Giám đốc Sở Giáo dục Đà Nẵng nói gì về tình trạng thiếu giáo viên, phòng học?

Lãnh đạo ngành giáo dục Đà Nẵng khẳng định sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan tuyển đủ giáo viên cho chương trình giáo dục phổ thông mới.

Ngày 26/5, Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng tổ chức chương trình “Hội đồng nhân dân với cử tri lần thứ 2”, trong đó có nhiều ý kiến quan tâm đến thực trạng thiếu phòng học, giáo viên trên địa bàn thành phố.

Lo thiếu phòng học, giáo viên

Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri đã bày tỏ lo lắng trước thực trạng thiếu phòng học, thiếu giáo viên ngay trước thềm năm học mới 2022-2023.

Bà Lê Thị Bích Thuận - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cho biết, đang phối hợp với sở, ngành liên quan để tổ chức thi tuyển giáo viên, bảo đảm đội ngũ cho chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: AN

Bà Lê Thị Bích Thuận - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cho biết, đang phối hợp với sở, ngành liên quan để tổ chức thi tuyển giáo viên, bảo đảm đội ngũ cho chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: AN

Theo phản ánh của ông Phạm Hiền (Ủy viên Ban chấp hành hội khuyến học Đà Nẵng) thì trên địa bàn phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng), một trong những phường có quy mô tốc độ gia tăng dân số đứng đầu thành phố thì số học sinh tăng nhanh, các trường trên địa bàn không đảm bảo số phòng để bố trí lớp học, và thiếu giáo viên đứng lớp.

Trong khi phường có 20 lô đất quy hoạch để xây dựng trường học nhưng chưa biết khi nào thì triển khai.

Ông Hiền dẫn chứng, tại Trường Tiểu học Trần Đại Nghĩa (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) theo kế hoạch biên chế 85 giáo viên, nhưng hiện chỉ có 78 giáo viên, hợp đồng ngân sách là 4 giáo viên và hiện còn thiếu 3 giáo viên.

Tại Trường Tiểu học Trần Văn Dư chỉ tiêu phân bổ là 58 giáo viên, tuy nhiên hiện chỉ có 52 giáo viên, thiếu 6 giáo viên. Bên cạnh đó là cơ sở vật chất trường học không đáp ứng yêu cầu, phải mượn tạm các phòng chức năng.

Tại “điểm nóng” quận Liên Chiểu thì tình trạng thiếu phòng học, thiếu giáo viên được xem là nghiêm trọng nhất trên địa bàn thành phố.

Ông Huỳnh Sự - Chủ tịch Hội khuyến học quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) cho rằng, với việc tăng dân số nhanh thì hệ thống trường học của quận không đáp ứng được, đây là vấn đề bức xúc nhất.

“Trong khi các quận huyện khác của thành phố 100% học sinh được đi học 2 buổi/ngày thì chỉ có 75% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày, chỉ có 5/13 trường có 100% học sinh học 2 buổi/ngày.

Trong khi đó, yêu cầu triển khai chương trình sách giáo khoa mới thì 100% học sinh được học 2 buổi/ngày.

Sự thiếu hụt trường lớp đã làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục toàn diện của học sinh. Nếu tình hình này còn kéo dài, chậm khắc phục thì ngành giáo dục đào tạo quận dù có cố gắng thì chất lượng cũng khó vươn lên, khó theo kịp yêu cầu triển khai sách giáo khoa mới hiện nay”, ông Sự phản ánh.

Sẽ đảm bảo giáo viên dạy chương trình mới

Trả lời những bức xúc của cử tri, bà Lê Thị Bích Thuận – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng xác nhận tình trạng thiếu phòng học và giáo viên trên địa bàn thành phố.

Đối với vấn đề khẩn trương bổ sung đội ngũ giáo viên để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới thì bà Thuận cho hay, hiện Ủy ban nhân dân các quận huyện cũng như Sở Giáo dục và Đào tạo đã có kế hoạch tuyển dụng và trong năm 2022 sẽ tiếp tục tuyển dụng thêm.

Qua đó, đảm bảo không để xảy ra tình trạng thiếu giáo viên dạy học tại các trường trên địa bàn thuộc quận, huyện quản lý và các trường học thuộc Sở.

“Đối với chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo viên tham gia giảng dạy ở các lớp thuộc chương trình mới đều được tập huấn và buộc phải tuyển đủ giáo viên để giảng dạy theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Ngành giáo dục phối hợp với Ủy ban nhân dân quận, huyện rà soát, phối hợp với Sở Nội vụ có kế hoạch tuyển dụng giáo viên, đảm bảo không thiếu giáo viên trong năm học 2022-2023.

Trong đó, sẽ phối hợp với các sở, ngành để hạn chế bớt tình trạng thiếu trường lớp, giáo viên để phụ huynh, học sinh yên tâm”, bà Thuận nói.

Về vấn đề cơ sở vật chất, trường lớp thì Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cho hay, theo đề án của thành phố thì đến năm 2025-2026 ngành giáo dục quy mô là 452 trường, đảm bảo cho khoảng 339.315 học sinh theo học.

Mức vốn đầu tư cho dự án ban đầu là 4.399 tỷ đồng cho 5 năm. Tuy nhiên, qua rà soát thì hiện tại nguồn vốn có tăng lên.

“Hiện Sở cùng các đơn vị chức năng đang thực hiện các bước triển khai xây dựng theo phân kỳ của đề án cũng như nguồn vốn phân bổ đầu tư công của thành phố.

Trong đó đặc biệt quan tâm đến các địa phương có những căng thẳng về trường lớp đối với học sinh học 2 buổi/ngày”, bà Thuận nói.

Đối với “điểm nóng” Liên Chiểu thì người đứng đầu ngành giáo dục Đà Nẵng cũng xác nhận việc chỉ có 75% học sinh tiểu học trên địa bàn quận học 2 buổi/ngày trong khi tỉ lệ này ở các quận, huyện khác của thành phố là 100%.

“Xác định đây là điểm nóng, căng thẳng về phòng học, giáo viên, nên thành phố rất quan tâm. Do đó, trong đề án xây dựng nâng cấp trường học, thành phố cũng chú trọng rất nhiều.

Dự kiến năm học 2022-2023 quận Liên Chiểu cần 415 phòng học, năm học 2023-2024 là 435 phòng học, năm học 2024-2025 cần 445 phòng học. Tất cả những số liệu cần thiết đã được đưa vào đề án.

Hiện Sở đang phối hợp với Sở, ngành liên quan trình lãnh đạo thành phố ưu tiên quan tâm đặc biệt cho quận để đảm bảo trong thời gian tới tăng tỉ lệ học sinh quận được học 2 buổi/ngày”, bà Thuận nói.

AN NGUYÊN

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/giam-doc-so-giao-duc-da-nang-noi-gi-ve-tinh-trang-thieu-giao-vien-phong-hoc-post226788.gd