Giảm năm đóng BHXH xuống tối thiểu 15 năm, lương hưu sẽ thấp

Nhiều ý kiến đồng tình với dự thảo Luật BHXH sửa đổi là giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu xuống 15 năm để tăng số người được hưởng lương hưu, nhưng vẫn có băn khoăn về mức hưởng.

Trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất giảm năm đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm, nhưng tỷ lệ hưởng lương hưu tối thiểu của lao động nam khác nữ.

Đề xuất giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu xuống 15 năm

Cụ thể, người lao động khi nghỉ việc có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu nếu đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định. Điều này tạo cơ hội cho những người tham gia BHXH muộn (45 – 47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc không tham gia liên tục khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu hàng tháng thay vì phải nhận BHXH một lần.

Đề xuất người lao động khi nghỉ việc có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu nếu đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.

Đề xuất người lao động khi nghỉ việc có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu nếu đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.

Góp ý dự thảo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, việc giảm điều kiện số năm đóng BHXH tối thiểu để người tham gia được hưởng lương hưu nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 28 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH là phù hợp với thực tế khi thị trường lao động của nước ta còn ở giai đoạn đầu phát triển.

Quy định thời gian đóng BHXH tối thiểu còn 15 năm cũng tạo cơ hội cho những người tham gia BHXH muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục có thời gian đóng ngắn hơn so với quy định hiện nay được hưởng lương hưu thay vì rút BHXH một lần.

Dư luận xã hội đồng tình với đề xuất giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu xuống 15 năm để tăng số người được hưởng lương hưu nhưng vẫn có băn khoăn về mức hưởng thấp.

Trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất giảm năm đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm, nhưng tỷ lệ hưởng lương hưu tối thiểu của lao động nam khác nữ.

Cụ thể, mức hưởng của lao động nghỉ hưu trong điều kiện bình thường bằng 45% bình quân tiền lương tính đóng BHXH, tương ứng với 20 năm đóng bảo hiểm của lao động nam và 15 năm với lao động nữ. Sau đó, cứ thêm một năm đóng bảo hiểm được hưởng thêm 2%.

Lao động nam đóng 15 năm BHXH hưởng tỷ lệ tối thiểu 33,75% và cần đóng 35 năm để hưởng lương hưu tối đa 75%. Nam đóng đủ 15 năm đến dưới 20 năm thì mức hưởng được tính thêm 2,25% mỗi năm. Lao động nữ tham gia 15 năm hưởng lương hưu tối thiểu 45% và cần đóng 30 năm để đạt mức tối đa 75%.

Cách tính trên cho thấy, cùng đóng BHXH tối thiểu 15 năm, thế nhưng tỷ lệ tích lũy lương hưu với lao động nam lại thấp hơn nữ 11,25%.

Mức lương hưu lao động nam thấp hơn nữ

Do vậy, với mức lương hưu lao động nam thấp hơn nữ, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, do cách tính mức lương hưu hàng tháng dựa trên thời gian đóng góp và mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng BHXH nên việc giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH sẽ làm xuất hiện thêm nhiều trường hợp lao động nghỉ hưu với mức lương hưu rất thấp, trong đó nam chỉ hưởng mức 33,75%.

Lao động nam tới tuổi nghỉ hưu có thời gian tham gia BHXH 15 năm, tỷ lệ hưởng lương hưu bằng 33,75% mức đóng.

Lao động nam tới tuổi nghỉ hưu có thời gian tham gia BHXH 15 năm, tỷ lệ hưởng lương hưu bằng 33,75% mức đóng.

Đại biểu Quốc hội Vương Thị Hương (đoàn Hà Giang) nhấn mạnh, cần xem xét thiết kế cách tính lương hưu có tính chia sẻ để hỗ trợ cho những người có tiền lương hưu quá thấp.

