Giảm nỗi lo thị trường hàng không nội địa 'hụt hơi'
Cục Hàng không Việt Nam đánh giá từ đầu năm đến nay, thị trường quốc tế tăng trưởng với số khách quốc tế vận chuyển nhiều nhất đến Việt Nam là Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Australia, Hongkong (Trung Quốc) và Ấn Độ. Trong khi đó, nhiều chặng nội địa lại đang có dấu hiệu 'hụt hơi'.
Các hãng vẫn duy trì mạng đường bay nội địa với 50 đường bay kết nối
Theo thông tin từ Cục hàng không Việt Nam, tổng thị trường hành khách trong sáu tháng đầu năm nay đạt hơn 37 triệu khách (tăng hơn 3% so với cùng kỳ năm 2023 và bằng 97% so với cùng kỳ năm 2019). Tổng sản lượng hành khách thông qua cảng hàng không, sân bay đạt hơn 54 triệu khách (bằng 97% so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, hành khách quốc tế đạt hơn 20 triệu khách (tăng 38% cùng kỳ năm 2023),…
Hệ số sử dụng ghế trên các đường bay nội địa về cơ bản được duy trì ở mức trên 80% và các đường bay quốc tế ở mức trên 70%. Riêng thị trường nội địa, các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển hơn 17 triệu khách nội địa (bằng 82% so với cùng kỳ năm 2023).
Chỉ ra nguyên nhân khiến thị trường nội địa giảm so cùng kỳ 2023 và 2019, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho rằng do khó khăn về đội bay vì triệu hồi động cơ máy bay nên các hãng phải điều chỉnh giảm cung ứng trên các đường bay nội địa. Tuy nhiên, các hãng vẫn duy trì mạng đường bay nội địa với 50 đường bay kết nối Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và 20 cảng hàng không trên cả nước.
Cục Hàng không Việt Nam cũng dự báo trong cả năm 2024, hoạt động khai thác thị trường quốc tế sẽ tiếp tục gia tăng và là động lực chính cho sự tăng trưởng chung của toàn thị trường, trong khi thị trường nội địa tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi nguồn cung do các yếu tố khách quan (thiếu hụt máy bay, tỷ giá, lãi suất, giá nhiên liệu...).
Không thể cứ ngồi một chỗ chờ khách, mới đây hãng hàng không Vietnam Airlines đã phối hợp với tỉnh Kiên Giang tìm cách khai thác các chuyến bay đêm, góp phần hạ nhiệt giá vé máy bay và kích cầu du lịch nội địa. Ông Nguyễn Việt Anh-Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Kiên Giang thông tin: “Chúng tôi đề nghị Vietnam Airlines hoàn chỉnh chương trình sử dụng sản phẩm bay đêm như giờ bay 21h, chính sách giá vé, chính sách hủy, đổi vé. Cùng đó, địa phương cũng sẽ triển khai với các doanh nghiệp đăng ký hợp tác chương trình sử dụng sản phẩm bay đêm và thông tin chương trình đến doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trong và ngoài tỉnh”.
Vị này cũng cho rằng, về lâu dài, các chuyến bay đêm xây dựng thói quen mới cho một bộ phận du khách trong việc sử dụng sản phẩm này. Để có thể khai thác hiệu quả chương trình bay đêm, các chuyên gia du lịch nhìn nhận, cần có cái “bắt tay” thật chặt giữa ngành Hàng không, chính quyền và doanh nghiệp, trong đó cần nhất là chính sách nhận, trả phòng lưu trú linh hoạt, sản phẩm du lịch đêm hấp dẫn, thu hút du khách.
Trước đó, kể từ khi Nhà ga quốc tế T2 Cảng hàng không quốc tế Phú Bài đi vào hoạt động, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai và hợp tác với các hãng hàng không trong nước và các đối tác quốc tế phát triển các đường bay, xúc tiến thu hút khách từ nhiều quốc gia đến với Cố đô Huế; duy trì khá tốt các chuyến bay charter từ những đường bay đã được khai thác là Thừa Thiên Huế - thành phố Côn Minh (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc); Thừa Thiên Huế - Seoul (Hàn Quốc); Thừa Thiên Huế - Đài Bắc (Đài Loan), trong đó có khoảng 10 chuyến bay đến từ Đài Loan (Trung Quốc).
Ngành Du lịch tỉnh cũng đặt mục tiêu thu hút mạnh mẽ khách quốc tế bằng đường hàng không từ những đường bay thẳng. Các chuyến bay charter chỉ là nhiệm vụ khởi đầu, mục tiêu hướng đến các chuyến bay thương mại, duy trì và phát triển các chuyến bay thường xuyên đến và đi từ Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài. Song, mới để kích cầu du lịch hơn nữa, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành kế hoạch xúc tiến mở đường bay từ Huế đến các trung tâm du lịch của Việt Nam và khu vực Đông Á, Đông Nam Á. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho du khách quốc tế và nội địa đến với Huế.
Ngoài ra, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là trong các khu vực có tốc độ phát triển nhanh hoặc đang có nhu cầu cao về vận tải hàng không; tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh, thương mại, và du lịch, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương và quốc gia.
Nhà nước sẽ không ngoài cuộc
Theo ông Đỗ Hồng Cẩm, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, thời gian qua, thị trường hàng không đối mặt với nhiều khó khăn. Ngoài việc phải ứng phó với những tác động tiêu cực sau COVID-19, hàng không còn đối mặt với các thách thức như sụt giảm đội bay. Đội bay của các hãng hàng không Việt Nam giảm khoảng 40-45 chiếc so năm 2023 do việc triệu hồi động cơ của nhà sản xuất và việc tái cơ cấu của Bamboo Airways và Pacific Airlines). Các hãng cũng khó tìm được máy bay thuê để bổ sung do giá thuê tăng cao, chưa kể giá nhiên liệu cũng tăng cao, chênh lệch tỷ giá ngoại tệ... Các yếu tố này khiến nguồn cung bị ảnh hưởng và là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự biến động của giá vé máy bay trên các đường bay nội địa trong một số giai đoạn cao điểm (ngày lễ, Tết).
Trong bối cảnh đó, Cục Hàng không Việt Nam đã chủ động nghiên cứu, phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành để có giải pháp quản lý hiệu quả, cải thiện tối ưu năng lực và các điều kiện khai thác. Liên quan đến việc thiếu máy bay do nhà sản xuất triệu hồi động cơ, Bộ GTVT yêu cầu các hãng hàng không báo cáo rõ các phương án cần được Nhà nước hỗ trợ đồng thời đề nghị các đơn vị liên quan nghiên cứu, tìm giải pháp để bộ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đối với việc điều chỉnh hỗ trợ các chi phí đầu vào, các doanh nghiệp chủ động tìm phương án, đề xuất chính sách, cơ chế để Bộ Giao thông Vận tải xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để có các phương án phù hợp.