng thời là cửa ngõ giao thương quốc tế và đầu mối giao thông quan trọng.
Trong 5 năm trở lại đây, tại cửa khẩu Hoành Mô mỗi năm có hơn 60 doanh nghiệp hoạt động thương mại XNK. Tổng kim ngạch XNK qua cặp cửa khẩu Hoành Mô - Động Trung trung bình đạt khoảng 80 triệu USD/năm, góp phần rất lớn vào thu ngân sách của huyện Bình Liêu và giải quyết việc làm, phát triển dịch vụ trên địa bàn.
Nhưng bên cạnh đó KKT vẫn còn các hạn chế sau: Công suất bến bãi hạn chế, chưa đủ cho nhu cầu xuất nhập khẩu quy mô lớn; Hạ tầng giao thông nội địa còn yếu, đường dốc, cua gấp gây khó khăn cho xe container lớn; Phụ thuộc lớn vào quy định thông quan từ Trung Quốc, dễ bị ảnh hưởng khi có thay đổi chính sách biên giới; Chính sách thu hút đầu tư còn chưa đủ mạnh, đang trong quá trình đề xuất bổ sung, hoàn thiện cơ chế hấp dẫn.
5. Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Sinh Phong
Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Sinh Phong được thành lập theo Quyết định số 115/QĐ-TTg ngày 13/9/2002 của Thủ tướng Chính phủ có diện tích 9.302 ha được định hướng phát triển thành KKT cửa khẩu quốc tế năng động – thông minh, chuyên về thương mại, dịch vụ, logistics, công nghiệp phụ trợ, tiểu thủ công nghiệp, du lịch; đồng thời phát triển không gian đô thị biên giới đồng bộ tại quyết định số 1618/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế (KKT) cửa khẩu Bắc Phong Sinh, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2045.
Thách thức cần khắc phục: (i) Hạ tầng đường nội bộ chưa đủ năng lực đáp ứng xe container lớn, cần mở rộng và cải tạo; (ii) Cơ chế thu hút doanh nghiệp cần đột phá hơn, nhất là về ưu đãi và hỗ trợ lâu dài; (iii) Cần kết nối chặt với hệ sinh thái KCN lân cận – như KKT Hoành Mô, Móng Cái, Cảng Hải Hà – để tạo hiệu ứng lan tỏa.
Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh là địa bàn có nền tảng hạ tầng cơ bản tốt, nghiệp vụ XNK tăng trưởng mạnh, và được ưu tiên quy hoạch phát triển chiến lược đến 2045. Để khai thác tối đa tiềm năng, cần tập trung hoàn thiện hạ tầng giao thông – logistics, triển khai đúng tiến độ quy hoạch chung, và thúc đẩy mời gọi đầu tư vào hệ sinh thái hậu cần, chế biến và dịch vụ.
II. THỰC TRẠNG QUY HOẠCH “TREO” KHU KINH TẾ VEN BIỂN QUẢNG YÊN
Mặc dù KKT đã được Thủ tướng bổ sung vào diện các KKT ven biển Việt Nam từ ngày 22/5/2020, nhưng đến giữa năm 2025, Đồ án Quy hoạch chung đến năm 2050 vẫn đang trong giai đoạn nhiệm vụ và chưa được phê duyệt chính thức. Ngày 9/13/5/2025, Hội đồng thẩm định liên ngành (do Bộ Xây dựng chủ trì) đã tổ chức thẩm định nhiệm vụ quy hoạch vào, đánh giá hồ sơ cơ bản đầy đủ nhưng yêu cầu phải bổ sung nhiều nội dung quan trọng như: mạng lưới giao thông kết nối, thương mại – dịch vụ, bảo tồn văn hóa – môi trường, mối liên kết với các KKT lân cận…Dự thảo nhiệm vụ quy hoạch đã điều chỉnh 07 vị trí ranh giới, nhưng giữ nguyên tổng diện tích.
