Giảm gánh nặng cho viên chức

'Bộ Nội vụ đang đề xuất Chính phủ bỏ quy định thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, chỉ giữ hình thức xét thăng hạng'. Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chia sẻ tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam mới đây.

Đối với gần 2 triệu viên chức trên cả nước, đây là tin vui, bởi gánh nặng thi cử đang dần được tháo gỡ; đồng thời cho thấy tinh thần trách nhiệm, quyết liệt trong công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện cho sự phát triển nói chung.

Không ai có thể phủ nhận mục đích của việc thi thăng hạng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nâng thu nhập cho viên chức và không cào bằng. Thế nhưng, việc tổ chức thi thăng hạng viên chức lâu nay lại thực sự chưa gắn với yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức.

Sự việc gần 2.500 giáo viên Hà Nội gửi tâm thư lên Bộ Giáo dục và Đào tạo vì những điều kiện gây khó trong thăng hạng chức danh nghề nghiệp mới đây tựa như giọt nước tràn ly, cảnh tỉnh các cấp quản lý! Rõ ràng, kỳ thi nào cũng đòi hỏi tính minh bạch, công bằng. Thế nhưng nghịch lý là không ít giáo viên phấn đấu nhiều năm mà vẫn không được thi thăng hạng, trong khi đó địa phương khác thì nhiều năm tổ chức thi, lại có cơ quan chỉ xét thăng hạng. Điều này khiến các viên chức băn khoăn, giảm niềm tin vào sự công bằng trong thi thăng hạng, thậm chí rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Ảnh minh họa: TTXVN

Ảnh minh họa: TTXVN

Mong mỏi được thi để thăng hạng nhưng thực tế nhiều viên chức dù đã trải qua kỳ thi thăng hạng vẫn không có sự thay đổi về công việc cũng như không có sự khác biệt về năng lực, trình độ. Nguyên do một phần là bởi nội dung thi thăng hạng viên chức còn hình thức, chưa sát với vị trí việc làm và đặc thù công việc của từng chức danh nghề nghiệp; điều này gây áp lực, tốn kém kinh phí, dễ xảy ra tiêu cực.

Bộ Nội vụ cũng thẳng thắn chỉ ra bất cập, chẳng phải viên chức nào cũng đủ tiêu chuẩn, điều kiện để dự thi vì đòi hỏi phải có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp chuyên ngành tương ứng. Trong khi đó, nhiều chức danh nghề nghiệp không xây dựng được chương trình và các khóa bồi dưỡng nên việc tổ chức kỳ thi thăng hạng bằng cách nào và đến bao giờ vẫn là những câu hỏi còn bỏ ngỏ...

Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn nhấn mạnh việc cải cách hành chính trong mọi lĩnh vực để tạo điều kiện cho sự phát triển của đất nước. Với tinh thần ấy, việc đề xuất bỏ thi thăng hạng viên chức là việc làm cần thiết, kịp thời. Tuy nhiên, dư luận không khỏi băn khoăn, khi chuyển sang hình thức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, liệu có đi vào vết xe đổ, dễ cảm tính, quyền hạn lại rơi vào một bộ phận quyền lực, khó kiểm soát, tiềm ẩn tiêu cực.

Để xét thăng hạng đúng đối tượng, bố trí vào đúng vị trí việc làm, điều quan trọng trước tiên là các bộ, ngành phải xây dựng bộ tiêu chí xét tuyển đồng bộ, trong đó quy định rõ phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp, trình độ, năng lực kỹ năng, kinh nghiệm công tác khi thực hiện nhiệm vụ.

Cùng với đó, các cơ quan quản lý cần đề cao vai trò và gắn trách nhiệm người đứng đầu khi thực hiện xét thăng hạng. Song hành là sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, nhằm bảo đảm nguyên tắc công khai, khách quan, dân chủ, vì việc chọn người, chứ không vì người chọn việc. Bản thân viên chức không ngừng phấn đấu nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đóng góp tích cực cho cơ quan, đơn vị.

PHẠM KIÊN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/giam-ganh-nang-cho-vien-chuc-737586