Giảm nghèo bền vững thay đổi diện mạo vùng khó khăn

Giảm nghèo bền vững là một trọng tâm của Chiến lược phát triển KT-XH của đất nước giai đoạn 2011 - 2020, nhằm cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của người nghèo, trước hết là ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện chủ trương này, những năm qua, tỉnh đã vào cuộc tích cực và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Người dân xã Hiền Lương (Đà Bắc) tham gia mô hình chuỗi liên kết phát triển vùng nguyên liệu cây sa chi nâng cao nguồn thu nhập.

Người dân xã Hiền Lương (Đà Bắc) tham gia mô hình chuỗi liên kết phát triển vùng nguyên liệu cây sa chi nâng cao nguồn thu nhập.

Sự tích cực được thể hiện rõ bằng sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững (GNBV). Trên cơ sở Đề án GNBV giai đoạn 2016-2020, tháng 5/2017, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 56/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình GNBV, với mục tiêu cụ thể.

Đồng chí Nguyễn Thanh Thủy, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, Chánh Văn phòng giảm nghèo tỉnh cho biết: Trong giai đoạn 2016-2018, tỉnh đã huy động nguồn lực 1.874,37 tỷ đồng thực hiện các chính sách giảm nghèo trên địa bàn, trong đó, nguồn ngân sách Nhà nước 1.817,25 tỷ đồng; nguồn nhân dân đóng góp thông qua Quỹ ngày vì người nghèo và huy động từ các nguồn lực xã hội khác 57,121 tỷ đồng. Nguồn hỗ trợ này để thực hiện các chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo như: hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi; khám, chữa bệnh cho người nghèo; hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất; chính sách miễn giảm học phí; hỗ trợ tiền điện và thực hiện chính sách cho các đối tượng bảo trợ xã hội cũng như thực hiện các chính sách giảm nghèo đặc thù khác.

Thực hiện nghiêm túc các chương trình, dự án trong khuôn khổ Chương trình MTQG GNBV. Năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh ước còn 11,36%, giảm 3,38% so với năm 2018.

Đa dạng cách thức hỗ trợ giảm nghèo, đến hết năm 2017, huyện Kim Bôi đã vững vàng bước ra khỏi tốp huyện đặc biệt khó khăn được hưởng cơ chế, chính sách đầu tư hạ tầng theo quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ. Hiện, tỉnh còn huyện Đà Bắc được hưởng cơ chế, chính sách này.

Tuy đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên, kết quả giảm nghèo bền vững của tỉnh vẫn được xem như những nấc thang cơ động. Đó là bởi tác động xấu từ thiên tai; còn một số ít hộ nghèo có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Để tiếp tục thúc đẩy chương trình GNBV, tháng 12/2018, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 105 về "Tăng cường công tác quản lý thực hiện Chương trình MTQG GNBV giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh”. Nội dung nêu rõ: UBND tỉnh tăng cường công tác chỉ đạo nhằm đẩy nhanh thời gian xây dựng, thẩm định và phê duyệt kế hoạch vốn kịp thời cho các địa phương hàng năm để đảm bảo phát huy hiệu quả nguồn vốn của chương trình. Bố trí đầy đủ nguồn vốn ngân sách tỉnh đối ứng cho chương trình theo quy định và một số nội dung khác. Trên cơ sở đó, Sở LĐ-TB&XH - cơ quan thường trực tham mưu cho tỉnh về thực hiện Chương trình MTQG GNBV đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các cấp, ngành, các tổ chức, cá nhân nhận thức đúng đắn về chương trình GNBV. Tham gia tích cực vào công tác giảm nghèo, người nghèo tự vươn lên thoát nghèo. Rà soát các chính sách giảm nghèo hiện hành để có đề xuất, kiến nghị sửa đổi, lồng ghép các chính sách chồng chéo, trùng lặp hay không còn phù hợp. Một mặt, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc triển khai, thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo, từ đó rút kinh nghiệm trong cách thức tổ chức thực hiện và quản lý chương trình. Tất cả nhằm hướng tới mục tiêu GNBV trên địa bàn.

Thúy Hằng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/274/136615/giam-ngheo-ben-vung-thay-doi-dien-mao-vung-kho-khan.htm