Vì chưa có Quy hoạch chung xây dựng phê duyệt, nên chưa thể lập quy hoạch xây dựng phân khu (ngoài 3 KCN đã có) dẫn đến một loạt hệ quả và rủi ro:
1. Đình trệ thu hút đầu tư chiến lược:
- Nhiều nhà đầu tư tiềm năng (DEEP C, Amata, Vingroup, các tập đoàn logistics...) đã đăng ký nghiên cứu nhưng chưa thể triển khai dự án do chưa có cơ sở pháp lý về mặt không gian.
- Tỉnh khó tổ chức đấu giá, giao đất, cho thuê đất có thời hạn do thiếu quy hoạch được phê duyệt.
- Mất cơ hội cạnh tranh với các địa phương như Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An – nơi có quy hoạch rõ ràng và quỹ đất công nghiệp sẵn sàng.
2. Chậm phát huy hiệu quả hạ tầng đã đầu tư:
- Hàng loạt công trình giao thông quan trọng (cầu Bạch Đằng, tuyến đường ven sông, nút giao Đầm Nhà Mạc...) đã hoàn thành, nhưng không phát huy hết năng lực kết nối vì chưa có phân khu và dự án động lực.
- Cơ sở hạ tầng ở Đầm Nhà Mạc (các cảng, đường kết nối cao tốc) đã được đầu tư nhưng chưa khớp nối đồng bộ với hạ tầng nội bộ khu công nghiệp, dẫn đến tình trạng chưa “xanh hóa” quỹ đất và thụ hưởng lợi ích kép từ cảng – công nghiệp – đô thị.
- KCN Bắc Tiền Phong, Nam Tiền Phong mới triển khai cục bộ, chưa tạo được cụm động lực lan tỏa toàn KKT.
3. Rủi ro “quy hoạch treo” kéo dài, ảnh hưởng đời sống người dân: Người dân trong vùng dự kiến phát triển KKT không thể xây dựng, cải tạo, chuyển nhượng đất vì lo ngại bị thu hồi khi quy hoạch được duyệt. Kéo dài tình trạng đất đai bỏ hoang, sử dụng sai mục đích, tạo áp lực lên quản lý đất công, dễ phát sinh khiếu kiện.
4. Lãng phí cơ hội phát triển công nghiệp – đô thị ven biển:
- Quảng Yên có vị trí chiến lược: kết nối tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, nằm sát cảng biển, đường cao tốc và khu công nghệ cao... nhưng quy hoạch treo làm mất “thời điểm vàng” để chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
- Tỉnh chưa thể đồng bộ quy hoạch dân cư, hạ tầng kỹ thuật, cấp nước, thoát nước, logistics... dẫn đến chi phí đầu tư tăng cao về sau.
5,Tác động tiêu cực đến uy tín và năng lực điều hành: Nhà đầu tư, các tổ chức tài chính, tư vấn nước ngoài có thể đánh giá thấp khả năng quản trị quy hoạch và điều phối của địa phương. Dễ dẫn đến tâm lý chần chừ, rút lui hoặc dịch chuyển dòng vốn sang các khu kinh tế có quy hoạch minh bạch, tiến độ rõ ràng hơn.
III. GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
1. Giải pháp về thể chế, quy hoạch và quản lý
- Hoàn thiện thể chế và cơ chế đặc thù: Kiến nghị Chính phủ ban hành cơ chế ưu đãi đặc biệt riêng cho từng KKT, phù hợp tính chất cửa khẩu, biển đảo, công nghiệp – đô thị ven biển. Thí điểm mô hình “Ban Quản lý KKT – đô thị đặc quyền” để nâng cao năng lực điều hành, rút gọn thủ tục đầu tư.
- Đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt và cập nhật quy hoạch: Hoàn thành Quy hoạch chung KKT ven biển Quảng Yêntrước cuối 2025; công bố công khai, làm cơ sở triển khai các quy hoạch phân khu. Tổ chức rà soát, điều chỉnh cục bộ các quy hoạch phân khu tại Vân Đồn, Móng Cái, Hoành Mô… phù hợp với tốc độ đô thị hóa và yêu cầu đầu tư thực tế.