Về giảm điều kiện số năm đóng BHXH tối thiểu để người tham gia được hưởng lương hưu từ 20 xuống 15 năm quy định tại Điều 68 của dự thảo Luật, Đại biểu Hương cho rằng, chính sách này nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 28 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH là phù hợp với thực tế. Bởi lẽ khi thị trường lao động của Việt Nam còn ở giai đoạn đầu phát triển, tạo cơ hội cho những người tham gia BHXH muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục có thời gian đóng BHXH.

“Do cách tính mức lương hưu hàng tháng dựa trên thời gian đóng góp vào mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng BHXH nên việc giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH sẽ làm xuất hiện thêm nhiều trường hợp người lao động nghỉ hưu với mức lương hưu rất thấp. Ở lao động nam chỉ hưởng mức 33,75%”, đại biểu Hương nêu rõ.

Bên cạnh đó, Đại biểu Hương cho rằng, dự thảo Luật đã không còn quy định về mức lương hưu hàng tháng thấp nhất như quy định tại Khoản 5, Điều 56 của Luật BHXH năm 2014. Đây là điều mà nhiều người lao động đang rất băn khoăn và lo ngại có thể dẫn đến xu hướng nghèo hóa của một bộ phận người dân trong tương lai.

Do vậy, đại biểu Vương Thị Hương đề nghị, Ban soạn thảo cần xem xét thiết kế cách tính lương hưu có tính chia sẻ để hỗ trợ cho những người có tiền lương hưu quá thấp có thể đảm bảo cuộc sống.

Đánh giá lại mức hưởng lương hưu đối với lao động nam

Theo đại diện Công đoàn Dệt May Việt Nam, nếu đề xuất giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm còn 15 năm, lao động nữ tới tuổi nghỉ hưu có 15 năm đóng BHXH sẽ được tính lương hưu bằng 45% mức đóng; lao động nam tới tuổi nghỉ hưu có thời gian tham gia BHXH 15 năm, tỷ lệ hưởng lương hưu bằng 33,75% mức đóng.

Vì thế, Công đoàn Dệt May Việt Nam kiến nghị cần nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng và xem xét lại mức hưởng lương hưu đối với lao động nam. Tuổi nghỉ hưu theo quy định cũ đối với nam giới là 60 tuổi, quy định mới 62 tuổi, tức là chỉ tăng 2 tuổi, trong khi lao động nữ tăng 5 tuổi nhưng mức hưởng lương hưu của lao động nam đang bị tính giảm cơ học gây nên sự bất bình đẳng đối với nam giới.

TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề Xã hội (nay là Ủy ban Xã hội của Quốc hội) cho rằng, mục tiêu BHXH toàn dân; giảm thời gian đóng không phải là dành cho lao động trẻ mà chủ yếu là tạo cơ hội cho người cao tuổi (nam 45 và nữ 47) và những người thay đổi phương thức làm việc, luân chuyển hoặc làm việc gián đoạn có cơ hội tham gia vào hệ thống BHXH để có lương hưu khi về già.

“Tuy nhiên, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cần tính đến mức đóng và mức hưởng. Nếu như quy định như trong dự thảo luật thì mức lương sẽ thấp hơn mức sống tối thiểu dẫn đến sức hấp dẫn thấp. Vì thế, cần có quy định cụ thể để người lao động thấy được tham gia BHXH là có thu nhập bảo đảm mức sống tối thiểu”, TS. Bùi Sỹ Lợi nêu ý kiến.

Số liệu cập nhật đến hết ngày 1/6/2024 trên hệ thống Data Warehouse của BHXH Việt Nam cho thấy, toàn quốc hiện có số người tham gia BHXH đạt 17,414 triệu người, tăng 1,67% so với cùng kỳ năm 2023; số người tham gia BHTN đạt 14,253 triệu người, tăng 1,67% so với cùng kỳ năm 2023; số người tham gia BHYT đạt 90,614 triệu người, tăng 0,02% so với cùng kỳ năm 2023.

Hà Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//an-sinh/giam-nam-dong-bhxh-xuong-toi-thieu-15-nam-luong-huu-se-thap-1100294.html