Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2024: Nỗ lực bồi đắp văn hóa Hà Nội
Năm thứ 17 của Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội diễn ra đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Lễ trao giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2024 lần đầu tiên tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, và trao giải thưởng Lớn cho GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính - hiệp sĩ của những di tích kiến trúc.
Từng một thời Văn Miếu hoang phế
Năm thứ 17 của Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội diễn ra đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, góp thêm niềm vui đối với người dân Hà Nội khi vinh danh những tác phẩm, tác giả, ý tưởng hướng tới xây dựng và bảo tồn những giá trị của mảnh đất kinh kỳ nghìn năm văn hiến.
Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội do Báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) và gia đình cố họa sĩ Bùi Xuân Phái thành lập từ năm 2008, nhằm trao cho các tác giả, tác phẩm, ý tưởng, việc làm có giá trị khoa học, nghệ thuật cao, thấm đượm tình yêu Hà Nội.
Ông Lê Xuân Thành - Tổng Biên tập Báo Thể thao và Văn hóa, Trưởng ban tổ chức cho biết, từ 54 hồ sơ đề cử ban đầu, qua các vòng sơ khảo, chung khảo, hội đồng giám khảo đã thông qua danh sách đề cử chính thức của mùa giải năm nay, gồm 9 đề cử, trên 4 hạng mục.
Từ 9 đề cử, tại vòng bỏ phiếu cuối cùng, hội đồng đã thống nhất trao các giải thưởng: Giải thưởng Lớn: GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính - “Hiệp sĩ của những di tích kiến trúc”.
Giải tác phẩm: Cuốn sách “Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố (1873 - 1945)” của Đào Thị Diến do NXB Hà Nội và Nhã Nam xuất bản. Giải việc làm: Quảng bá du lịch Hà Nội qua MV “Going Home” của nghệ sĩ saxophone Kenny G do Báo Nhân dân và IB Group Việt Nam thực hiện. Giải ý tưởng: “Đồ án cải tạo, chỉnh trang không gian, cảnh quan xung quanh hồ Thiền Quang và phụ cận” do UBND quận Hai Bà Trưng tổ chức nghiên cứu và xây dựng vào năm 2023.
Giải thích lý do chọn Văn Miếu - Quốc Tử Giám là nơi tổ chức lễ trao giải, ông Lê Xuân Thành cho rằng, đó là nơi tôn vinh đạo học của người Việt Nam. Từng có thời kỳ Văn Miếu hoang sơ, tiêu điều, được gọi là chùa quạ hoang phế. Những trang sử lấm láp và buồn thương của Văn Miếu đã trôi qua. Có được diện mạo như ngày hôm nay phải có sự đóng góp của rất nhiều người.
“Thẳng thắn mà nói, để bảo vệ di tích, để xây dựng văn hóa thì công sức và tiền của thôi chưa đủ, chưa phải tất cả. Điều quan trọng là phải có quan điểm, phương pháp trùng tu và bảo vệ di tích. Phải có những con người có tâm, có tầm với di sản, với nền văn hóa.
Văn Miếu hôm nay đã trở thành di tích quốc gia đặc biệt, với hệ thống bia Tiến sĩ đã trở thành di sản tư liệu thế giới. Sự phát triển của văn hóa Hà Nội không thể bỏ qua yếu tố con người, đã cống hiến bằng cả tài năng, trí tuệ và tâm huyết”, ông Lê Xuân Thành khẳng định.
Bởi vậy, Ban tổ chức đã chọn Văn Miếu – nơi từng là phế tích, để trao giải thưởng Lớn cho “Hiệp sĩ của những di tích kiến trúc” – GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính, như một hành động nhằm tôn vinh di sản và nỗ lực bồi đắp văn hóa Hà Nội. Đồng thời làm nổi bật các tác động tích cực của con người trong việc gìn giữ, chỉnh trang và làm rạng tỏ các giá trị mà tiền nhân đã gây dựng.
Giữ cho Hà Nội là một thành phố đặc sắc
GS Hoàng Đạo Kính nhận giải tại sân Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nơi chính ông vài chục năm trước đã chủ trì cải tạo, xây dựng để Văn Miếu có thêm một không gian văn hóa trong di tích này. Và chính ông vài chục năm trước, cũng không thể ngờ sẽ có lần mình được trao giải thưởng Lớn vì những gì đã cống hiến.
Theo ban tổ chức, hiếm có một kiến trúc sư nào dành cả đời chuyên tâm với công việc bảo tồn di tích và di sản văn hóa như GS Hoàng Đạo Kính. Gần 50 năm qua, người kiến trúc sư ấy đã ghi dấu trí tuệ của mình ở nhiều công trình văn hóa kiến trúc trên cả nước. Cũng vì lẽ đó, bạn bè và đồng nghiệp gọi ông là “hiệp sĩ của những di tích kiến trúc”.
Sự nghiệp của GS Hoàng Đạo Kính phủ rộng, trải dài từ Bắc vào Nam với công việc bảo tồn và tu bổ nhiều hệ thống di tích điển hình ở Hà Nội, Huế, Hội An, Mỹ Sơn… Ở bề sâu, ông gắn bó sâu nặng với Hà Nội bằng một tình yêu đặc biệt dành cho những di tích lịch sử, di sản văn hóa là biểu tượng của thành phố.
82 bia Tiến sĩ nay đã trở thành di sản tư liệu thế giới, in phần đóng góp quan trọng của ông trong vai trò “tổng công trình sư” bảo tồn và trùng tu Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Đó là thời điểm những năm 1990, nhiều phương án được đưa ra để bảo quản các tấm bia vô giá khỏi tác động của thời tiết. Trong đó có mái che bia cấu kiện hợp kim và các tấm kính và sử dụng hóa chất bảo quản mặt bia.
Ngoài ra, ông từng chủ trì tu bổ nhiều di tích như: Đình Tây Đằng, chùa Kim Liên, chùa Tây Phương, chùa Thầy… Trong đó, đình Tây Đằng là công trình trùng tu khoa học đầu tiên ở Việt Nam đối với một di tích kiến trúc gỗ, kết hợp khoa học với kỹ thuật bảo trì dân gian.
Rồi trùng tu Nhà hát Lớn Hà Nội, như GS Hoàng Đạo Kính chia sẻ, chúng ta bước vào trong cảm quan sẽ không thấy có quá nhiều sự thay đổi. Nhưng thực chất, công việc trùng tu đã đặt vào nó hàng trăm tấn thiết bị hiện đại, vừa đáp ứng được yêu cầu tu bổ, vừa nâng cấp được chức năng công trình.
“Hà Nội không còn quá lo việc giữ gìn những công trình di tích nữa, bởi công việc này đã được quan tâm ở mức độ nhất định và đã có những kết quả khả thi. Nhưng cái đáng lo nhất hiện nay, là làm sao để giữ cho Hà Nội là một thành phố đặc sắc trước bối cảnh cạnh tranh đô thị đang diễn ra khắp thế giới”, GS Hoàng Đạo Kính cho hay.
“Tôi không phải là ‘hiệp sĩ của những di tích kiến trúc’ như mọi người đã gọi. Tôi chỉ là một nhà chuyên môn, vì tình yêu và sự say đắm để theo đuổi công việc bảo tồn và tu bổ di tích, trong đó có việc tạo dựng mái che cho 82 bia Tiến sĩ. Những việc mà tôi đã làm được cho Hà Nội ở khía cạnh trực quan có lẽ chưa nhiều, bởi không phải lúc nào cũng có thời cơ”, GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính chia sẻ.