- Thực hiện quy hoạch “mở – linh hoạt – tích hợp”: Lồng ghép các yếu tố kinh tế xanh, chuyển đổi số, ứng phó biến đổi khí hậu vào quy hoạch chung và phân khu. Áp dụng mô hình phát triển theo cụm chức năng liên kết giữa KKT – KCN – đô thị – cảng biển – logistics.
2. Giải pháp về hạ tầng và kết nối vùng
- Đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông – logistics – chuyển đổi số: Ưu tiên xây dựng hệ thống cảng biển nước sâu, cảng cạn ICD, khu phi thuế quan và trung tâm logistics hiện đại tại Quảng Yên, Móng Cái. Hoàn thiện các tuyến cao tốc kết nối liên vùng, đường ven biển, quốc lộ cửa khẩu. Phát triển hạ tầng chuyển đổi số – đô thị thông minh tại KKT Vân Đồn, Móng Cái.
- Liên kết hạ tầng – chuỗi cung ứng vùng: Kết nối hạ tầng giữa các KKT với các KCN (Đông Mai, Hải Hà, Bắc Tiền Phong…) để hình thành mạng lưới sản xuất – tiêu thụ vùng. Đẩy mạnh hợp tác Quảng Ninh – Hải Phòng – Hải Dương – Lạng Sơn – Trung Quốc trong logistics, du lịch biên giới và công nghiệp hỗ trợ.
3. Giải pháp về thu hút đầu tư và phát triển ngành
- Thu hút đầu tư có chọn lọc – tạo cực tăng trưởng: Xây dựng danh mục dự án trọng điểm mời gọi đầu tưtại từng KKT (công nghệ cao tại Quảng Yên, dịch vụ – du lịch tại Vân Đồn…). Tăng cường hợp tác công – tư (PPP)cho hạ tầng, logistics và đô thị tại vùng lõi KKT.
- Phát triển ngành theo lợi thế từng khu kinh tế:

4. Giải pháp về nhân lực, môi trường và đổi mới sáng tạo
- Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: Xây dựng trung tâm đào tạo kỹ thuật – logistics tại Quảng Yên, Móng Cái. Kết nối nhà đầu tư, trường nghề, tổ chức quốc tế để đào tạo theo nhu cầu thị trường.
- Tăng cường bảo vệ môi trường và phát triển bền vững: Triển khai hạ tầng xử lý nước thải, chất thải công nghiệp và sinh hoạt tại các KKT ven biển. Yêu cầu các dự án đầu tư áp dụng tiêu chuẩn ESG, thúc đẩy kinh tế xanh, tuần hoàn.
- Thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo: Hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ, logistics, dịch vụ du lịch số; hình thành trung tâm khởi nghiệp vùng Đông Bắc tại Vân Đồn – Quảng Yên.
5. Cơ chế theo dõi, điều phối và đánh giá
- Xây dựng hệ thống giám sát quy hoạch và đầu tư: Áp dụng nền tảng GIS + dữ liệu mởđể giám sát tiến độ quy hoạch, dự án, giao đất, hạ tầng tại từng KKT. Xây dựng báo cáo đánh giá hiệu quả đầu tư – tăng trưởng theo quý/năm của từng khu.
- Tổ chức bộ máy quản lý chuyên nghiệp, liên thông: Thành lập Tổ điều phối liên ngành các KKTcấp tỉnh, phối hợp với bộ ngành Trung ương và địa phương lân cận.
IV. CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN RIÊNG KHU KINH TẾ VEN BIỂN VÂN ĐỒN
KKT ven biển Vân Đồn được định hướng là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm dịch vụ cao cấp – công nghệ cao – du lịch biển đảo tầm quốc tế, và một trong những cực tăng trưởng mới của phía Bắc. Là cửa ngõ giao thương quốc tế với Trung Quốc, ASEAN và Đông Bắc Á, với lợi thế cảng biển nước sâu, sân bay quốc tế và kết nối đường cao tốc.

Nằm ở phía đông tỉnh Quảng Ninh, đặc khu Vân Đồn có nhiều dự án hạ tầng lớn như cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái, cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, bến cảng Ao Tiên...
