Giải quyết vướng mắc trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Bắt đầu từ ngày 17 đến ngày 21/6, Quốc hội bước vào tuần làm việc đầu tiên của đợt 2, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, trọng tâm là công tác xây dựng pháp luật, với nhiều dự án luật được thảo luận. Ngoài ra, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cũng quan tâm đến giải quyết những vướng mắc trong điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2030; chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035...

Các đại biểu tại phiên thảo luận ở hội trường về điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, ngày 17/6. Ảnh: Phạm Thắng

Các đại biểu tại phiên thảo luận ở hội trường về điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, ngày 17/6. Ảnh: Phạm Thắng

Các dự án luật được Quốc hội thảo luận trong tuần này gồm: Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng không nhân dân; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Lưu trữ sửa đổi và nghị quyết về việc thành lập đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2025. Quốc hội cũng thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). Điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030. Thảo luận về quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Nổi bật nhất trong tuần qua chính là vấn đề tháo gỡ khó khăn cho công tác giáo dục, đào tạo học sinh, sinh viên, người lao động vùng DTTS&MN. Theo đó, ngày 17/6, thảo luận ở hội trường về điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị cần giải quyết vướng mắc về địa điểm, tên gọi của đối tượng thực hiện chương trình nhằm tháo gỡ khó khăn cho công tác giáo dục, đào tạo học sinh, sinh viên, người lao động tại vùng DTTS.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai cho biết, hiện nay, các trường trung cấp, cao đẳng, trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề tại các tỉnh thuộc vùng đồng bào DTTS&MN có chức năng tổ chức đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên theo quy định. Số người theo học có đến 80% học sinh, sinh viên là người DTTS.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai. Ảnh: Phạm Thắng

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai. Ảnh: Phạm Thắng

Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp này cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo còn rất thiếu. Ngân sách địa phương còn khó khăn, hầu hết nhận đầu tư từ trung ương nên nguồn đầu tư cho giáo dục và đào tạo còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu. Trong khi các cơ sở giáo dục này còn là đối tượng được thực hiện Tiểu dự án 3 của Dự án 5 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS&MN nhưng chỉ vì địa điểm của các cơ sở đào tạo nên cũng không thuộc đối tượng thụ hưởng các chính sách của chương trình. Do vậy, đại biểu mong muốn Chính phủ bổ sung đối tượng này vào danh mục, tạo điều kiện để địa phương thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình.

Thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 sáng 19/6, dưới sự điều hành của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, phiên thảo luận diễn ra sôi nổi, chất lượng, sát thực tiễn, đi thẳng vào vấn đề với tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao, nhiều ý kiến ĐBQH đồng thuận, thống nhất quan điểm, nguyên tắc xây dựng chương trình. Đồng thời, nhấn mạnh việc thực hiện chương trình sẽ góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu bức thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Quan tâm góp ý vào nội dung cụ thể của chương trình, đại biểu Nguyễn Văn Huy, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đề nghị, cần tiếp tục rà soát bảo đảm tránh sự trùng lặp giữa chương trình với các chương trình, dự án khác. Theo đại biểu, 3 chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai đều có nội dung đầu tư về phát triển văn hóa. Ngoài ra, dự thảo chương trình có sự trùng lặp với nhiều chương trình liên quan đến phát triển văn hóa do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 có Dự án thành phần số 6 bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 có nội dung thành phần số 6 là nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch nông thôn.

“Hai nội dung này có giai đoạn thực hiện đến năm 2025, do đó, đề nghị cần rà soát nội dung của chương trình với các nội dung đã thực hiện được của các dự án thành phần của 2 chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai thực hiện...” - đại biểu lưu ý.

Đối với Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Dự án Luật Phòng không nhân dân được Quốc hội thảo luận tại tổ chiều 19/6, đa số đại biểu cho rằng, việc xây dựng, ban hành luật là thực sự cần thiết để tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và tăng cường sự lãnh đạo, quản lý về công tác này. Các đại biểu cũng đề nghị cần tiếp tục đánh giá kỹ tác động của các quy định về điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở, phương tiện giao thông cơ giới và cơ sở; nghiên cứu quy định yêu cầu, điều kiện về phòng cháy, chữa cháy phù hợp với từng loại hình cơ sở trên từng địa bàn, nhất là loại hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, trong đó cần quy định cụ thể về yêu cầu thiết kế, lắp đặt hệ thống điện...

Các đại biểu cũng tham gia thảo luận về dự án Luật Phòng không nhân dân và cho rằng, việc xây dựng, ban hành luật này là rất cần thiết nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quân sự, quốc phòng, có ý nghĩa thiết thực để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Hà Lê

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/giai-quyet-vuong-mac-trong-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-post477291.html