Giảm quy mô, tiết kiệm chi phí
Thời điểm này đang là cao điểm mùa cưới. Trên địa bàn TP Bắc Giang, vào ngày nghỉ cuối tuần, có rất nhiều đám cưới, đám hỏi. Bên cạnh niềm vui của gia chủ, cô dâu, chú rể, người thân, họ hàng thì nỗi lo của người được mời dự tiệc cưới cũng luôn cánh cánh trong lòng. Không ít người, 1 tuần đi ăn cỗ từ 6-8 đám, thậm chí hơn 10 đám. Do mức sống, chi phí giữa thành thị, nông thôn, miền núi có sự chênh lệch, nên tiền mừng cưới cũng khác.
Thông thường, mỗi đám cưới ở TP Bắc Giang, người dự tiệc mừng trung bình từ 300 đến 500 nghìn đồng hoặc có thể nhiều hơn, tùy theo mối quan hệ. Với người có thu nhập cao, kinh tế khá giả, việc bỏ ra vài triệu đồng 1 tuần, 1 tháng để đi ăn cỗ cưới không đáng ngại. Tuy nhiên, đối với những người thu nhập thấp thì đây là một mối lo.
Một số cán bộ ở TP Bắc Giang chia sẻ, vài tuần gần đây, họ “chóng mặt”, “quay cuồng” vì đi ăn cỗ cưới. Có những người đi làm 20 năm nhưng mức lương hiện nay chỉ khoảng 6-7 triệu đồng/tháng, nếu như trung bình 1 tháng đi ăn cỗ cưới hơn 10 đám sẽ hết lương, không có tiền để trang trải, chi tiêu, sinh hoạt cho cuộc sống hằng ngày. Trong khi đó, từ nay đến tháng Giêng, Hai của năm sau vẫn là cao điểm mùa cưới, đồng nghĩa nỗi lo tiền mừng vẫn tiếp tục song hành.
Người được mời là vậy song đối với người đứng ra tổ chức đám cưới cũng có mối lo riêng. Trên thực tế, chưa hẳn gia chủ muốn “bày vẽ”. Bởi lẽ, chi phí để làm cỗ cũng khá tốn kém từ việc mua thực phẩm; thuê phông, rạp, bàn, ghế, người nấu, bưng bê, dọn dẹp (nếu tổ chức tại nhà).
Nếu ở các khách sạn hạng trung hoặc sang trọng, chi phí 1 mâm cỗ 10 người có giá trung bình từ 2 đến 4 triệu đồng, thậm chí cao hơn tùy thực đơn mà gia chủ đặt. Như vậy, cả người tổ chức, người đi dự cũng chung một mối lo về tài chính. Song người Việt ta luôn trọng nghĩa, trọng tình, việc mời cưới xuất phát từ tình cảm, mối quan hệ, là nét văn hóa từ bao đời của dân tộc.
Còn nhớ cách đây khoảng 2 năm, khi dịch Covid-19 chưa được kiểm soát tốt, nhiều đám cưới ở TP và các huyện đã giảm quy mô, số lượng khách mời, vừa tiết kiệm chi phí cho chính gia chủ và khách mời song vẫn bảo đảm văn minh, lịch sự. Những mô hình đám cưới đó được đông đảo người dân ủng hộ. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quán triệt việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang.
Do đó, cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trong các tầng lớp nhân dân về vấn đề này. Cán bộ, đảng viên phải là người gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện để người dân làm theo. Khi tổ chức đám cưới, các gia đình nên cân nhắc, lựa chọn khách mời, không nên mời tràn lan, dàn trải. Đó cũng là thể hiện nếp sống văn hóa, văn minh của người dân TP.
Phương Ngân