1. Trụ cột phát triển
- Trung tâm tài chính – dịch vụ cao cấp: Từng bước hình thành khu dịch vụ tài chính, ngân hàng, thương mại tự do gắn với các chính sách đặc thù (thí điểm sandbox tài chính, ưu đãi thuế, quản lý ngoại hối linh hoạt). Thu hút đầu tư các tổ chức tài chính quốc tế, công ty đầu tư mạo hiểm, trung tâm thanh toán quốc tế.
- Du lịch nghỉ dưỡng biển đảo – giải trí cao cấp: Phát triển mô hình "đảo sinh thái thông minh" kết hợp giữa du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe, casino, golf, bến du thuyền, công viên giải trí biển. Kêu gọi đầu tư các tập đoàn lớn như Vingroup, Sun Group, Novaland, các tập đoàn nước ngoài đến từ UAE, Hồng Kông, Singapore…
- Công nghệ cao – đổi mới sáng tạo: Phát triển các khu công nghệ cao quy mô nhỏ và vừa, tập trung vào công nghệ sinh học biển, năng lượng tái tạo, logistics thông minh, trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi số.Thiết lập các khu thử nghiệm đổi mới sáng tạo và ươm tạo công nghệ (innovation sandbox).
- Định hướng phát triển công nghiệp “xanh – công nghệ cao – giá trị gia tăng lớn”: Hình thành các cụm công nghiệp công nghệ cao – sinh thái – đô thị hóa thông minh. Xây dựng mô hình KCN sinh thái – thông minh, áp dụng tiêu chuẩn quốc tế về phát thải carbon, quản lý chất thải, sử dụng năng lượng sạch. Tích hợp hệ thống logistics, thương mại điện tử và hệ thống R&D để tạo chuỗi giá trị khép kín.
- Mô hình quản lý – phát triển đột phá: Thực hiện mô hình "một cấp chính quyền – một đầu mối quản lý thống nhất" cho toàn bộ KKT, tinh gọn bộ máy, phân quyền tối đa cho Ban quản lý. Áp dụng cơ chế đặc thù về đất đai, thuế, đầu tư, tài chính – ngân sách tương tự mô hình Thâm Quyến, Jeju, Dubai. Từ ngày 1/7/2025 đã được nâng cấp lên "Đặc khu Vân Đồn" bao gồm toàn bộ huyện đảo với 12 xã theo Nghị quyết số 1679/NQ-UBTVQH15 ngày 16/6/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội , đề xuất trung ương xem xét cho phép KKT Vân Đồn vận hành theo mô hình “khu kinh tế đặc biệt thế hệ mới”, được thử nghiệm thể chế vượt trội, linh hoạt hơn Luật hiện hành.
Phát triển bền vững – bản sắc riêng: Ưu tiên phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn, hạn chế thâm dụng tài nguyên. Bảo tồn hệ sinh thái vịnh Bái Tử Long, biển đảo Vân Đồn. Kết hợp yếu tố bản sắc văn hóa địa phương với kiến trúc hiện đại quốc tếđể tạo nên điểm đến khác biệt.
Mục tiêu đến năm 2030: Vân Đồn trở thành trung tâm tài chính, công nghệ và du lịch biển đảo mang tầm khu vực châu Á. Góp phần quan trọng vào tăng trưởng GRDP và ngân sách tỉnh Quảng Ninh, tạo động lực lan tỏa cho toàn vùng Đông Bắc.
2. Giải pháp phát triển khu kinh tế ven biển Vân Đồn
Hoàn thiện quy hoạch và định hướng phát triển không gian: Đẩy nhanh việc phê duyệt và điều chỉnh các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết gắn với định hướng phát triển “trung tâm tài chính – công nghệ – du lịch biển đảo”. Quy hoạch linh hoạt các phân khu chức năng khu tài chính – thương mại tự do, khu du lịch nghỉ dưỡng biển đảo, khu công nghệ cao, đô thị xanh. Tăng cường kết nối đồng bộ với các trục giao thông chiến lược như cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, cảng biển nước sâu, sân bay quốc tế Vân Đồn.
