Giải pháp tìm đầu ra cho quả sơn tra

Với tổng diện tích 12.840 ha, Sơn La hiện là tỉnh có diện tích, sản lượng sơn tra lớn nhất cả nước. Các địa phương đang tích cực thu hút đầu tư, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, giúp nhân dân trồng cây sơn tra, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Huyện Thuận Châu có trên 5.167 ha cây sơn tra, tập trung ở các xã Long Hẹ, Nậm Lầu, Bản Lầm, Muổi Nọi, Mường É, Phổng Lái, Chiềng Bôm, Co Mạ, Pá Lông, Co Tòng, Púng Tra. Diện tích cho thu hoạch khoảng trên 2.500 ha, sản lượng quả ước đạt 6.250 tấn. Huyện đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, phối hợp cơ quan truyền thông, hỗ trợ quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm sơn tra trong và ngoài tỉnh; mời gọi, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia đầu tư cơ sở chế biến, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

Thành viên HTX Nông nghiệp xanh Thuận Châu, bản Nam Tiến, xã Bon Phặng sơ chế quả sơn tra.

Thành viên HTX Nông nghiệp xanh Thuận Châu, bản Nam Tiến, xã Bon Phặng sơ chế quả sơn tra.

Tại phiên chợ vùng cao Co Mạ mới đây, UBND huyện Thuận Châu đã phối hợp với các cá nhân, tổ chức livestream chương trình “Quảng bá táo sơn tra, các sản phẩm OCOP và nông sản huyện Thuận Châu”. Trong 2 ngày livestream (từ ngày 1-2/9) trên tiktok và Facebook đã thu hút trên 3.762 tương tác, 2.246 bình luận, 3.388 lượt chia sẻ và 218.000 lượt xem. Đã bán được hơn 100 đơn hàng với hàng trăm chai giấm, tương ớt táo mèo, hơn 300 kg táo mèo khô và 3.000 kg táo mèo tươi, đưa thương hiệu quả sơn tra và sản phẩm chế biến từ sợn tra được đông đảo khách hàng các thị trường biết đến nhiều hơn.

Bà Quàng Thị Phượng, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thuận Châu, thông tin: Tính đến 28/9, huyện đã kết nối các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tiêu thụ được hơn 500 tấn quả sơn tra tươi. Hiện, có 3-5 hợp tác xã, hộ kinh doanh đang thu mua, tiêu thụ sơn tra cho người dân.

Sản phẩm giấm táo mèo của HTX Nông nghiệp xanh Thuận Châu, bản Nam Tiến, xã Bon Phặng.

Sản phẩm giấm táo mèo của HTX Nông nghiệp xanh Thuận Châu, bản Nam Tiến, xã Bon Phặng.

Niên vụ quả năm nay, HTX Nông nghiệp xanh Thuận Châu, bản Nam Tiến, xã Bon Phặng đã thu mua trên 30 tấn quả sơn tra, sản xuất sản phẩm táo mèo khô và nhu cầu thu mua thêm 50 tấn quả tươi, với giá từ 5.000-8.000 đồng/kg để sản xuất sản phẩm giấm táo mèo và tương ớt táo mèo.

Bà Giang Thị Thu Thắm, Giám đốc HTX, thông tin: Đến nay, HTX đã sản xuất trên 3.000 lít giấm táo, gần 1.000 chai tương ớt táo mèo. Bán với giá 70.000 đồng/lít giấm táo và 70.000 đồng/350 gram tương ớt, đượ khách hàng ưa thích, đã có một số đối tác đồng ý phân phối với số lượng lớn. Hợp tác xã đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện nhà xưởng, khu sơ chế, đầu tư mua sắm máy móc để sản xuất và nghiên cứu thêm sản phẩm nước cốt ép sơn tra.

Còn tại huyện Mường La với 2.500 ha sơn tra, tập trung ở các xã vùng cao, như: Ngọc Chiến, Chiềng Công, Chiềng Ân, Chiềng Muôn, Hua Trai, Nặm Păm. Ước tính sản lượng sơn tra của huyện năm 2023 đạt trên 8.000 tấn. Huyện đang tuyên truyền nhân dân phối hợp các doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài huyện, tạo ra các sản phẩm từ quả sơn tra như trà sơn tra, nước ép sơn tra và dịch sơn tra.

Từ tháng 6 đến nay, HTX dược liệu núi, tiểu khu 2, thị trấn Ít Ong đã thu mua 2 tấn sơn tra khô của người dân để sản xuất trà sơn tra bán cho các đại lý trà các tỉnh, thành phố trong cả nước. Ngoài ra, HTX đang nghiên cứu chế biến các sản phẩm như: Dầu gội đầu, sữa rửa mặt, tẩy da chết, kem đánh răng có hương vị chủ đạo là sơn tra và các dược liệu khác.

Sản phẩm trà táo mèo của HTX dược liệu núi, tiểu khu 2, thị trấn Ít Ong.

Sản phẩm trà táo mèo của HTX dược liệu núi, tiểu khu 2, thị trấn Ít Ong.

Ngoài ra, trên địa bàn còn có Công ty TNHH Đăng Dương, xã Mường Bú chế biến trà sơn tra, HTX nông nghiệp Pi Tong đang lắp đặt dây chuyền ép dịch sơn tra, góp phần tiêu thụ, chế biến quả sơn tra trên địa bàn. Từ đầu vụ đến nay, toàn huyện đã thu hoạch khoảng hơn 3.000 tấn quả sơn tra, đạt 30% kế hoạch.

HTX dược liệu núi, tiểu khu 2, thị trấn Ít Ong tư vấn cho khách sản phẩm trà táo mèo.

HTX dược liệu núi, tiểu khu 2, thị trấn Ít Ong tư vấn cho khách sản phẩm trà táo mèo.

Năm nay, giá bán sơn tra cao hơn năm trước vài nghìn đồng, song thị trường tiêu thụ sản phẩm quả sơn tra chưa ổn định; các sản phẩm chế biến từ sơn tra còn chưa đa dạng, sự liên kết giữa các hộ dân với đơn vị thu mua, chế biến không bền vững; chưa có các cơ sở chế biến có quy mô lớn để bao tiêu sản phẩm cho nhân dân.

Trao đổi giải pháp thị trường, xúc tiến tiêu thụ sơn tra, bà Đỗ Thị Bích Châu, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Chúng tôi hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX kết nối đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử; phối hợp với các huyện tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ gắn với việc tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nghiên cứu, xây dựng dây chuyền bảo quản, chế biến sơn tra ngay tại địa phương.

Định hướng phát triển bền vững, rất mong các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến kinh doanh các sản phẩm từ quả sơn tra; xây dựng nhãn hiệu hàng hóa; kết nối tìm đầu ra bền vững, tiêu thụ sản phẩm quả sơn tra cho nhân dân; lồng ghép có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu tập trung, gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm cho nhân dân, góp phần tăng thu nhập cho nhân dân, giảm nghèo bền vững.

Thủy Ngân - Lò Thái

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/giai-phap-tim-dau-ra-cho-qua-son-tra-JGJCwfZSR.html