Giải tỏa 'cơn khát' nước sạch ở một vùng nông thôn ven đô

Nước sạch có vai trò quan trọng trong sinh hoạt của người dân huyện Phú Xuyên (Hà Nội) và cũng là tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, vì vậy chính quyền huyện và UBND TP Hà Nội luôn cố gắng tháo gỡ, tìm kiếm những giải pháp phù hợp về nước sạch nông thôn nhằm đảm bảo đời sống cho người dân, tạo động lực phát kinh tế xã hội.

Phú Xuyên có 27 xã, thị trấn, là huyện thuần nông cách xa trung tâm thành phố Hà Nội nên dẫn tới tình trạng nhiều đơn vị cung cấp nước sạch có tâm lý ngại đầu tư, nhất là bảy xã khu vực phía Tây của huyện, nơi có địa bàn rộng, mật độ dân cư thấp, gặp rất nhiều khó khăn. Đi liền với đó, nguồn nước ngầm trên địa bàn huyện cũng được đánh giá là bị ô nhiễm do hoạt động sản xuất từ các làng nghề, khu cụm công nghiệp.

Niềm vui sử dụng nước sạch

Điều này dẫn đến tình trạng người dân gặp nhiều khó khăn trong đời sống vì thiếu nước sạch phục vụ sinh hoạt, phát triển nông nghiệp. Đặc biệt là khi mùa khô kéo dài làm ảnh hưởng đến lượng nước của các giếng khoan tại nhà dân nên nhu cầu sử dụng nước sạch càng cấp thiết.

Trong khi, Chương trình xây dựng nông thôn mới quy định để các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, thì tiêu chí “chất lượng môi trường sống” là rất quan trọng. Muốn hoàn thiện tiêu chí này, các xã phải bảo đảm được tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung.

Trước thực trạng trên, chính quyền huyện Phú Xuyên đã tích cực tìm hướng đi nhằm giải quyết bài toán nước sạch nông thôn và coi đây là một trong những nhiệm vụ, mục tiêu quan trọng trong các kế phát triển kinh tế xã hội của huyện.

Đặc biệt, dưới sự chỉ đạo của UBND Thành phố Hà Nội, huyện kết nối với Công ty cổ phần Cấp nước Hà Nam đầu tư hạ tầng, cấp nước sạch đồng bộ cho các xã của huyện.

Và đến nay, 25/27 xã, thị trấn của huyện đã có mạng lưới cấp nước sạch. Điều này giúp người dân trong huyện được sử dụng nước sạch mà hạn chế bị phụ thuộc vào nguồn nước giếng khoan bị ô nhiễm hay nguồn nước mưa.

Bà Nguyễn Thị Quyên (thôn Trung lập, xã Tri Trung), cho biết khi địa phương từng bước hoàn thiện hệ thống đường ống nước sạch, gia đình bà đã lắp đặt đồng hồ và sử dụng ngay. Dù ban đầu phải bỏ thêm một khoản để lắp đồng hồ, hệ thống trữ nước mới nhưng gia đình bà yên tâm vì có nguồn nước đảm bảo chất lượng và tính ra thì chi phí không hề cao. Trước đây, gia đình cũng phải đầu tư bể lọc, thay hệ thống lọc thường xuyên nhưng do nguồn nước ngầm tại địa phương bị nhiễm sắt nên hệ thống bể lọc rất nhanh bị bẩn, ố vàng, sức khỏe con người và máy móc không được đảm bảo, phải bảo dưỡng, bảo trì thường xuyên gây tốn kém.

Giải quyết bài toán nước sạch giúp đảm bảo đời sống nhân dân, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.

Giải quyết bài toán nước sạch giúp đảm bảo đời sống nhân dân, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.

Hay tại xã Tri Thủy, tỷ lệ người dân đăng ký sử dụng nước sạch trên địa bàn xã đã đạt trên 90%. Nước sạch cũng góp phần giúp xã Tri Thủy hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, giúp các hộ gia đình nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo sức khỏe.

Có thể thấy, hầu hết người dân trên địa bàn huyện đều hài lòng vì chất lượng nguồn nước sạch nông thôn trên địa bàn đã được nâng cấp, hoàn thiện. Đi liền với đó là hạ tầng, các công trình cấp nước sạch đã được đầu tư. Huyện cũng bố trí nguồn vốn đầu tư hạ tầng để khai thác các nguồn nước ngầm và mưa, từ đó đáp ứng nhu cầu cung cấp nước sạch hàng ngày cho dân cư và sản xuất nông nghiệp.

Việc giải quyết những khó khăn về nước sạch không chỉ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, mà còn tạo đà phát triển kinh tế-xã hội của huyện Phú Xuyên. Theo thống kê, đến nay, 80% hộ dân trên địa bàn huyện đã sử dụng nước sạch; trong đó 28% hộ dân được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung và 52% hộ dân sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước hộ gia đình.