Thu hút đầu tư chiến lược – có chọn lọc: Lựa chọn nhà đầu tư chiến lược có năng lực quốc tế, ưu tiên các tập đoàn trong lĩnh vực tài chính, công nghệ, nghỉ dưỡng cao cấp. Xây dựng danh mục các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư, công khai quy hoạch, quy trình và chính sách. Đề xuất trung ương hỗ trợ cơ chế lựa chọn nhà đầu tư chiến lược không qua đấu giá/đấu thâùtrong các trường hợp đặc biệt (theo Luật Đầu tư, Luật Đặc khu – nếu ban hành).
Thể chế và cơ chế chính sách đặc thù: Kiến nghị Chính phủ áp dụng thí điểm các cơ chế chính sách vượt trội, bao gồm:Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, miễn giảm tiền thuê đất.Thủ tục “một cửa – tại chỗ” với cơ chế ủy quyền sâu cho Ban quản lý KKT. Cho phép thử nghiệm mô hình “sandbox” về tài chính, công nghệ, đô thị thông minh.
Hạ tầng đồng bộ – thông minh – kết nối: Ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng giao thông, cảng biển, sân bay kết nối quốc tế. Đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng số, logistics thông minh, năng lượng tái tạo, đảm bảo phát triển bền vững. Triển khai mô hình thành phố thông minhtại trung tâm Khu kinh tế.
Phát triển nguồn nhân lực và môi trường sống: Hình thành các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu chất lượng cao tại Vân Đồn. Hợp tác quốc tế đào tạo nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực tài chính, khách sạn – du lịch, công nghệ số.Xây dựng đô thị hiện đại – sinh thái, đảm bảo điều kiện sống tốt cho chuyên gia, người lao động và người dân địa phương.
Bảo tồn sinh thái và phát triển bền vững: Quản lý chặt chẽ hoạt động đầu tư để bảo vệ hệ sinh thái biển đảo, vịnh Bái Tử Long. Phát triển kinh tế xanh – kinh tế tuần hoàn, ưu tiên các công trình đạt tiêu chuẩn môi trường quốc tế. Đưa yếu tố văn hóa bản địa, sinh thái biển đảo vào thiết kế đô thị, du lịch, nhằm tạo bản sắc riêng cho Vân Đồn.
V. CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN RIÊNG KHU KINH TẾ VEN BIỂN QUẢNG YÊN
Với tầm nhìn đến năm 2045 KKT ven biển Quảng Yên trở thành khu kinh tế ven biển đa ngành, thông minh, hiện đại, giữ vai trò trung tâm công nghiệp công nghệ cao, đô thị sinh thái – dịch vụ logistics quốc tế và đầu mối giao thương vùng Đồng bằng sông Hồng mở rộng. Dưới đây là đề xuất chiến lược phát triển riêng cho Khu kinh tế ven biển Quảng Yên, định hướng đến năm 2045, phù hợp với vai trò là “cực tăng trưởng công nghiệp – đô thị – cảng biển phía Tây” của tỉnh Quảng Ninh.

Khu kinh tế Quảng Yên sẽ là một trong những cực tăng trưởng của tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: baoquangninh.com.vn
1. Đột phá quy hoạch – thể chế
- Phê duyệt Quy hoạch chung KKT ven biển Quảng Yên đến năm 2050 trong năm 2025, triển khi song song lập các đồ án quy hoạch phân khu kịp phê duyệt trong Quý I/năm 2026 tạo bước đột phá để phát triển
- Xây dựng quy chế quản lý linh hoạt, “một cửa liên thông” giữa tỉnh và Ban quản lý KKT.
- Kiến nghị thí điểm mô hình "đặc khu công nghiệp – logistics – đô thị", có chính sách ưu đãi đầu tư riêng.
2. Tăng tốc phát triển hạ tầng chiến lược
- Đầu tư hoàn thiện cảng Nam Tiền Phong, đường ven sông – ven biển, cầu Bến Rừng, các trục nối với cao tốc Hạ Long – Hải Phòng.
- Phát triển trung tâm logistics tổng hợp và ICD (cảng cạn) phục vụ xuất nhập khẩu và phân phối nội địa.
