Giải phóng tối đa tiềm năng sáng tạo của các nhà khoa học
Thảo luận tại tổ chiều 6/5, các ĐBQH Tổ 18 ( gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Thanh Hóa, Lâm Đồng, Tiền Giang) đánh giá cao quan điểm xây dựng Dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo khi chấp nhận rủi ro, chấp nhận độ trễ trong nghiên cứu khoa học. Đây sẽ là bước 'cởi trói' cho hoạt động nghiên cứu khoa học, làm cơ sở quan trọng để giải phóng tối đa tiềm năng sáng tạo của các nhà khoa học.

Quang cảnh thảo luận tại Tổ 18. Ảnh: Đào Cảnh
Theo các đại biểu, dự thảo Luật cơ bản bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Dự thảo luật đã kế thừa các quy định của Luật Khoa học và công nghệ hiện hành còn phù hợp; bổ sung các quy định mới; sửa đổi, bổ sung nhiều quy định để khắc phục bất cập trong thực tiễn, góp phần thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia. Đặc biệt, dự thảo luật lần này đã bổ sung điều khoản về chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, làm cơ sở quan trọng để giải phóng tối đa tiềm năng sáng tạo của các nhà khoa học.

ĐBQH Mai Văn Hải (Thanh Hóa) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Đào Cảnh
Tuy nhiên, ĐBQH Mai Văn Hải (Thanh Hóa) cho rằng, chấp nhận rủi ro để khuyến khích các nhà khoa học đẩy mạnh nghiên cứu nhưng cần quy định rõ ràng như thế nào thì được coi là rủi ro để bảo đảm tính chặt chẽ. “Nếu không định nghĩa rõ ràng sẽ dễ dẫn đến lợi dụng trục lợi gây thất thoát, lãng phí trong hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo”. Bên cạnh đó, đại biểu Hải cũng cho rằng, thay vì quy định “miễn trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hành chính” thì nên quy định miễn trách nhiệm pháp lý đối với tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo nếu gây thiệt hại gây ra cho Nhà nước, ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư.
Liên quan đến quy định về các doanh nghiệp khoa học công nghệ, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị cần có tiêu chí cụ thể, doanh nghiệp có năng lực nghiên cứu khoa học công nghệ nhưng phải tổ chức nghiên cứu và sản phẩm phải được ứng dụng trong doanh nghiệp của họ để tránh trường hợp một số doanh nghiệp sau khi được công nhận thì hoạt động nghiên cứu rất hạn chế.

ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Đào Cảnh
Góp ý về luật này, ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) cho rằng, hiện nay việc thực hiện các đê tài nghiên cứu khoa học công nghệ đang rải rác, manh mún trong nhiều bộ, ngành, địa phương. Đại biểu Tú Anh đề xuất cần nghiên cứu quy định về thiết kế chương trình nghiên cứu khoa học đầu tư vào các trọng điểm chính, như: xây dựng chương trình trọng điểm nghiên cứu khoa học quốc gia để giải quyết các vấn đề lớn của đất nước; chương trình nghiên cứu phát triển quốc gia để nâng cao tiềm lực nghiên cứu khoa học; quỹ đổi mới sáng tạo; đầu tư cho chương trình phát triển tài năng…

ĐBQH Nguyễn Xuân Hùng (Thanh Hóa)phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Đào Cảnh
Còn theo ĐBQH Nguyễn Xuân Hùng (Thanh Hóa), dự thảo luật với những quy định rất phù hợp với tinh thần đổi mới về xây dựng pháp luật hiện nay. Tuy nhiên, một số quy định về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo liên quan đến lĩnh vực bảo đảm quốc phòng an ninh cần được quy định rõ ràng, chặt chẽ trong luật.
Trong đó, cần tích hợp chính sách khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng an ninh; có chế tài quản lý và chuyển giao các dự án công nghệ phải không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh; cập nhật danh mục công nghệ hạn chế xuất khẩu, nhập khẩu, chuyển giao và tăng cường công tác kiểm tra, hậu kiểm, xử lý nghiêm các vi phạm; bổ sung quy định về bảo mật thông tin, tài liệu đối với tổ chức cá nhân. Đặc biệt, có quy định phối hợp liên ngành giữa Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Khoa học và Công nghệ.

ĐBQH Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Đào Cảnh
Liên quan đến Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, ĐBQH Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) nêu ý kiến: Chúng ta đã quy định trách nhiệm quản lý của các bộ, ngành trong luật hiện nay, tuy nhiên thực tế khi phát hiện các vụ việc về sản phẩm giả trên thị trường thì trách nhiệm của các bộ, ngành đơn vị vẫn chưa rõ. Tôi đề nghị trong lần sửa đổi này, cần nghiên cứu quy định cụ thể, rõ ràng hơn nữa về trách nhiệm của từng bộ, ngành, đơn vị, địa phương.
Bên cạnh đó, khi phát hiện các loại thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, chúng ta thường chỉ xử phạt hành chính và tiêu hủy, không có biện pháp xử lý nghiêm nên tình trạng vi phạm vẫn tiếp diễn. Đại biểu đề nghị cần có chế tài mạnh hơn nữa, thậm chí xử lý hình sự để giải quyết triệt để vấn đề này, không thể cứ nêu một câu chung chung là tùy theo mức độ xử lý hành chính.