Tỷ lệ sử dụng nước sạch tập trung còn khiêm tốn

Những kết quả mà huyện Phú Xuyên đang đạt được đã cho thấy sự nỗ lực của UBND thành phố Hà Nội cũng như các cấp lãnh đạo huyện trong việc liên kết với doanh nghiệp, đầu tư hạ tầng, tháo gỡ khó khăn về vốn, quy hoạch để nâng chất lượng sử dụng nước sạch nông thôn.

Tuy nhiên, vẫn còn 20% người dân chưa được sử dụng nước sạch. Đi liền với đó, trong số 80% người dân sử dụng nước sạch thì chỉ có khoảng 28% người dân sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung cũng là bài toán nan giải với Phú Xuyên vì con số còn khá khiêm tốn.

Theo thống kê của huyện, dù hệ thống hạ tầng cung cấp nước sạch đã được đầu tư cơ bản nhưng số hộ dân được lắp đồng hồ tương ứng số hộ dân sử dụng nước sạch từ nguồn cấp tập trung của Công ty CP Hà Nam (không tính mạng lưới cấp nước sạch cũ của thị trấn Phú Xuyên và Phú Minh) chỉ đạt 26.815 hộ (chiếm 40,7%); tổng số hộ được dẫn đường ống đến (trong ống đã có nước) mà chưa đấu nối sử dụng là 31.484 hộ, chiếm 47,86%.

Hoàn thiện hệ thống đường ống giúp người dân tiếp cận được với hệ thống nước sạch tập trung.

Hoàn thiện hệ thống đường ống giúp người dân tiếp cận được với hệ thống nước sạch tập trung.

Điều này đến từ việc bên cạnh những hộ dân chủ động sử dụng nước sạch tập trung thì vẫn còn những hộ sử dụng nước mưa, tự đào giếng khoan nên không có nhu cầu đấu nối đồng hồ để sử dụng nước sạch tập trung. Điều này dẫn đến tình trạng phía doanh nghiệp cung cấp nước sạch và địa phương đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, đường ống đồng bộ với nguồn kinh phí lớn nhưng không được sử dụng triệt để, gây lãng phí cho doanh nghiệp.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Lê Tiến Xuân cho rằng việc doanh nghiệp nước sạch đầu tư là rất quan trọng nhưng xét trên bình diện chung, phía doanh nghiệp cung cấp nước sạch có tiến độ thi công dự án cấp nước tại huyện Phú Xuyên vẫn chậm. Các trạm tăng áp hiện chưa được xây dựng nên một số xã nằm ở cuối nguồn nước xuất hiện tình trạng nước chảy chậm, yếu, hay bị mất nước...

Hướng đến toàn dân sử dụng nước sạch

Nước sạch là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ người dân được dùng nước sạch trên địa bàn huyện Phú Xuyên thống kê đến nay dù chưa cao, nhưng đang có những động thái cải thiện tích cực. Chính vì vậy, mục tiêu của huyện là đến cuối năm 2023, 90% người dân sử dụng nước sạch và đến 2024-2025, 100% người dân được sử dụng nước sạch.

Trước mục tiêu trên, thời gian qua, huyện Phú Xuyên đang tích cực kết hợp với UBND thành phố Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội để có giải pháp chỉ đạo doanh nghiệp cung cấp nước sạch đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục cấp nước phục vụ nhân dân như đấu nối đường ống đi liền với lắp đặt đồng hồ. Hiện, phía doanh nghiệp cung cấp nước đặt mục tiêu hằng tháng lắp mới đồng hồ cho hơn 3.000 hộ dân.

Để khuyến khích người dân ủng hộ sử dụng nước sạch, huyện tiếp tục làm việc với các doanh nghiệp cấp nước để bảo đảm chất lượng nguồn nước, đồng thời thực hiện việc cấp nước sạch thường xuyên, liên tục phục vụ nhu cầu của người dân.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Lê Tiến Xuân cho biết, những năm qua, các hộ dân sống ven sông Nhuệ bị ảnh hưởng ô nhiễm môi trường nước rất nặng nề, tỷ lệ nguồn nước ngầm bị nhiễm asen vào loại cao tại các xã: Phú Yên, Châu Can, Vân Từ, Chuyên Mỹ, Hoàng Long, Tân Dân…

Chính vì vậy, việc cấp nước sinh hoạt bảo đảm chất lượng từ nhà máy có ý nghĩa rất lớn trong nâng cao chất lượng sống cho người dân. Do vậy, thời gian tới, với các chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, huyện sẽ thường xuyên thông tin, tuyên truyền về lợi ích của việc dùng nước sạch để nhân dân các xã, thị trấn ủng hộ.

Tùng Lâm

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//an-sinh/giai-toa-apos-con-khat-apos-nuoc-sach-o-mot-vung-nong-thon-ven-do-1096478.html