3. Xây dựng Quảng Yên thành trung tâm logistics – công nghiệp phụ trợ ven biển phía Bắc
Khu kinh tế ven biển Quảng Yên nằm ở vị trí chiến lược trên trục hành lang kinh tế Quảng Ninh – Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai, tiếp giáp cụm cảng biển nước sâu Lạch Huyện, khu vực Đình Vũ – Cát Hải và hệ thống cao tốc Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long – Vân Đồn. Kết nối đa phương thức (đường bộ – đường thủy – đường sắt) giúp Quảng Yên thuận lợi trở thành điểm trung chuyển hàng hóa, vật tư kỹ thuật và linh kiện công nghiệp trong chuỗi cung ứng Bắc Bộ và quốc tế.
- Phát triển logistics hiện đại, đồng bộ: Đề xuất hình thành Trung tâm logistics cấp vùng tại Quảng Yên gắn với các KCN, cảng biển, ICD và hệ thống hạ tầng kho bãi. Kêu gọi đầu tư các trung tâm phân phối, cảng cạn (ICD), trạm trung chuyển container, ứng dụng công nghệ số vào quản lý logistics (smart logistics, e-logistics…).
- Phát triển công nghiệp phụ trợ – vệ tinh cho Hải Phòng – Hạ Long – Hà Nội: Hình thành các khu công nghiệp phụ trợ chuyên biệt phục vụ ngành điện tử, cơ khí chính xác, ô tô, đóng tàu, thiết bị y tế, năng lượng tái tạo...Ưu tiên thu hút doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, EU đầu tư theo mô hình “cụm công nghiệp phụ trợ – sản xuất thông minh – logistics tích hợp”.
- Kỳ vọng và định hướng: Đến năm 2030, Quảng Yên trở thành trung tâm logistics ven biển hàng đầu miền Bắc, đóng vai trò trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc – Việt Nam – ASEAN. Đồng thời là cứ điểm công nghiệp phụ trợ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, bổ trợ sản xuất cho Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh và Hà Nội.
4. Phát triển đô thị – dịch vụ cùng với khu công nghiệp thông minh
- Thay vì tách rời khu đô thị với KCN như trước đây, hãy tích hợp mô hình “khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ” (như VSIP, Deep C). Xây dựng các trung tâm R&D cho công nghệ chế tạo, hậu cần thông minh.
- Hình thành đô thị xanh – thông minh phía Tây Quảng Yên với các phân khu: nhà ở công nhân, dịch vụ đô thị, giáo dục – y tế – văn hóa. Đầu tư các tiện ích xã hội: bệnh viện, trường học, trung tâm điều hành kỹ thuật số KKT.
- Hợp tác với Đại học Hạ Long, Đại học Công nghiệp Quảng Ninh để phát triển nguồn nhân lực tại chỗ.
5. Khác biệt hóa chính sách ưu đãi so với Vân Đồn
-Ưu đãi tài chính – thuế: Đề xuất áp dụng chính sách ưu đãi cao nhất theo khung quy định tại Luật Đầu tư, Luật Đất đai và Luật Thuế cho doanh nghiệp đầu tư vào Khu kinh tế Quảng Yên. Giảm 50% phí sử dụng hạ tầng cảng nội bộ, kho logistics do tỉnh quản lý trong 5 năm đầu. Hỗ trợ chi phí xử lý môi trường, nhà ở công nhân, đầu tư hệ sinh thái sản xuất (trạm điện – nước – xử lý chất thải đồng bộ).
-Ưu đãi phi tài chính: Thủ tục “một cửa tại chỗ” tại Quảng Yên cho tất cả TTHC đầu tư, môi trường, xây dựng. Cam kết bàn giao đất sạch trong 60–90 ngày kể từ khi có quyết định chủ trương đầu tư. Tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí đào tạo sơ cấp nghề cho lao động địa phương tuyển dụng vào KKT. Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cấp phép nhanh, thủ tục hành chính một cửa, logistics xanh và chuyển đổi số.
