Giảm cân, giảm bệnh tật ở tuổi trung niên
Phụ nữ dễ tăng cân không kiểm soát khi bước vào độ tuổi trung niên, kéo theo nguy cơ bị thừa cân, béo phì.
Điều đáng nói, thừa cân, béo phì gây ra nhiều bệnh như: Huyết áp cao, gan nhiễm mỡ, rối loạn chuyển hóa, ngưng thở khi ngủ..., làm tăng nguy cơ tử vong sớm. Thế nhưng, không phải ai cũng biết cách giảm cân, giảm gánh nặng bệnh tật một cách an toàn.

Điều trị cho người bị béo phì tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.
Nguyên nhân gây béo phì
Thời còn trẻ, chị N.T.T (44 tuổi, ở Bình Định) sở hữu vóc dáng mảnh mai, thon gọn. Thế nhưng, từ khi sinh con, nhất là khi bước vào độ tuổi trung niên, chị T bắt đầu tăng cân không kiểm soát. Mỗi lần bước lên cân, chị lại tá hỏa khi trọng lượng chạm mốc 100kg. Cơ thể nặng nề, bụng phình to như mang bầu khiến chị luôn rơi vào trạng thái mệt mỏi và đối diện với bệnh mỡ máu, gout... Để lấy lại vóc dáng và sức khỏe, chị T đã đến khám và điều trị tại Khoa Phẫu thuật ống tiêu hóa, Bệnh viện trung ương Quân đội 108.
Từng điều trị cho rất nhiều bệnh nhân bị béo phì khi bước sang độ tuổi trung niên như chị N.T.T, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật ống tiêu hóa, Bệnh viện trung ương Quân đội 108 cho biết, tình trạng béo phì đang trở nên đáng báo động trên thế giới cũng như ở nước ta. Béo phì có tác động bất lợi lên tất cả các vấn đề sức khỏe, làm giảm tuổi thọ, gây ra nhiều bệnh lý mạn tính, như: Đái tháo đường, tim mạch, tăng lipid máu, hội chứng ngưng thở lúc ngủ, thoái hóa khớp, gan nhiễm mỡ... Đặc biệt, người mắc bệnh béo phì có nguy cơ trầm cảm tăng 55% theo thời gian; còn những người bị trầm cảm cũng tăng 58% nguy cơ béo phì.
Lý giải về nguyên nhân khiến phụ nữ có khuynh hướng “phát tướng” từ sau tuổi 35, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn là do sự thay đổi nội tiết trong cơ thể, các vấn đề về hội chứng rối loạn chuyển hóa đường, chất béo… Bên cạnh đó, phụ nữ ở độ tuổi này thường gặp vấn đề rối loạn kinh nguyệt, lượng estrogen (một trong hai loại nội tiết tố vô cùng quan trọng ở nữ giới) trong cơ thể cũng giảm đi khiến chất béo không phân giải, gây tích mỡ. Người béo phì lại thường chọn những cách giảm cân cực đoan như nhịn ăn, bỏ tinh bột..., gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe.
Tại Trung tâm Giảm cân, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, trung bình mỗi ngày có khoảng 150 người đến khám, muốn được giảm cân chủ yếu để đẩy lùi các bệnh nền đang mắc, như: Đái tháo đường, đau khớp, gan nhiễm mỡ, cao huyết áp…
Tiến sĩ, bác sĩ Lâm Văn Hoàng, Giám đốc Trung tâm Giảm cân chia sẻ, hầu hết người bệnh đến đăng ký giảm cân đều có những lo lắng giống nhau như ăn ít vẫn tăng cân. Thậm chí, không ít trường hợp dù ăn uống khắt khe, tập thể dục nhiều nhưng khó giảm cân, giảm mỡ. Hay có rất nhiều người uống các sản phẩm giảm cân “thần tốc”, không rõ nguồn gốc được quảng cáo và bày bán tràn lan trên mạng xã hội. Đáng chú ý, việc sử dụng này lại không có sự tư vấn từ các chuyên gia, bác sĩ nên gây ra nhiều hậu quả khó lường đối với sức khỏe.
Nói về tăng cân ở tuổi trung niên, theo Tiến sĩ, bác sĩ Lâm Văn Hoàng, ở độ tuổi này, sự sụt giảm estrogen có thể làm thay đổi cách mỡ được phân bố trong cơ thể. Thay vì tích tụ mỡ ở vùng mông và đùi, phụ nữ có thể trải qua sự dịch chuyển của mỡ đến vùng bụng, làm tăng cân. Sụt giảm estrogen cũng ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất. Khi estrogen giảm, cơ thể có thể chuyển từ việc đốt mỡ thành việc tích trữ mỡ. Vì vậy, ngay cả ăn cùng một lượng thức ăn và thực hiện cùng một lượng hoạt động hằng ngày, phụ nữ vẫn có thể tăng cân trong thời kỳ tiền mãn kinh hoặc sau mãn kinh. Điều đáng nói, phụ nữ mãn kinh dễ bị tăng cân và cũng khó giảm cân hơn người trẻ tuổi.
Cần giảm cân đúng cách và an toàn
Béo phì là một bệnh lý cần phải được quan tâm và điều trị để nâng cao chất lượng sống, hạn chế những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Do đó, để dự phòng tăng cân ở tuổi trung niên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn khuyến cáo, càng nhiều tuổi, con người càng cần ít calo hơn. Để duy trì vóc dáng, mỗi ngày, phụ nữ cần đào thải 200 calo và giữ nguyên tắc giảm ăn để lượng calo hấp thụ ít hơn nhu cầu sử dụng, cơ thể huy động năng lượng từ mô mỡ, từ đó đạt được mục đích giảm cân.
Để giảm cân đúng cách và an toàn, Tiến sĩ, bác sĩ Lâm Văn Hoàng lưu ý, điều trị béo phì không phải chuyện ngày một ngày hai mà là cả một quá trình, cần có đủ thời gian để giảm cân bền vững, hiệu quả, tránh tăng cân lại. Hơn nữa, ở mỗi người bệnh sẽ có những phương pháp điều trị khác nhau, không thể áp dụng công thức chung cho tất cả. Vì vậy, người bị béo phì cần thăm khám bác sĩ, thực hiện xét nghiệm cận lâm sàng. Qua đó, bác sĩ sẽ đưa ra giải pháp điều trị kết hợp chế độ dinh dưỡng, vận động, thuốc, quản lý bệnh nền, giảm nguy cơ biến chứng.
Tiến sĩ, bác sĩ Lâm Văn Hoàng cũng cho rằng, phụ nữ trung niên nên duy trì chế độ dinh dưỡng cân bằng và lành mạnh, tránh các thực phẩm chế biến sẵn, đồ uống hoặc thực phẩm có đường, thực phẩm chiên, cay; đồng thời, nên duy trì việc tập luyện thể thao hằng ngày. Tập luyện giúp ích rất nhiều trong việc quản lý sự thay đổi nội tiết tố, đồng thời giải phóng endorphin - một hormone hạnh phúc của cơ thể, tạo cảm giác dễ chịu, giúp giảm căng thẳng. Ngoài ra, việc tập luyện còn đốt cháy thêm calo, giúp xương luôn khỏe mạnh, duy trì hoặc tăng cường trao đổi chất và tránh tăng cân.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/giam-can-giam-benh-tat-o-tuoi-trung-nien-693537.html