Giải pháp trong thực hiện dân vận khéo ở Đảng bộ Khối CCQ và DN

Đảng bộ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Sơn La có 86 tổ chức cơ sở đảng với hơn 5.000 đảng viên, 46 đảng bộ, 40 chi bộ cơ sở. Những năm qua, Đảng bộ đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, tạo động lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Hằng năm, cấp ủy các chi bộ, đảng bộ trực thuộc đã tổ chức khảo sát, rà soát, xây dựng các mô hình có triển vọng; nhân rộng các mô hình, điển hình dân vận khéo. Đến nay, các chi bộ, đảng bộ thuộc khối đăng ký 58 mô hình trong lĩnh vực xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; 29 mô hình phát triển kinh tế; 90 mô hình lĩnh vực văn hóa - xã hội; 14 mô hình lĩnh vực quốc phòng - an ninh. Việc thẩm định, xác nhận điển hình "Dân vận khéo" đã được tổ chức thực hiện theo quy định. Đảng ủy Khối đã thẩm định xác nhận 11 mô hình điển hình “Dân vận khéo” cấp Đảng ủy khối, trong đó 5 mô hình đạt cấp tỉnh.

Hội thi Dân vận khéo Đảng bộ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh lần thứ nhất, năm 2022.

Hội thi Dân vận khéo Đảng bộ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh lần thứ nhất, năm 2022.

Nét nổi bật sau 2 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 28/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy cơ sở đảng trực thuộc Đảng bộ Khối về thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo" giai đoạn 2021-2025 đã được nâng lên, nhất là người đứng đầu cấp ủy các cơ quan, đơn vị.

Công tác dân vận đã trở thành một phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, giải pháp hữu hiệu trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cán bộ, công chức, tạo mối quan hệ tin cậy giữa các cơ quan, đơn vị với nhân dân, nâng cao hiệu quả trong thực thi công vụ. Công tác dân vận chính quyền có nhiều chuyển biến tích cực nhất là việc triển khai thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính theo mô hình “Một cửa”, “Một cửa liên thông”, “Một cửa điện tử”, xây dựng trang thông tin điện tử, công bố thủ tục hành chính trong các cơ quan, đơn vị.

Tổ chức quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên, công chức thực hiện tốt công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; tăng cường công tác giáo dục, nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động làm công tác dân vận; đổi mới lề lối làm việc, xây dựng đạo đức công vụ, tác phong phục vụ nhân dân; tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Tích cực đấu tranh chống tệ quan liêu, sách nhiễu, hách dịch, cửa quyền trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhất là tại bộ phận làm việc trực tiếp với người dân, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cấp ủy cơ sở đảng trực thuộc Đảng bộ Khối đã triển khai, thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế, chính trị của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; vị trí, vai trò công tác dân vận của Đảng ngày càng được khẳng định và có sức lan tỏa trong đời sống xã hội.

Tuy nhiên, công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” của một số cấp ủy chưa được quan tâm đúng mức; chưa thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc, giám sát thực hiện; nhận thức về mục đích, ý nghĩa phong trào “Dân vận khéo” của một số cán bộ, đảng viên còn hạn chế. Công tác phối hợp tuyên truyền, vận động thực hiện phong trào chưa đồng bộ, sâu rộng; số chi bộ, đảng bộ đăng ký, số mô hình đăng ký xây dựng mô hình chưa nhiều, chưa có trọng tâm, trọng điểm; một số cơ sở, đơn vị có đăng ký nhưng chưa xây dựng chương trình, kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện theo lộ trình cụ thể. Công tác thẩm định, rà soát, đánh giá hiệu quả các mô hình chưa thường xuyên, chặt chẽ, một số mô hình hiệu quả đạt thấp không có tính bền vững. Công tác thi đua khen thưởng, chưa được quan tâm đúng mức, kịp thời.

Bài học kinh nghiệm rút ra trong thực hiện công tác dân vận là tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy chi bộ, đảng bộ cơ sở. Xác định rõ nội dung, phương thức phù hợp với điều kiện từng cơ quan, đơn vị góp phần giải quyết được những vấn đề trước mắt và lâu dài, đem lại lợi ích thiết thực cho cơ quan, đơn vị. Triển khai thực hiện phong trào thi đua “dân vận khéo” phải được tiến hành đồng bộ, gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để tạo ra phong trào thi đua được mở rộng và đi vào chiều sâu. Việc thực hiện phong trào thi đua “dân vận khéo” phải được tiến hành thường xuyên, liên tục trở thành việc làm thường xuyên có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong hoạt động của công tác dân vận; quá trình thực hiện quan tâm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc; đánh giá rút kinh nghiệm; biểu dương, khen thưởng kịp thời, nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến, tiêu biểu.

Trong bước đi tiếp theo, Đảng bộ khối CCQ và DN tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Trung ương về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 28/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo"

Tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, nhằm đưa phong trào đi vào nề nếp, đem lại hiệu quả tích cực. Đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng những mô hình điển hình tiên tiến “Dân vận khéo”; phổ biến cách làm hay, bài học kinh nghiệm tốt nhằm cổ vũ, khích lệ và nhân rộng các mô hình tạo thành phong trào sâu rộng, bền vững từ cơ sở.

Quan tâm xây dựng các điển hình “Dân vận khéo” trong cán bộ, công chức khi thực thi nhiệm vụ, triển khai các chương trình, dự án; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; thực hiện tốt công tác tiếp dân, kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc phát sinh tại cơ sở.

Tăng cường chỉ đạo đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc thực hiện, đưa phong trào đi vào nề nếp, chất lượng; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá hiệu quả phong trào, rút kinh nghiệm; động viên khen thưởng kịp thời các mô hình điển hình tiêu biểu; điều chỉnh phương pháp bình chọn, biểu dương theo hướng dân chủ đảm bảo tính nêu gương, giáo dục và sức lan tỏa của các mô hình, điển hình.

Minh Khánh

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xay-dung-dang/giai-phap-trong-thuc-hien-dan-van-kheo-o-dang-bo-khoi-ccq-va-dn-laibjYSIg.html