- Ưu đãi đặc thù theo mô hình thí điểm: Cho phép áp dụng mô hình “khu thương mại tự do” trong khu logistics Quảng Yên (miễn kiểm tra, kiểm soát nội địa nếu hàng không lưu thông nội địa). Cơ chế tự chủ tài chính cho Ban quản lý KKT Quảng Yên, giữ lại một phần phí sử dụng hạ tầng để tái đầu tư hạ tầng công cộng trong khu.Việc khác biệt hóa chính sách ưu đãi giữa KKT Quảng Yên và Vân Đồn là cần thiết để: Tránh cạnh tranh chồng lấn nội vùng; Tối ưu hóa tiềm năng riêng của từng khu; Thu hút nhà đầu tư chiến lược đúng ngành nghề; Đảm bảo tính bền vững về ngân sách và môi trường.
6. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư quốc tế – chọn nhà đầu tư chiến lược
- Chuyển từ xúc tiến bị động sang chủ động có mục tiêu: Xây dựng danh mục dự án ưu tiên theo KKT ven biển Quảng Yên và lĩnh vực trọng điểm, gắn với lợi thế từng khu. Lập hồ sơ hóa và số hóa toàn bộ thông tin dự án, quỹ đất, cơ sở hạ tầng, công bố công khai bằng song ngữ.
-Tăng cường xúc tiến đầu tư cấp quốc gia – đa phương: Phối hợp Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Ngoại giao, các đại sứ quán, tham tán thương mại tổ chức roadshow, hội nghị xúc tiến tại Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Singapore, UAE. Mời các tổ chức xúc tiến thương mại và đầu tư quốc tế, như JETRO, KOTRA, EuroCham, AmCham làm đối tác chiến lược.
- Xây dựng hình ảnh Quảng Ninh là “đối tác tin cậy – điểm đến hấp dẫn”: Tập trung quảng bá vào các yếu tố: ổn định chính trị – kết nối hạ tầng – cải cách hành chính – sẵn sàng đất sạch – nhân lực chất lượng cao. Sản xuất video, ấn phẩm chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế; tổ chức các diễn đàn đầu tư gắn với trải nghiệm thực tế tại KKT ven biển Quảng Yên.
- Tổ chức xúc tiến đầu tư riêng cho Khu kinh tế ven biển Quảng Yên, với nhóm nhà đầu tư trọng tậm là doanh nghiệp có nguồn vốn FDI đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, điện tử, cảng biển. - Đàm phán với nhà đầu tư chiến lược như LG, Samsung, Foxconn,… để hình thành cụm ngành.
V. Kết luận
Khu kinh tế ven biển Vân Đồn và Quảng Yên là hai cực tăng trưởng chiến lược, giữ vai trò nòng cốt trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu về phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị hiện đại, bền vững. Mỗi khu kinh tế mang đặc điểm, vai trò riêng biệt nhưng có tính bổ trợ chiến lược và lan tỏa vùng mạnh mẽ.
Khu kinh tế ven biển Vân Đồn được định hướng là trung tâm dịch vụ cao cấp, tài chính, công nghệ và du lịch biển đảo quốc tế, phát triển theo mô hình “khu kinh tế đặc biệt thế hệ mới” với thể chế vượt trội, môi trường sống chất lượng cao và khả năng hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Khu kinh tế ven biển Quảng Yên tập trung trở thành trung tâm logistics – công nghiệp phụ trợ – công nghiệp công nghệ cao ven biển Bắc Bộ, giữ vai trò kết nối hạ tầng, sản xuất và chuỗi cung ứng cho toàn vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và hành lang kinh tế ven biển Bắc Trung Bộ.
Hai khu kinh tế cần được phát triển theo mô hình song trụ - bổ trợ, với định hướng: (i) Đồng bộ quy hoạch không gian, hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu; (ii) Thể chế đặc thù, linh hoạt, có cơ chế “sandbox” thử nghiệm các mô hình mới về tài chính, công nghiệp, đô thị và du lịch; (iii) Thu hút các nhà đầu tư chiến lược, công nghệ cao, có khả năng tạo ra đột phá về tăng trưởng xanh – thông minh – bền vững; (iv) Gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp – dịch vụ – đô thị và bảo vệ môi trường sinh thái biển đảo.
